Đã đến lúc cần một cách tiếp cận mới với Bắc Hàn
“Bắc Hàn sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và chẳng phải đối mặt với hậu quả gì,” (John Bolton)
Bắc Hàn một lần nữa lặp lại chiến thuật cũ kỹ về chính sách bên bờ vực chiến tranh của họ, tiến hành một loạt các vụ thử hỏa tiễn nhằm mục đích chiếm sự chú ý của cuộc xung đột đang leo thang về Ukraine giữa Nga và phương Tây và lôi kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán. Trong lần phóng có lẽ là mang tính chất khiêu khích nhất kể từ năm 2017, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) đã thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo tầm xa, đạt độ cao tối đa 1,242 dặm (gần 2,000km) và di chuyển 497 dặm (khoảng 800km) trước khi hạ cánh xuống biển. Vụ thử này là lần phóng thứ bảy của Bắc Hàn trong tháng Một, một lần nữa chứng minh rằng nước này sở hữu khả năng không chỉ tấn công các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực mà còn có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Mỹ Quốc.
Theo một khuôn mẫu có thể đoán trước, CHDCND Triều Tiên đã dàn dựng vụ phóng hỏa tiễn mới nhất này để thu hút sự chú ý của quốc tế, buộc Hoa Kỳ phải công nhận vị thế của nước này là một cường quốc có năng lực hỏa tiễn đạn đạo, được trang bị vũ khí hạt nhân, và thúc đẩy Hoa Kỳ đàm phán với Vương quốc Ẩn Dật này. Trong một phản ứng có thể dự đoán được, Hoa Kỳ sẽ lên án hành động của CHDCND Triều Tiên, tham khảo ý kiến của các đồng minh trong khu vực và duy trì sự tiếp tục các chính sách ngăn chặn hiện có của mình một cách nhất quán và thiếu sáng suốt.
Đối với chính sách hiện tại của Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ vẫn cam kết vì một Bán đảo Triều Tiên ổn định, hòa bình và duy trì tinh thần hiệp trợ chặt chẽ với Nam Hàn, Nhật Bản, và các quốc gia khác có lợi ích nhất định đối với tương lai của Bán đảo Triều Tiên. Hoa Kỳ tiếp tục cố gắng đưa CHDCND Triều Tiên vào các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa và thuyết phục nước này tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình. Đồng thời, Hoa Kỳ đã làm việc để bảo đảm việc thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm ngăn chặn mạng lưới hạt nhân, hỏa tiễn, và sự phổ biến vũ khí của CHDCND Triều Tiên, mặc dù không mấy thành công. Làm chậm các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của CHDCND Triều Tiên và sự tham gia của nước này vào các hoạt động bất hợp pháp khác; ủng hộ bất kỳ cuộc đối thoại nào trong tương lai để tái thống nhất nước này theo một thời gian biểu phù hợp với nguyện vọng của người dân Nam Hàn và cung cấp hỗ trợ nhân đạo để giảm bớt đau khổ cho người dân Bắc Hàn vẫn là các mục tiêu nhất quán của Hoa Kỳ.
Ngược lại, các hành động của CHDCND Triều Tiên đã liên tục gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định thông qua các hành động khiêu khích có tính toán. Các lần phóng hỏa tiễn gần đây nhất chỉ là những vụ mới nhất trong một chuỗi các hành động kích động, khiêu khích, và tấn công nhằm đạt được các mục tiêu của CHDCND Triều Tiên. Quyết định tấn công tàu hộ tống Cheonan của hải quân Nam Hàn hồi tháng 03/2011, vụ nã pháo kích vào đảo Diên Bình (Yeonpyeong), và vụ phá hủy Văn phòng Liên lạc Liên Triều chỉ là một vài trong số những ví dụ trong lịch sử gần đây về sự coi thường không thay đổi của CHDCND Triều Tiên đối với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Các cuộc gặp được đưa tin rầm rộ giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un đã mang lại rất ít kết quả trong việc đình chỉ các vụ thử vũ khí hạt nhân cũng như làm giàu uranium của CHDCND Triều Tiên và những lần thử hỏa tiễn gần đây nhất này chứng minh cho sự tiến triển trong chương trình hỏa tiễn đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Các vụ phóng hỏa tiễn trong tương lai và thậm chí cả các vụ thử hạt nhân tiềm ẩn tiếp theo đều phù hợp với chính sách của CHDCND Triều Tiên là tiến hành song song các sự kiện khiêu khích.
Giữa những suy đoán về việc liệu chế độ này cuối cùng sẽ sụp đổ hay không, thì sự thật còn đó là CHDCND Triều Tiên đã tồn tại hơn 30 năm kể từ khi Liên Xô tan rã và sự tồn tại của chế độ này vẫn là mục tiêu chính của họ.
Trong hai thập niên qua, chính sách của Hoa Kỳ đối với CHDCND Triều Tiên dựa trên nguyên tắc “kiên nhẫn chiến lược”. Đặc điểm trong chiến thuật của Hoa Kỳ là ngăn chặn hành vi gây hấn thông qua sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Nam Hàn, hợp tác với các đồng minh trong khu vực, và đối thoại với Trung Quốc để thuyết phục và gây ảnh hưởng đến CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, Hoa Kỳ đã gây áp lực kinh tế, áp dụng thông qua các biện pháp trừng phạt đơn phương và do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủy quyền để cố gắng buộc Bắc Hàn tuân thủ. Ngoài ra, những nỗ lực đối thoại và đàm phán của Hoa Kỳ chỉ dẫn đến việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục thách thức.
Theo cách tiếp cận chính sách hiện tại thì Hoa Kỳ liên tục thấy mình ở trong tư thế phản ứng lại trước các sự kiện do Bình Nhưỡng định đoạt. Chính sách kiên nhẫn chiến lược của Hoa Kỳ đã phát triển thành việc có thể dự đoán trước chiến lược, điều mà CHDCND Triều Tiên khai thác một cách hiệu quả. Xét đến hiệu quả mờ nhạt của các chính sách hiện tại của Hoa Kỳ đối với CHDCND Triều Tiên, thì có lẽ cần phải có một cách tiếp cận sáng tạo hơn, toàn diện hơn, và có tầm nhìn xa hơn.
Một nỗ lực mới của Hoa Kỳ là cần thiết, một nỗ lực tập trung vào cách tiếp cận gián tiếp của chính sách “sự mơ hồ có tính toán.” Hoa Kỳ sẽ không hành động và phản ứng theo cách tương xứng với tính toán của Bình Nhưỡng nữa. Cách tiếp cận mới này của Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi sự tinh tế và vừa năng động vừa tế nhị, nhưng vốn dĩ lại không thể đoán trước được. Phương pháp mới này sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng và được sắp xếp hợp lý, toàn chính phủ. Mục tiêu của cách tiếp cận này là hạn chế quyền tự do hành động của Bình Nhưỡng bằng cách tạo ra sự thường xuyên thay đổi trong các ý định của Hoa Kỳ, khiến CHDCND Triều Tiên luôn mất cân bằng về ngoại giao, quân sự, và kinh tế. Cách tiếp cận này tìm cách sửa đổi hành vi của CHDCND Triều Tiên mà không nhất thiết dẫn đến sự sụp đổ chế độ này. Thay vào đó, sự mơ hồ có tính toán là một cách tiếp cận “siết chặt và nới lỏng” liên tục, sử dụng thời gian và biện pháp do Hoa Kỳ vạch ra để định hình các hành động của CHDCND Triều Tiên.
Chẳng hạn, các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc công nhận chủ quyền của CHDCND Triều Tiên, thừa nhận những tham vọng của nước này, và theo đuổi các nỗ lực thỏa thuận theo cách như vậy để khuyến khích hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Không có điều kiện ràng buộc nào đối với sự trợ giúp nhân đạo có thể được đưa ra. Đồng thời, các hành động quân sự của Hoa Kỳ sẽ bao gồm việc thể hiện theo từng đợt các khả năng tấn công quân sự đáng gờm của Hoa Kỳ trong khu vực này, có khả năng “hạ thủ chế độ” [CHDCND Triều Tiên] với các cuộc tập trận “phô trương lực lượng” định kỳ theo sau đó. Một chiến dịch thông tin đồng bộ sẽ tìm cách công khai trấn an giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đồng thời bí mật tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng dần dần đến người dân CHDCND Triều Tiên. Việc nới lỏng có chọn lọc các biện pháp trừng phạt kinh tế cùng với áp lực nhắm đến một số cơ chế kinh tế và tài chính quan trọng sẽ hoàn thiện cách tiếp cận này. Hiệu quả mong muốn: một cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” có vẻ thiếu phối hợp và thất thường của Hoa Kỳ, được cố tình sắp đặt như vậy, sẽ khiến Bình Nhưỡng do dự và thiếu quyết đoán.
Tất nhiên, chiến lược này là không dễ dàng và không phải không có rủi ro. Cách tiếp cận mơ hồ có tính toán sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực và phải chứng minh một cách thận trọng với Trung Quốc rằng sự thay đổi trong hành vi của CHDCND Triều Tiên, bao gồm cả việc ngừng các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn, tuân thủ luật pháp quốc tế, và việc ngừng khiêu khích liều lĩnh, sẽ mang lại lợi ích chung cho tất cả.
Hiện tại, các hành động của CHDCND Triều Tiên được tính toán dựa trên các phản ứng chính sách có thể dự đoán được của Hoa Kỳ. CHDCND Triều Tiên bắn thử hỏa tiễn, Hoa Kỳ phản ứng theo một cách thức được quy định và thông thường. Hoa Kỳ nên rũ bỏ định kiến rằng không thể thực hiện các cách tiếp cận chính sách khéo léo, thành công và giành lại thế chủ động chiến lược khi đối phó với CHDCND Triều Tiên. Việc gửi đi những tín hiệu hỗn hợp thông qua một chính sách mơ hồ có tính toán sẽ lặp lại chiến thuật của chính Bình Nhưỡng. Tính không thể đoán trước sẽ buộc CHDCND Triều Tiên phải liên tục đánh giá lại các kế hoạch của họ, điều này có thể gây khó khăn và cuối cùng dẫn đến một số biện pháp điều chỉnh và tuân thủ.
Hoa Kỳ chỉ có lợi khi cố gắng áp dụng một cách tiếp cận mới đối với những thách thức mà CHDCND Triều Tiên đặt ra. Các chính sách trong quá khứ đã mang lại rất ít thành công. Chúng đã không ngăn được CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như không ngăn được nước này phát triển khả năng phóng chúng vào Hoa Kỳ.
Việc liên tục theo đuổi các chính sách nhằm buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân không chỉ phi thực tế mà còn điên rồ. Hiện tại có một cơ hội hữu hạn để thực hiện các cách tiếp cận mới và sáng tạo để đạt được các mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên mà sẽ định hình môi trường chiến lược theo hướng thiện chí và thuận lợi. Tạo ra các điều kiện mang lại cho Hoa Kỳ sáng kiến và lợi thế chiến lược không ngừng trước CHDCND Triều Tiên và hành vi của nước này là thước đo thành công mới.
Do một cựu Sĩ quan Lực lượng Đặc biệt ẩn danh thực hiện.
Thông tin trực quan của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD) xuất hiện trong bài viết này không ngụ ý hoặc cấu thành sự chứng thực của DoD.
Bài viết này được đăng lần đầu trên Tạp chí Havok
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times