Hoa Kỳ và Nam Hàn ký thỏa thuận ‘răn đe mở rộng’ nhằm mục tiêu vào Bắc Hàn
Hoa Kỳ đã không thành công trong việc thuyết phục chính quyền Bắc Hàn phi hạt nhân hóa, nhưng một thỏa thuận mới tái khẳng định hiệp ước 70 năm giữa hai nước sẽ bảo vệ Nam Hàn, ngăn chặn việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân riêng của nước này.
Để đổi lấy việc Nam Hàn cam kết tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi thành phần “hạt nhân” trong chiến lược “răn đe hạt nhân” đối với chế độ của ông Kim Jong Un.
Việc chuyển từ “phi hạt nhân hóa” sang “răn đe hạt nhân” để đối phó với Bắc Hàn là điểm khác biệt chính trong “Tuyên bố Hoa Thịnh Đốn” được Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol công bố sau buổi lễ kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh Hoa Kỳ–Nam Hàn tại Hoa Thịnh Đốn hôm 26/04.
Diễn thuyết tại Vườn Hồng, ông Biden nói rằng một điều sẽ không thay đổi đó là: Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào chống lại Hoa Kỳ hoặc những quốc gia đồng minh của nước này “sẽ dẫn đến kết cục của bất kỳ chế độ nào thực hiện hành động như vậy.”
Tuyên bố này thừa nhận rằng nỗ lực trong 30 năm nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển các loại vũ khí hạt nhân đã thất bại và đề ra một loạt các biện pháp “răn đe mở rộng” mà Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ thực hiện để chống lại hành động đe dọa vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Hiệp ước sửa đổi này nêu rõ rằng “răn đe mở rộng” có nghĩa là sự hiện diện “rõ ràng hơn” của các loại vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ trong khu vực với “sự khai triển thường xuyên các khí tài chiến lược,” trong đó sẽ bao gồm các chuyến thăm cảng đầu tiên của Nam Hàn trong bốn thập niên của “những chiếc boomer” thuộc Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ — các tàu ngầm lớn với hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mang theo đầu đạn hạt nhân.
Ông Biden cho biết, “Chúng tôi sẽ không đặt vũ khí hạt nhân trên bán đảo này. Chúng tôi sẽ tổ chức các chuyến thăm cảng của tàu ngầm hạt nhân và những thiết bị tương tự như vậy.”
Ông Rick Fisher, thành viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, cho biết cam kết di chuyển các khí tài hạt nhân vào và ra khỏi khu vực trong các đợt khai triển không giống với việc đưa những vũ khí này thẳng vào Bắc Hàn qua vĩ tuyến 38 ngăn cách hai nước này.
“Quyết định khai triển tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo được trang bị đầu đạn hạt nhân cho các nhiệm vụ răn đe ở Đông Bắc Á của chính phủ Tổng thống Biden là một sự thay thế kém tối ưu hơn cho việc khai triển và khôi phục kho vũ khí hạt nhân chiến trường của Hoa Kỳ ở Á Châu, và về mặt chiến lược thì chẳng khác gì ‘trộm của người này mang cho người khác,’” ông Fisher nói với The Epoch Times.
Nam Hàn sẽ tham gia vào việc hoạch định chiến lược của Hoa Kỳ
Tuyên bố này tăng cường các cuộc tập trận huấn luyện chung và các hoạt động mô phỏng để cải thiện khả năng răn đe của Hoa Kỳ-Nam Hàn trong việc “phòng vệ trước các mối đe dọa [của Bắc Hàn], bao gồm cả bằng việc tích hợp tốt hơn các vũ khí thông thường [của Nam Hàn] vào kế hoạch chiến lược của chúng ta.”
Nói cách khác, thỏa thuận này cho phép các nhà hoạch định quân sự kết hợp các lực lượng chiến lược của Hoa Kỳ, chẳng hạn như oanh tạc cơ B-52, với các lực lượng thông thường của Nam Hàn.
Thỏa thuận này tạo ra một nhóm tham vấn Hoa Kỳ-Nam Hàn để đảm nhiệm như một “cơ chế đối thoại song phương định kỳ” mà sẽ “tái khẳng định cam kết [của Hoa Kỳ] là dồn mọi nỗ lực để tham vấn với [Nam Hàn] trong các cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm ẩn,” các quan chức Tòa Bạch Ốc nêu trong một báo cáo ngắn khái quát hôm 25/04.
Ông Yoon cho biết nhóm này thiết lập cuộc tham vấn “cấp tổng thống” và cho phép các nhà hoạch định quân sự Nam Hàn đóng góp ý kiến về cách thức, và liệu Hoa Kỳ có sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Bắc Hàn như một phần của học thuyết “răn đe mở rộng” hay không.
“Chúng tôi muốn tùy chỉnh phản ứng của mình trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn sang răn đe mở rộng,” ông Yoon nói.
‘Sự hiện diện’ cũng sẽ làm dịu bớt những lo ngại của Nam Hàn
Các biện pháp “răn đe mở rộng” được thiết kế không chỉ để ông Kim nhìn thấy rõ ràng hơn, mà còn tạo cơ hội cho cả công chúng Nam Hàn, những người đã bị xáo trộn bởi các vụ thử hỏa tiễn ngày càng tăng của Bắc Hàn và những luận điệu mang tính đe dọa trong bối cảnh có những lo ngại về việc chia rẽ đảng phái ngăn cản Hoa Kỳ đưa ra các quyết định sáng suốt.
Hoa Kỳ lo ngại rằng Nam Hàn lần lữa với việc bổ sung thành phần hạt nhân vào kho vũ khí vốn đã mạnh mẽ và được tập luyện kỹ lưỡng của mình có thể khuyến khích việc phổ biến vũ khí hạt nhân hơn nữa đối với Nhật Bản và, có lẽ cả các quốc gia Đông Nam Á khác.
Nam Hàn, quốc gia đã từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vào những năm 1960, tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân vào năm 1975. Nhưng ngày càng nhiều người dân Nam Hàn muốn quốc gia này xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Theo một cuộc thăm dò năm 2022, 71% người dân Nam Hàn ủng hộ việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân trong nước.
Tại một sự kiện hồi tháng Một ở Seoul, ông Yoon cho rằng Nam Hàn có thể chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình hoặc yêu cầu Hoa Kỳ khai triển lại vũ khí hạt nhân ở nước này, như đã từng làm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nhưng ông Yoon đã nói trong Vườn Hồng rằng “việc răn đe mở rộng” trong Tuyên bố Hoa Thịnh Đốn sẽ xoa dịu phần nào tâm lý xáo trộn đó.
Ông nói: “Tôi tin rằng mọi mối lo ngại về vũ khí hạt nhân của người dân Nam Hàn sẽ được giải tỏa.”
Theo ông Dean Morse Tan, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn, thì bản thân việc chỉ đơn thuần nhắc lại cam kết đó đã là một biện pháp răn đe. Ông nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng: “Tôi nghĩ việc cam kết bảo vệ Nam Hàn của Hoa Kỳ là biện pháp răn đe lớn nhất đối với một cuộc chiến tranh Triều Tiên toàn diện khác và hành động hiếu chiến của Bắc Hàn.”
TT Biden cho biết tuyên bố này tái khẳng định “cam kết vững như bàn thạch” của Hoa Kỳ là “chống lại các mối đe dọa của Bắc Hàn và những hành vi vi phạm trắng trợn các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ,” mặc dù ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “tìm kiếm một bước đột phá về ngoại giao để củng cố sự ổn định, [để] giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp nhân kỷ niệm 70 năm liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn đánh dấu lần thứ tư ông Biden và ông Yoon gặp nhau kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 01/2021. Sau khi diễn thuyết trước Quốc hội hôm 27/04, ông Yoon sẽ kết thúc chuyến thăm sáu ngày tới Hoa Kỳ vào ngày 28/04.
Bản tuyên bố gửi thông điệp tới CHND Trung Hoa về Đài Loan
Ông Biden cho biết ông cũng đã nói chuyện với ông Yoon về những lợi ích chung của họ khi bảo đảm an toàn cho tàu thương mại đi qua Eo biển Đài Loan và bày tỏ lo ngại về các hành động hiếu chiến ngày càng tăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông.
Mặc dù CHND Trung Hoa trợ cấp cho chính quyền Bắc Hàn, nhưng Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn. Ông Tan cho biết mối liên kết thương mại chặt chẽ này có thể che đậy nguy cơ mà ĐCSTQ đặt ra trong việc đe dọa xâm chiếm Đài Loan và kiểm soát hoạt động vận chuyển ở Biển Đông.
Ông nói: “Bắc Hàn được Trung Quốc yểm trợ. Ông cũng nói rằng ĐCSTQ ủng hộ việc Bắc Hàn đe dọa Nam Hàn và những hành động đe dọa của nước này đối với Đài Loan “có mối liên hệ rất chặt chẽ.”
“[Các nền dân chủ Tây Thái Bình Dương] phải có nhận thức và phải có quyết tâm mạnh mẽ và vững chắc để chống lại những loại mưu đồ hiếu chiến này,” ông Tan nói. “Tôi nghĩ rằng có khả năng có thể đương đầu với các mưu đồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Bắc Hàn đối với hai quốc gia tương ứng là Đài Loan và Nam Hàn.”
Ông Fisher, một cộng tác viên của Epoch Times, nói rằng việc cho phép các SLBM của Hải quân Hoa Kỳ trở nên “rõ ràng hơn” cho lợi ích của Bắc Hàn — cũng là cho lợi ích của CHND Trung Hoa — thì sẽ có ảnh hưởng đến cách Hoa Kỳ di chuyển 15,000 đầu đạn hạt nhân đã được khai triển của mình.
“Hạm đội [tàu ngầm hạt nhân] của Mỹ thực sự đã gặp khó khăn trong việc ngăn chặn kho vũ khí hỏa tiễn hạt nhân đang mọc lên như nấm của Nga và Trung Quốc, có lẽ đã tăng lên hơn 3,000, vào thời điểm mà Trung Quốc và Nga muốn bắt đầu, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng, chưa hợp tác trong việc cưỡng ép hạt nhân và thậm chí là thực hiện các hoạt động tấn công phủ đầu chống lại Hoa Kỳ,” ông viết trong một thư điện tử.
“Các boomer” thường khai triển đến Bắc Cực và ẩn mình dưới chỏm băng, hoặc các đường nứt sâu khác dưới đáy đại dương, chờ đợi tín hiệu để phóng SLBM. Nhưng con tàu này thường được mô tả là vũ khí hủy diệt thế giới và mang lại lợi thế chiến lược lớn cho Hoa Kỳ với tư cách là một phần của bộ ba chiến lược hạt nhân.
Việc khai triển một tàu ngầm mang hỏa tiễn lớn như vậy ở Tây Thái Bình Dương “mang vũ khí này đến gần hơn với các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga và Trung Quốc,” ông Fisher nói, “điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ phải hiến dâng những tàu ngầm tấn công hạt nhân rất có giá trị của Hoa Kỳ cho nhiệm vụ hộ tống, khi chúng có thể được cần trong nháy mắt để chống lại cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.”
Ông nói rằng nếu kho vũ khí chiến lược hạt nhân của Hoa Kỳ thực hiện công việc đầu tiên của mình — ngăn chặn các cường quốc như Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ đầu tiên vào các thành phố của Hoa Kỳ — thì họ phải làm nhiều hơn là đưa ra “sự răn đe mở rộng.”
Ông Fisher cho biết Hoa Kỳ cần một lực lượng hạt nhân chiến thuật lớn hơn nhiều, được khai triển bằng bom hạt nhân và hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân nhỏ, để ngăn chặn mối đe dọa của Bắc Hàn đối với Nam Hàn về vũ khí hạt nhân áp đảo và xâm lược thông thường cũng như mối đe dọa hiện hữu của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times