Cựu TT Trump đệ trình bản tóm tắt lên Tối cao Pháp viện, phản đối phán quyết của Colorado
Chỉ vài ngày trước phiên tranh luận trực tiếp vào ngày 08/02, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump nói với Tối cao Pháp viện rằng một cựu viên chức lập pháp Colorado đã đưa ra những lập luận kém thuyết phục để biện hộ cho việc tước tư cách tham gia cuộc bỏ phiếu của ông theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14.
Vụ án Trump kiện Anderson là một trong những vụ án quan trọng nhất mà Tối cao Pháp viện từng xét xử trong lịch sử của tòa án này, và được cho là có ảnh hưởng lớn nhất đối với một cuộc bầu cử tổng thống kể từ phán quyết trong vụ Bush kiện Gore hồi năm 2000. Không rõ các thẩm phán sẽ ra phán quyết nhanh đến mức nào, nhưng bất kể mùa tranh cử đang diễn ra nhanh chóng, hàng loạt vấn đề về Hiến Pháp mà họ phải đối mặt có thể khiến họ khó đưa ra một phán quyết nhanh chóng.
Bà Norma Anderson, một cựu viên chức lập pháp của Đảng Cộng Hòa Colorado, đã cùng với các cử tri khác lập luận rằng hành vi của cựu TT Trump vào ngày 06/01/2021 dẫn đến việc ông ấy phải tuân theo một điều khoản thời hậu Nội Chiến nhằm ngăn cản một số người nhất định đảm nhiệm chức vụ.
Được đệ trình hôm 05/02, bản tóm tắt phúc đáp của cựu TT Trump bắt đầu bằng việc lưu ý đến những chiến thắng chưa từng có của ông trong các cuộc họp bầu ở Iowa và cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire, đồng thời nhắc lại lập luận rằng việc ông bị loại sẽ đi ngược lại sự tôn trọng của quốc gia đối với nền dân chủ.
“Tổng thống Donald J. Trump đã giành chiến thắng trong cuộc họp bầu ở Iowa với tỷ lệ chênh lệch lớn nhất từ trước đến nay đối với một ứng cử viên không đương nhiệm và chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire với số phiếu bầu nhiều nhất so với bất kỳ ứng cử viên nào của một trong hai đảng,” bản tóm tắt viết. “Ông cầm chắc sẽ là đề cử viên của Đảng Cộng Hòa và là ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống Hoa Kỳ.”
Bản tóm tắt này đã công kích những lập luận của bà Anderson ở nhiều cấp độ khác nhau, đồng thời cho rằng hành vi của cựu TT Trump không giống như những điều được nêu trong Mục 3.
Bản tóm tắt của ông cho biết, “Đã không có ‘cuộc nổi dậy’ nào, cựu Tổng thống Trump không ‘kích động’ bất cứ điều gì và cựu Tổng thống Trump không ‘tham gia’ vào bất cứ điều gì tạo thành ‘cuộc nổi dậy.’”
Trong khi đó, bản tóm tắt của bà Anderson đã cáo buộc cựu Tổng thống Trump “dẫn đầu một cuộc tấn công bạo lực vào Tòa nhà Capitol, vi phạm lời tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp.”
Các lập luận khác bao gồm nhận định rằng Tòa án Tối cao Colorado đã vi phạm luật bầu cử của tiểu bang và Mục 3 chỉ có thể được thực thi thông qua các phương pháp do Quốc hội thiết lập.
‘Viên chức Hoa Kỳ’
Phần lớn bản tóm tắt của cựu Tổng thống Trump tập trung vào cuộc tranh luận về việc liệu ông có phải là loại “viên chức của Hoa Kỳ” có thể bị tước tư cách theo Mục 3 hay không.
Cụ thể hơn, Mục 3 có đoạn viết: “Những người đã tuyên thệ ủng hộ Hiến Pháp của Hoa Kỳ với tư cách là một thành viên của Quốc hội, hoặc một viên chức của Hoa Kỳ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của Tiểu bang, hoặc một viên chức hành chính hay tư pháp của bất cứ một Tiểu bang nào nhưng lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến Pháp hoặc trợ giúp hay úy lạo kẻ thù, thì không thể là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc nhận một chức vụ nào, dân sự hay quân sự, của Hoa Kỳ hay của một Tiểu bang đó.”
Từ một quan điểm theo nguyên văn [của Hiến Pháp], câu đầu tiên rất dài của Phần 3 xoay quanh việc liệu một người đang tranh cử tổng thống hoặc các chức vụ khác đã có tuyên thệ “ủng hộ Hiến Pháp” hay không. Bà Anderson lập luận rằng cách hiểu đơn giản của từ ngữ “viên chức” (officer) cho thấy rằng từ ngữ này nói về “tất cả những người nắm giữ một chức vụ liên bang vốn đòi hỏi phải tuyên thệ.”
“Cách nói thông thường nên diễn ra nhiều hơn ‘những ý nghĩa bí mật hoặc kỹ thuật mà những công dân bình thường ở thế hệ lập quốc có thể không biết đến,” bản tóm tắt của bà cho biết, trích dẫn ý kiến trong vụ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn kiện Heller. Bản tóm tắt của bà Anderson cũng nêu ra những tuyên bố trong lịch sử được cho là ám chỉ tổng thống là một “viên chức của Hoa Kỳ.”
Điều đó bao gồm một bản ý kiến của cựu Tổng Chưởng lý Henry Stanbery, người đã viết rằng “‘Các viên chức của Hoa Kỳ’ bao gồm, nhưng ‘không giới hạn,’ bất kỳ ‘người nào vào bất kỳ thời điểm nào trước cuộc nổi dậy đã giữ bất kỳ chức vụ, dân sự hoặc quân sự nào, thuộc Hoa Kỳ, và đã tuyên thệ chính thức ủng hộ Hiến Pháp Hoa Kỳ,” theo bản tóm tắt của bà Anderson.
Các điều khoản của Điều II
Bản tóm tắt của cựu Tổng thống Trump phản bác rằng cách giải thích của bà Anderson về “viên chức” sẽ mâu thuẫn với tiền lệ của Pháp viện trước đó và gây ra xung đột nội bộ giữa các điều khoản Hiến Pháp khác nhau.
“[Bà Anderson] không thể thắng được bằng chứng không thể chối cãi theo đúng nguyên văn và kết cấu [của Hiến Pháp] rằng ‘viên chức của Hoa Kỳ,’ như được sử dụng xuyên suốt Hiến Pháp, chỉ đề cập đến các viên chức được bổ nhiệm và không được bầu,” bản tóm tắt hôm 05/02 của cựu TT Trump viết.
Bản tóm tắt này nói thêm rằng “không có bản công bố, tuyên bố tại nghị trường, hoặc ý kiến nào của tòa án có thể vượt qua được thực tế là các viên chức được bầu — bao gồm Tổng thống, Phó Tổng thống, và các nghị sĩ Quốc hội — không thể được xem là ‘viên chức của Hoa Kỳ’ bởi vì (1) Họ là không được Tổng thống ủy quyền; (2) Họ không được ‘bổ nhiệm’ theo Điều II; và (3) Họ bị loại khỏi danh sách ‘các viên chức dân sự của Hoa Kỳ’ được mô tả trong Điều khoản Đàn hặc.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times