Cuộc chiến gene của ĐCSTQ
Vụ xâm phạm an ninh mới đây vào hệ thống dữ liệu của công ty 23andMe đã thúc đẩy các nhóm theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đưa ra lời kêu gọi sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) nhằm mục đích phá vỡ mối liên hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và các công ty công nghệ sinh học có liên kết với Trung Quốc.
Vụ xâm nhập vào 23andMe cho thấy đây là vụ đánh cắp dữ liệu của 6.9 triệu người. Mục tiêu cụ thể là người Mỹ gốc Hoa và người Do Thái. Không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy chính quyền Trung Quốc đã thực hiện vụ xâm nhập này, mặc dù người ta nghi ngờ rằng dữ liệu bị đánh cắp nhắm mục tiêu cụ thể vào người Mỹ gốc Hoa.
Cùng với Trung Quốc cộng sản, Iran cũng đặt ra một mối đe dọa lớn về hoạt động tấn công mạng đối với Hoa Kỳ. Iran có lẽ sẽ quan tâm đến vị trí và danh tính của người Mỹ gốc Do Thái. Và nếu nhìn vào mối bang giao bền chặt giữa Tehran và Bắc Kinh, thì việc Iran thực hiện một vụ xâm nhập như vậy bằng cách hợp tác hoặc hành động thay mặt cho Bắc Kinh cũng là điều dễ hiểu. Rất may là, vụ xâm nhập này đã khơi gợi lại cuộc tranh luận từ năm 2021 về việc chống lại các mục tiêu cơ sở dữ liệu di truyền của Trung Quốc.
Năm 2021, Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia cảnh báo rằng Bắc Kinh đang cố gắng thống trị nền kinh tế sinh học bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu sinh học lớn nhất thế giới. Mặc dù phần lớn việc thu thập dữ liệu DNA được các công ty tư nhân thực hiện, nhưng những cơ sở này vẫn sẽ trở thành công cụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua chính sách “hợp nhất quân sự-dân sự.”
Ngoài ra, theo Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, các công ty tư nhân được yêu cầu chia sẻ công nghệ và thông tin với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và các cơ quan tình báo. Bắc Kinh ưu tiên các công nghệ quan trọng để đạt được các mục tiêu trong chính sách kinh tế và quân sự của mình. Những mục tiêu đó bao gồm công nghệ sinh học, vốn có thể được thu thập qua các hình thức như gián điệp hoặc đánh cắp, cũng như đầu tư vào khoa học và công nghệ ở Hoa Kỳ, hợp tác về nghiên cứu và học thuật, và hình thức liên doanh. Do đó, khu vực tư nhân Hoa Kỳ là mục tiêu chung cho các hoạt động bất chính của ĐCSTQ.
Một ví dụ về hoạt động hợp nhất quân sự-dân sự là một công ty Trung Quốc, Viện Nghiên Cứu Bộ Gene Bắc Kinh (Beijing Genomics Institute, BGI), vốn đang hợp tác với PLA. BGI sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm huyết thống được sử dụng trên khắp thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ. Việc chuyển thông tin này về Trung Quốc đã giúp ĐCSTQ xây dựng một kho dữ liệu di truyền khổng lồ mà khi kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, có thể mang lại lợi thế cho ĐCSTQ trong việc giải quyết các đại dịch trong tương lai nhưng cũng có thể được sử dụng để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ và những người bất đồng chính kiến khác bên trong Trung Quốc và hải ngoại. Thông tin di truyền như vậy cũng có thể tạo ra các loại mầm mống bệnh tật tấn công các lỗ hổng cụ thể trong nguồn cung cấp thực phẩm hoặc dân số của chúng ta.
Trong đại dịch, Trung Quốc đã tặng những phòng xét nghiệm virus corona di động có tên Hỏa Nhãn cho Serbia. Hỏa Nhãn không chỉ có khả năng kiểm tra bệnh mà còn có thể bẻ khóa mã di truyền của con người, cho phép ĐCSTQ thu hoạch và kiểm duyệt bản thiết kế di truyền của từng người dân ở Serbia. Cuối cùng, hệ thống phòng thí nghiệm Hỏa Nhãn đã tìm được đường đến 20 quốc gia, bao gồm Canada, Latvia, Saudi Arabia, Ethiopia, Nam Phi, và Úc. Hệ thống Hỏa Nhãn do Tập đoàn BGI sản xuất đã mang lại cho công ty [BGI] và ĐCSTQ quyền truy cập chưa từng có vào cơ sở dữ liệu DNA của ngoại quốc. Đáng chú ý là, ĐCSTQ đã chọn Tập đoàn BGI để điều hành Ngân hàng Gene Quốc gia Trung Quốc.
Sự hiện diện của BGI tại Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, cũng như mối đe dọa chung do chương trình thu thập gene của ĐCSTQ gây ra, càng trở nên đáng lo ngại hơn khi các nhà khoa học quân sự Trung Quốc suy đoán rằng họ có thể chế tạo các loại vũ khí di truyền dựa trên thông tin bộ gene của một nhóm dân số cụ thể.
Một số người ở Hoa Kỳ lập luận rằng mối quan tâm chính của Trung Quốc trong việc thu thập những dữ liệu di truyền này là đạt được lợi thế kinh tế bằng cách trở thành quốc gia đầu tiên đưa các loại dược phẩm mới ra thị trường trong tương lai. Họ cũng chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã sử dụng bất kỳ dữ liệu di truyền nào cho mục đích quân sự hoặc để tiến hành các cuộc tấn công vào Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, khả năng chắc chắn là có. Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí thông thường và hạt nhân để sử dụng chống lại Hoa Kỳ. Tại sao chính quyền này lại lùi bước trước việc sử dụng vũ khí dựa trên gene cơ chứ?
Một bài đăng hồi tháng 10/2023 trên WeChat của Bộ An ninh Quốc gia có nội dung như sau, “Nếu rơi vào tay các cá nhân hoặc tổ chức có động cơ xấu, thì các loại vũ khí gene đó sẽ có thể được nâng cấp để tiêu diệt các mục tiêu thuộc một chủng tộc đã xác định trước, từ đó tấn công có chọn lọc các mục tiêu có gene chủng tộc cụ thể.”
Bài đăng viết tiếp rằng: “So với vũ khí sinh học và vũ khí hóa học truyền thống, vũ khí gene dễ che giấu hơn, dễ đánh lừa hơn, dễ lây lan và có hại về lâu dài, và rất khó để ngăn chặn, rất khó để cô lập cộng với chi phí thấp. Một khi được sử dụng trong chiến tranh, hậu quả sẽ rất tàn khốc.”
Vì vậy, mặc dù ĐCSTQ chưa khai triển những loại vũ khí như vậy, nhưng rõ ràng là họ cũng đang nghĩ đến chúng.
Mười sáu nhóm bảo tồn truyền thống đã kiến nghị Quốc hội thông qua sửa đổi NDAA nhằm cắt đứt sợi dây liên kết giữa chính phủ Hoa Kỳ và các công ty công nghệ sinh học có liên hệ với ĐCSTQ, đặc biệt là BGI. Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee) và Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) là những người dẫn đầu trong đề nghị sửa đổi này. Ông Gallagher, kiêm Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ, nói rằng chừng nào bản sửa đổi này chưa được thông qua, thì người Mỹ vẫn là đang chi tiền cho ĐCSTQ để họ đánh cắp dữ liệu di truyền của chúng ta.
Bắc Kinh tuyên bố BGI là một công ty tư nhân nhưng nhận vốn từ chính quyền ĐCSTQ và các tổ chức có liên hệ với ĐCSTQ. Căn cứ vào chính sách hợp nhất quân sự-dân sự của Trung Quốc và Luật Tình báo Quốc gia, rõ ràng BGI và các công ty công nghệ sinh học khác của Trung Quốc tạo thành một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và đáng lẽ không nên được hưởng tiền đóng thuế của người dân.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times