CSIS cảnh báo về hoạt động gửi thư của Trung Quốc nhằm chiêu mộ quan chức và học giả Canada
Cơ quan tình báo Canada đã đưa ra cảnh báo về những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm chiêu mộ các quan chức chính phủ và học giả Canada qua một chương trình nhân tài.
Trong một thông báo dạng thư điện tử gửi cho các nhân viên chính phủ mà The Epoch Times đã thu thập được, Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) cho biết họ biết về các thư điện tử gần đây nhắm vào “các nhân viên của Chính phủ Canada và các học giả người Canada, mời họ tham gia vào một chương trình nhân tài ở ngoại quốc.”
CSIS cho biết trong thư điện tử: “Các thế lực ngoại quốc có thể đang sử dụng chiến dịch tuyển mộ này để thu thập kiến thức và chuyên môn của Canada. Các loại hình chiêu mộ nhân tài và sáng kiến chuyển giao công nghệ như thế này có thể dẫn đến việc chiếm dụng các nguồn lực của Chính phủ Canada đồng thời gây ra sự mất mát bản quyền và thông tin nhạy cảm.”
Cơ quan này lưu ý rằng các thế lực ngoại quốc “đang hướng tới việc khai thác tính chất hợp tác, minh bạch và cởi mở trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới của Canada để phục vụ các lợi ích về kinh tế, an ninh và quân sự của ngoại quốc.”
Họ nói, “Những sáng kiến này cũng có thể được tận dụng để trợ giúp các hoạt động gián điệp và can thiệp, gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Canada.”
Cơ quan này cho biết họ hiện đang điều tra nguồn gốc của chiến dịch chiêu mộ qua thư điện tử này.
Khi được hỏi về nguồn gốc của những bức thư điện tử nói trên, phát ngôn viên của CSIS Eric Balsam đã dẫn chứng một bản tin của CBC News cho rằng các nỗ lực tuyển dụng nhân tài này là do Trung Quốc thực hiện. Theo thông tin từ CBC, một bức ảnh chụp thư điện tử tuyển dụng cho thấy dòng tiêu đề như sau: “Lời mời năm 2024 dành cho các nhân tài ở ngoại quốc ghi danh vào Quỹ Khoa học gia Xuất sắc Toàn cầu ở Trung Quốc.” Thư điện tử này được cho là thu hút được “rất nhiều” thông tin cá nhân với cam kết mức lương từ 95,000 USD đến 374,000 USD.
CSIS đã chỉ ra sự tồn tại của hơn 200 “chương trình chiêu mộ nhân tài” của Trung Quốc, mà trong đó Bắc Kinh có một “mức độ kiểm soát đặc biệt.” Tuy nhiên, ông Balsam từ chối bình luận về việc liệu có nhân viên chính phủ Canada nào đã nộp đơn tham gia các chương trình này hay không, theo CBC.
Nhằm đối phó với chiến dịch tuyển mộ nhân tài này, CSIS đang kêu gọi những cá nhân nào bị nhắm mục tiêu hãy liên lạc với Bộ phận Quản lý An ninh và Khẩn cấp thuộc cơ quan tình báo này.
Rủi ro bảo mật
Lời khuyên của CSIS phù hợp với tuyên bố cảnh báo trước đó của Giám đốc CSIS David Vigneault. Trong lần xuất hiện trước công chúng cùng với những người đồng cấp từ liên minh tình báo Ngũ Nhãn hôm 17/10, ông Vigneault nhấn mạnh rằng Bắc Kinh vẫn luôn tận dụng “bản chất cởi mở và hợp tác của các nền dân chủ phương Tây” như một phần trong chiến lược nhằm thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị của mình.
Ông nói trong một cuộc thảo luận diễn đàn tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, “Chúng tôi thấy CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua luật để buộc bất kỳ người gốc Hoa nào ở bất kỳ đâu trên thế giới phải giúp đỡ hoạt động tình báo của họ.”
“Điều đó có nghĩa là họ có nhiều cách để [ép buộc] mọi người ở đây, ở mỗi quốc gia của chúng ta, ở bất cứ đâu, về cơ bản là nói cho họ biết và cung cấp cho họ những bí mật mà quý vị biết.”
Viện Chính sách Chiến lược Úc bày tỏ lo ngại về mối đe dọa an ninh liên quan đến các chương trình tuyển dụng nhân tài toàn cầu của Trung Quốc trong một báo cáo năm 2020 có tiêu đề “Săn phượng hoàng: Cuộc tìm kiếm công nghệ và nhân tài toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Báo cáo nhấn mạnh tính chất khác biệt của các sáng kiến tuyển mộ nhân tài của ĐCSTQ so với các sáng kiến của các quốc gia khác; trong đó nhấn mạnh những lo ngại về hành vi sai trái liên quan và nêu bật những tham vọng địa chính trị đan xen với các chương trình tuyển mộ nhân tài của Trung Quốc.
Báo cáo nêu rõ: “Theo số liệu thống kê chính thức, các chương trình tuyển mộ nhân tài của Trung Quốc đã thu hút gần 60,000 chuyên gia ngoại quốc từ năm 2008 đến năm 2016.”
“Những nỗ lực này thiếu minh bạch; hầu hết đều có liên quan đến hành vi sai trái, trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc gián điệp; đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân; và tạo thuận tiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times