Cột mốc quan trọng: Na Uy phát hiện mỏ kim loại đất hiếm lớn nhất châu Âu
Công ty khai thác đất hiếm Rare Earths Norway của Na Uy cho biết họ đã phát hiện ra mỏ khoáng sản đất hiếm có giá trị lớn nhất châu Âu. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với châu Âu trong việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về các khoáng sản quan trọng.
Theo công ty khai thác đất hiếm Na Uy, một lượng lớn khoáng sản kim loại đất hiếm đã được phát hiện có thể được sử dụng để sản xuất xe điện và các công nghệ năng lượng sạch khác.
Trong một buổi họp báo hôm 06/06, công ty này công bố rằng tổ hợp Fen Carbonatite Complex ở miền nam Na Uy chứa mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất châu Âu. Ước tính tổng lượng oxide đất hiếm đạt 8.8 triệu tấn, có triển vọng khai thác kinh tế hợp lý. Trong đó, ước tính có 1.5 triệu tấn liên quan đến nam châm có thể được sử dụng cho xe điện và turbine gió. Khi xem xét rủi ro trong chuỗi cung ứng, Liên minh Âu Châu (EU) coi những kim loại này là nguyên liệu quan trọng nhất.
“Chúng tôi hiện đã được bên thứ ba độc lập xác nhận rằng chúng tôi có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn tại Fen,” nhà địa chất học Trond Watne, trưởng nhóm địa chất của Công ty Khai thác Đất hiếm Na Uy, cho biết. “Đây là một cột mốc quan trọng đối với chúng tôi, cũng như đối với cộng đồng địa phương ở Nome và nhiều thế hệ ở Na Uy và châu Âu.”
Một trong những mục tiêu của “Luật Nguyên liệu Quan trọng của Liên minh Âu Châu” là đến năm 2030 sẽ đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu đất hiếm hàng năm của EU. Công ty khai thác đất hiếm Na Uy cho biết họ hy vọng sẽ đóng góp vào mục tiêu này.
Theo CNBC, mỏ ở Fen là một trong số ít các mỏ không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nên việc phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu này được xem là một động lực đáng khích lệ cho nỗ lực của châu Âu nhằm phá vỡ sự thống trị của ĐCSTQ trong lĩnh vực đất hiếm.
Việc xây dựng các nhà máy điện quang năng, phong năng, và xe điện thường đòi hỏi nhiều khoáng chất quan trọng hơn so với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một chiếc xe điện điển hình cần lượng tài nguyên khoáng sản gấp sáu lần so với một chiếc xe hơi truyền thống. Với tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch ngày càng nhanh, nhu cầu về đất hiếm và các khoáng sản quan trọng dự kiến sẽ tăng lên theo cấp số nhân trong những năm tới.
Phần lớn các điểm sản xuất đất hiếm trên thế giới đều tập trung tại Trung Quốc. Ước tính Trung Quốc chiếm 70% sản lượng khai thác và 90% sản lượng chế biến đất hiếm toàn cầu.
Năm 2022, Trung Quốc là đối tác nhập cảng đất hiếm lớn nhất của EU, chiếm 40% tổng khối lượng nhập cảng theo trọng lượng.
Khi được hỏi liệu nguồn tài nguyên được phát hiện có giá trị hơn nguồn cung ứng dầu khí của Na Uy hay không, CEO của công ty khai thác đất hiếm Na Uy, ông Alf Reistad nói với CNBC rằng, “Không phải là có giá trị hơn, mà là Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen từng nói rằng, lithium và nguyên tố đất hiếm sẽ sớm trở nên quan trọng hơn dầu và khí đốt.”
“Vì vậy, nó sẽ quan trọng hơn, nhưng về giá trị thì tất nhiên không giống nhau,” ông Alf Reistad nói.
Đất hiếm là tên gọi chung của tập hợp 17 nguyên tố hóa học. Do tính chất vật lý và hóa học độc đáo, đất hiếm rất quan trọng đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao tân tiến. Từ các loại vũ khí quân sự dẫn đường laser, chiến đấu cơ tân tiến, hỏa tiễn hay điện thoại di động, và xe điện mà mọi người thường dùng đều cần đến đất hiếm. Do đó, đất hiếm được mệnh danh là “vitamin của ngành công nghiệp” và “sự hoàng kim của thế kỷ 21.” Trong các cuộc chiến thương mại hoặc các cuộc xung đột, những nguyên tố này rất dễ bị sử dụng như vũ khí để tấn công các quốc gia khác.