Công ty Kellogg’s đối mặt với cuộc kêu gọi tẩy chay vì Dylan Mulvaney đã quàng tay cùng Tony the Tiger
Kellogg’s đã trở thành công ty mới đây nhất phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay của phái bảo tồn truyền thống sau khi người chuyển giới có tầm ảnh hưởng Dylan Mulvaney chụp ảnh tạo dáng và quàng tay cùng linh vật “Tony the Tiger” mang tính biểu tượng của thương hiệu này tại một lễ trao giải.
Mulvaney, một người nam giới xác định bản thân là nữ, đã chia sẻ một video trên Instagram cho thấy người này đã gặp gỡ và tạo dáng chụp ảnh cùng với linh vật [trên hộp sản phẩm ngũ cốc] Frosted Flakes trong Lễ trao giải Tony hôm 11/06.
“Hãy xem khoảnh khắc vui nhộn cuồng nhiệt tối nay,” Mulvaney viết trong lời chú thích, lưu ý rằng chuyến đi của mình tới lễ trao giải Tony có liên quan đến một số loại hình hợp tác với Meta, công ty mẹ của Facebook.
Bài đăng này cho thấy hình ảnh linh vật Tony the Tiger cùng Mulvaney trong chiếc váy dạ hội đang quàng tay ôm linh vật, vốn thu hút được sự chú ý đáng kể trên cộng đồng mạng.
Trong số các phản ứng đối với video này có nhiều lời chỉ trích và đi kèm với những dòng khẩu hiệu kêu gọi “Đi mà thức tỉnh, đi mà phá sản” (Go woke, go broke) của những người phản đối các tập đoàn đang thúc đẩy các nghị trình cánh tả.
Chiến lược gia chính trị theo phái bảo tồn truyền thống Joey Mannarino cho biết trong một bài đăng trên Twitter: “Mọi người ơi, chúng ta có một thứ tẩy chay mới được thêm vào danh sách và tôi thực sự lấy làm tiếc phải nói điều đó vì tôi yêu thương hiệu này.”
“Linh vật trên hộp ngũ cốc Frosted Flakes, Tony the Tiger, vừa chụp một bức ảnh với Dylan Mulvaney và thậm chí còn hành động như một người hâm mộ. Đó luôn là ranh giới của tôi. Quý vị thân thiết với Dylan Mulvaney vậy thì quý vị và tôi thế là chấm dứt,” ông nói tiếp.
“Tôi sẽ vứt bỏ những hộp ngũ cốc Frosted Flakes của mình,” ông nói thêm.
Nhân vật truyền thông bảo tồn truyền thống Rob Smith đã lên Twitter để bày tỏ sự phẫn nộ của mình về việc Mulvaney quàng tay cùng linh vật Frosted Flakes.
“Vâng, họ sẽ đến với những đứa trẻ của quý vị,” ông nói.
Kellogg’s đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về những lời kêu gọi tẩy chay này.
Sản phẩm ngũ cốc mới ‘Together With Pride’ của Kellogg’s
Công ty Kellogg trước đây đã thúc đẩy các phong trào cấp tiến và trong một số trường hợp đã gây ra tranh cãi.
Năm 2021, công ty đã hợp tác với Liên minh Chống Phỉ báng Người Đồng tính nam và Đồng tính nữ (GLAAD) trong một chiến dịch trước “Tháng Tự Hào” liên quan đến việc ra mắt một loại ngũ cốc có chủ đề LGBT phiên bản giới hạn có tên là “Together With Pride.”
“Ngũ cốc Together With Pride đánh dấu chương mới nhất trong mối quan hệ hợp tác kéo dài nhiều năm với GLAAD,” ông Doug VanDeVelde, Tổng Giám đốc Danh mục Ngũ cốc Kellogg Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.
“Công thức ngũ cốc mới ngon miệng của chúng tôi có hình trái tim cầu vồng, có hương vị các loại quả mọng được phủ lớp óng ánh có thể ăn được. Chúng tôi rất nóng lòng chờ người hâm mộ nếm thử đợt sản phẩm mới nhất có số lượng giới hạn này của chúng tôi,” ông VanDeVelde cho biết thêm.
Chiến dịch này không chỉ giới hạn trong Tháng Tự hào, mà Kellogg còn tạo ra các nhãn dán hoạt hình trên Instagram và Facebook mà họ nói rằng sẽ cho phép người hâm mộ “thêm một chút ‘Tự hào’ vào các bài đăng của họ trong suốt cả năm.”
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GLAAD Sarah Kate Ellis đã dành nhiều lời khen ngợi cho Kellogg về chiến dịch này và thái độ ủng hộ LGBT rộng rãi hơn của công ty này.
“Kellogg không chỉ xây dựng dựa trên cam kết không ngừng hỗ trợ cộng đồng LGBTQ+, mà còn đưa ra các sáng kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng đại từ nhân xưng đúng đắn để tạo không gian an toàn và ân cần đối với người chuyển giới và người phi nhị nguyên giới,” bà Ellis cho biết trong một tuyên bố.
Giống như với sự hợp tác rõ ràng gần đây nhất của Tony the Tiger-Dylan Mulvaney, chiến dịch đó đã vấp phải phản ứng chỉ trích gay gắt của những người cánh hữu.
Hiệp hội Gia đình Hoa Kỳ (AFA), một nhóm vận động theo phái bảo tồn truyền thống, đã đưa ra một bản kiến nghị phản đối chiến dịch “Together With Pride” của Kellogg và kêu gọi mọi người “hãy nghĩ đến một sản phẩm thay thế.”
Nhóm này cho biết, “Điểm đáng lo ngại nhất là mặt trên của hộp ngũ cốc có một vị trí đặc biệt để trẻ em thêm các đại từ nhân xưng theo lựa chọn của riêng mình, điều này khuyến khích trẻ em chọn đại từ nhân xưng của chính mình.”
Nhóm này cho biết thêm, “Với mỗi hộp ngũ cốc ‘mang thương hiệu đồng tính nam’ bán được, Kellogg sẽ quyên góp 3 USD để ủng hộ nghị trình nguy hiểm của GLAAD nhằm thúc đẩy lối sống LGBTQ + không lành mạnh trong giới trẻ của chúng ta.”
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ áp đảo đối với khẩu hiệu “đi mà thức tỉnh, đi mà phá sản” bắt nguồn từ ý tưởng rằng các công ty thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thiên tả sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội của người tiêu dùng, chẳng hạn như tẩy chay.
Cuộc khảo sát do Redfield & Wilton Strategies thực hiện hồi cuối tháng Năm cho thấy 63% người Mỹ trưởng thành từng nghe cụm từ “đi mà tỉnh thức, đi mà phá sản” đã ủng hộ khẩu hiệu này.
Cụm từ này đã trở thành lời kêu gọi xung trận đối với những người phẫn nộ trước các hoạt động tiếp thị gần đây của các công ty như Bud Light và Target, vốn phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì đã ủng hộ các phong trào thiên tả.
Bud Light và Target lãnh hậu quả
Kể từ khi Bud Light bắt đầu hợp tác tiếp thị với Mulvaney hồi đầu tháng Tư, công ty mẹ Anheuser-Busch đã chứng kiến giá trị thị trường sụt giảm hàng tỷ dollar.
“Tháng này, tôi kỷ niệm 365 ngày làm phụ nữ của mình và Bud Light đã gửi cho tôi món quà có lẽ là tuyệt nhất từ trước đến nay—một lon bia có in khuôn mặt của tôi trên đó,” Mulvaney nói vào Ngày Cá tháng Tư trong khi khoe một lon Bud Light phiên bản giới hạn—và điều này đã làm dấy lên những lời kêu gọi tẩy chay của những người bảo tồn truyền thống.
Ca sĩ Kid Rock đã sử dụng các lon bia Bud Light làm mục tiêu để bày tỏ sự tức giận của mình đối với chiến dịch quảng cáo nói trên, còn thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis cho biết ông sẽ tẩy chay Bud Light.
Cựu Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng bình luận về cuộc tranh cãi này, cho rằng tẩy chay có thể là một cách hiệu quả để gửi một thông điệp tới các thương hiệu mà các nhà phê bình cho rằng đang thúc đẩy một nghị trình cánh tả.
“Đã đến lúc đánh bại phe Cấp tiến trong trò chơi của chính họ,” ông Trump viết trong một bài đăng trên Truth Social hồi đầu tháng Năm. “Tiền nói lên tất cả—Anheuser-Busch giờ đã hiểu điều đó.”
Từ ngày 01/04 đến ngày 12/06, giá trị vốn hóa thị trường của Anheuser-Busch đã giảm từ khoảng 132.4 tỷ USD xuống còn 109.6 tỷ USD trong bối cảnh phản ứng dữ dội trước sự hợp tác Bud Light-Mulvaney. Đó là mức thâm hụt khoảng 22.8 tỷ USD.
Target cũng đã bị ảnh hưởng về tài chính trong bối cảnh các cuộc kêu gọi tẩy chay công ty này vì đã quyết định bán các mặt hàng và quần áo có chủ đề LGBT, bao gồm cả những bộ đồ áo liền quần cho trẻ sơ sinh và sách hướng dẫn trẻ em về cách sử dụng đại từ nhân xưng cho người chuyển giới.
“Nếu quý vị bắt đầu đi quá xa so với nhiệm vụ chính, thì thị trường đã chứng minh rằng chính nó đang thực sự, thực sự trừng phạt quý vị,” nhà đầu tư mạo hiểm và nhân vật truyền hình “Shark Tank” Kevin O’Leary cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bình luận về sự lao dốc giá cổ phiếu của Target và cuộc tranh cãi về quần áo theo chủ đề LGBT.
Đầu tháng Năm, trước khi công ty này tung ra bộ sưu tập Pride, giá trị vốn hóa thị trường của Target là khoảng 73 tỷ USD. Đến ngày 12/06, định giá thị trường của công ty này đã giảm xuống còn khoảng 58.4 tỷ USD, một mức chênh lệch khoảng 14.6 tỷ USD.
Một số công ty khác, bao gồm PetSmart, Chick-fil-A, và Walmart, cũng đã phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay vì đi theo các nghị trình cánh tả.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times