‘Chúng ta không cần phải trốn tránh’: Sự trỗi dậy của các thương hiệu bảo tồn truyền thống
Nhiều thương hiệu quảng bá các giá trị bảo tồn truyền thống đã ra mắt thị trường và giành được thị phần trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nơi ngày càng có nhiều người tiêu dùng phản ứng gay gắt — thậm chí tẩy chay — các công ty cổ vũ các hệ tư tưởng cấp tiến, đặc biệt là chủ nghĩa chuyển giới.
Ví dụ, hôm 02/06, cầu thủ NBA Jonathan Isaac đã thông báo về việc ra mắt thương hiệu quần áo UNITUS của anh trong một bài đăng trên Twitter. Được quảng bá là “sự thay thế” cho các thương hiệu bán lẻ đang theo xu hướng thức tỉnh, UNITUS dự kiến sẽ ra mắt vào tháng Tám. Anh Isaac nói với cô Amala Ekpunobi của tổ chức Prager U cho bộ phim tài liệu “Unwoke Inc.” (Công ty Không Thức tỉnh) rằng: “UNITUS là một công ty may mặc và thể thao, và nền tảng của thương hiệu này đối với tôi là sự tự do. Quý vị có những công ty hoạt động trong lĩnh vực đó đã đưa ra một quyết định có ý thức nhằm tấn công hoặc làm suy yếu các giá trị Cơ Đốc Giáo, các giá trị bảo tồn truyền thống, và những thứ tương tự.”
Ngôi sao NBA này cũng nhấn mạnh quan điểm của mình: “Và tôi nghĩ họ có quyền tự do lựa chọn để làm như vậy, dẫu rằng tôi không đồng ý. Nhưng tôi cảm thấy rằng chúng tôi cũng có quyền tự do tạo ra những gì chúng tôi muốn tạo ra.”
Anh Isaac nói rằng thương hiệu UNITUS nhằm mục đích mang đến cho các bậc cha mẹ muốn mua giày thể thao và quần áo cho con cái của họ sự lựa chọn tiêu tiền của họ cho một công ty mà “họ biết rằng sẽ hướng tới việc củng cố các giá trị của họ.”
Anh Isaac nói: “Chúng ta có thể tự hào về những gì chúng ta tin tưởng. Chúng ta không cần phải trốn tránh hay xấu hổ về điều đó … Quý vị sẽ cảm thấy ngày càng khó đứng lên bảo vệ cho những gì mình tin tưởng khi cuộc sống tiếp tục ngày một trở nên tăm tối hơn, điên cuồng hơn, và điên rồ hơn. Nhưng việc đứng lên sẽ ngày càng trở nên cần thiết hơn.”
Bia của phái bảo tồn truyền thống
Một doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng sự tức giận của phái bảo tồn truyền thống đối với các công ty thức tỉnh là thương hiệu bia “Ultra Right” (tạm dịch: “Cực Hữu”). Thương hiệu này được ra mắt sau cuộc tranh cãi xung quanh việc công ty Bud Light thuê người chuyển giới có sức ảnh hưởng Dylan Mulvaney cho một chiến dịch quảng cáo.
Theo một bản tin hôm 26/04 của Fox News, hồi khoảng giữa tháng Tư, Ultra Right đã bắt đầu bán bia của mình, và đang trên đà đạt doanh thu vượt hơn 1 triệu USD chỉ trong 12 ngày. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp này đã thu hút được hơn 10,000 khách hàng.
Trong một video hôm 25/04 được đăng lên Twitter, Giám đốc điều hành Ultra Right Seth Weathers nói rằng “chúng tôi là một phong trào của những người đang lên tiếng và nói không với những điều vô nghĩa của phong trào thức tỉnh. Bia Ultra Right và phong trào này sẽ không bao giờ dừng lại, bất kể họ ném thứ gì vào chúng tôi.”
Trở lại hồi tháng Tư, Anheuser-Busch, công ty sở hữu Bud Light, đã gửi những lon bia có khuôn mặt của nhà hoạt động chuyển giới Mulvaney cho chính anh này — một hành động đã bị chỉ trích là thúc đẩy chủ nghĩa chuyển giới. Mọi người đã bắt đầu tẩy chay thương hiệu bia này và doanh số bán hàng sau đó đã giảm mạnh.
Từ hôm 03/04 đến hôm 30/05, giá trị vốn hóa thị trường của Anheuser-Busch đã giảm từ 132.06 tỷ USD xuống còn 108.19 tỷ USD — giảm hơn 18%.
Các công ty mới và một số công ty cũ
Hồi tháng Ba, tổ chức The Daily Wire đã thành lập một công ty dao cạo râu mới có tên là Jeremy’s Razors sau khi hãng dao cạo râu Harry’s rút các quảng cáo khỏi hãng thông tấn này vào năm 2021.
Trang web của Jeremy’s Razors cho biết: “Sau khi chúng tôi nói rằng con trai là con trai và con gái là con gái, thì họ [Harry’s] đã công khai lên án quan điểm của chúng tôi là ‘không thể chấp nhận được’ và rút quảng cáo của họ vì điều mà họ gọi là ‘sự lệch lạc về các giá trị.’”
“Quý vị nói đúng, các giá trị của chúng ta đúng là lệch nhau. Chúng tôi ủng hộ nam tính và lòng can đảm để giữ vững phẩm chất đó. Và vì không có loại dao cạo nào khác làm được … nên chúng tôi đã chế tạo loại của riêng mình.”
Đến cuối tháng Ba, Jeremy’s Razors đã đạt được 15 triệu lượt xem cho quảng cáo đầu tiên trên các nền tảng truyền thông xã hội, bán được 45,000 lượt mua dao cạo.
Mặc dù các công ty như Bud Light ủng hộ các nghị trình cánh tả, nhưng các công ty khác vẫn đang tồn tại trong nhiều năm mà không cần phải dùng đến các biện pháp như vậy.
Ví dụ: Năm 2022, Công ty Cà phê Black Rifle, công ty thúc đẩy trợ giúp cho cơ quan chấp pháp, cựu chiến binh, và các nhân viên ứng cứu khẩn cấp, đã đạt một mức tăng trưởng doanh thu 29%.
Công ty quảng bá võ thuật hỗn hợp UFC đã bỏ xa các đối thủ như Bellator và Professional Fighters League. Goya Foods là công ty thực phẩm thuộc sở hữu của người Tây Ban Nha lớn nhất ở Mỹ. Giám đốc điều hành của Goya là một người ủng hộ ông Trump, và đã khẳng định rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là không hợp pháp.
Công ty này đã trợ giúp các sáng kiến nhằm chấm dứt nạn buôn bán trẻ em, cho thấy rằng có nhiều cách khác để các thương hiệu đền đáp cộng đồng thay vì dựa vào các mục tiêu LGBT. Tuy nhiên, lý do chính để nhiều công ty ủng hộ những mục tiêu như vậy là để phù hợp với khuôn khổ môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG).
Các nguyên tắc ESG giúp các công ty nhìn xa hơn việc tạo ra nhu cầu thị trường và lợi nhuận, đồng thời tập trung vào thực hiện các hành động liên quan đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, và nhận dạng giới tính, cùng những vấn đề khác. Các công ty áp dụng các nguyên tắc này chủ yếu để xoa dịu các nhà đầu tư lớn như BlackRock, vốn sử dụng những thước đo này để đánh giá xem có nên đầu tư hay không.
Khi mà nhiều công ty ngày càng thúc đẩy các hệ tư tưởng thức tỉnh, người mua sắm đang chuyển hướng nhiều hơn sang các thương hiệu phù hợp với các giá trị truyền thống của họ, chọn cách không thụ động trong một môi trường ngày càng mang tính chính trị. Nhiều thương hiệu dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong thời gian sắp tới.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times