Công danh lợi lộc trong đời đều là do tiền định
Công danh lợi lộc trong đời một người, là do phúc đức ở kiếp trước dày hay mỏng, và sớm đã được định sẵn trước khi người đó sinh ra. Trừ phi người đó làm được việc đại thiện hoặc tạo nghiệp ác lớn, nếu không thì rất khó thay đổi. Và số mệnh đã định trước này, có người trong mối nhân duyên gặp gỡ tình cờ lại có thể biết trước được.
Trong sách cổ có lưu lại một số chuyện về điềm báo hoặc dự ngôn về công danh và quan vận.
Nằm mộng điềm báo đỗ tiến sĩ
Vào thời nhà Đường, ở Hà Đông có một người tên là Bùi Nguyên Chất, vì tài đức xuất chúng nên được tiến cử đi thi tiến sĩ. Buổi tối trước ngày đi thi, Bùi Nguyên Chất nằm mơ thấy một con chó chui ra từ một cái hang. Anh ta rút cung và bắn con chó, nhưng mũi tên đã bị văng ra bên cạnh.
Sau khi tỉnh dậy, Bùi Nguyên Chất cho rằng đây là điềm báo chẳng lành, bèn hỏi người bạn Tào Lương Sử. Tào Lương Sử nói: “Tôi trước kia vào đêm trước khi tham gia cuộc thi, cũng có một giấc mơ. Trong mơ có một vị thần giải thích cho tôi: cẩu (狗) chính là đầu của chữ ‘đệ’ (第); cung (弓) chính là thân của chữ ‘đệ’ (第); tiễn (箭) là chỉ mũi tên dựng đứng cũng là nét sổ của chữ ‘đệ’ (第), lại thêm nét phẩy nữa mới là chữ đệ”.
(Ở đây nói đến chữ (狗) cổ; ‘Đệ’ 第 có nghĩa là khoa đệ, ý đỗ đạt)
Sau một thời gian, yết bảng kỳ thi thì quả như Tào Lương Sử nói, Bùi Nguyên Chất đậu tiến sĩ.
Xem sổ âm phủ biết quan vận
Mạnh Tri Kiệm, người Tịnh Châu thời nhà Đường. Ông đột ngột qua đời vì bạo bệnh khi còn trẻ. Trong lúc hoảng hốt, ông đi tới một nha phủ, trông thấy một vị cố nhân làm phán quan đang ngồi ở bên trong. Vị phán quan kia hỏi ông, “Vì sao đến đây”, thấy ông dáng vẻ thất thần, bèn nói cho ông biết đây là âm phủ. Mạnh Tri Kiệm giờ mới hiểu rằng mình đã chết rồi, vội vàng hỏi vị phán quan làm thế nào để có thể quay về dương thế.
Phán quan sau khi xem xét sổ âm phủ, bèn nói: “Ngươi bình sinh cũng không tích được phúc đức gì, làm sao mà trở về được?”. Mạnh Tri Kiệm vội vàng nói: “Tôi hàng ngày thường tụng kinh niệm Phật, mặc dù không nhớ rõ chính xác số lần niệm, nhưng ít ra cũng phải được ba, bốn vạn lần”.
Phán quan một lần nữa xem xét kỹ sổ âm phủ, phát hiện quả thật như thế, bèn đồng ý để Mạnh Tri Kiệm hoàn dương.
Trước khi hoàn dương, phán quan hỏi Mạnh Tri Kiệm có muốn biết đường quan vận của mình hay không. Mạnh Tri Kiệm tỏ vẻ rất muốn biết, phán quan bèn mở sổ âm phủ cho ông ta nhìn. Trong sổ ghi rõ: “Mạnh Tri Kiệm xuất thân hợp vận, làm Tham quân Tào châu, rồi chuyển làm Ty thương Đặng châu”. Nhìn đến đây, phán quan liền khép cuốn sổ ghi chép lại không để ông ta xem tiếp. Mạnh Tri Kiệm không biết “hợp vận” là có ý gì.
Về sau, Mạnh Tri Kiệm được đưa tới một chỗ cỏ dại rậm rạp, bị ném vào một cái hố tối om, sau đó thì sống lại.
Không lâu sau, Hoàng đế hạ lệnh chiêu mộ quan viên phụ trách vận lương, thế là triều đình thông qua điều chuyển, bổ nhiệm Mạnh Tri Kiệm làm Tham quân Tào châu.
Sau khi mãn hạn Tham quân Tào châu, Mạnh Tri Kiệm lại chuyển sang đảm nhiệm Ty thương Đặng Châu. Sau khi rời chức, lại được bổ nhiệm làm Phán ty Tấn Châu, nhưng còn chưa kịp nhậm chức thì Mạnh Tri Kiệm đã qua đời. Việc này ứng với nguyên nhân tại sao vị phán quan không cho ông ta xem tiếp cuốn sổ âm phủ. Còn câu “xuất thân hợp vận”, ý nghĩa đại khái là “vận thế được xác định dựa theo thời điểm sinh ra đời”.
Bảy lần thi trượt, cuối cùng vẫn có mệnh tể tướng
Vào giữa thời nhà Minh, trọng thần Trương Thông (1475 -1539), là người huyện Vĩnh Gia, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông học rộng tài cao, từng làm quan tới chức Thiếu sư kiêm Thái sư Thái tử, Lại bộ Thượng thư, Hoa Cái Điện Đại học sĩ. Trong thời Hoàng đế Minh Thế Tông, ông đã ba lần đảm nhiệm vai trò Nội các Thủ phụ. Ông được sử xưng là “chung gia tĩnh chi thế, ngữ tương nghiệp giả, hất vô nhược phu kính vân”, ý tứ rằng cuối thời Gia Tĩnh, công tích sánh ngang với tể tướng, duy chỉ có Phu Kính vậy. (Vì cái tên Trương Thông cùng âm với tên húy của Hoàng đế Minh Thế Tông là Chu Hậu Thông, nên ông được Minh Thế Tông đổi tên là Trương Phu Kính). Sau khi mất, ông được phong là Thái sư, thụy là “Văn Trung” .
Có điều, con đường khoa cử của Trương Thông vô cùng gian nan, bảy lần vào kinh tham gia kỳ thi của Lễ bộ, nhưng đều bị trượt. Lúc đó ông đã hơn 40 tuổi. Nghĩ đến việc phải nuôi nấng gia đình, nên ông lựa chọn từ bỏ, chuẩn bị đi Khâm Thiên Giám để xin việc. Theo lệ cũ, ông cần phải đi đăng ký ở Lại bộ trước.
Khi ông đến Lại bộ đăng ký chờ được tuyển, tình cờ không hẹn mà gặp Ngự Sử Vương Tướng. Vương Tướng giỏi về xem tướng, liền hỏi nguyên nhân ông tới đây. Sau khi biết suy nghĩ của ông, Vương Tướng bèn khuyên: “Ông chẳng lâu nữa sẽ một bước lên mây, không chỉ thi đậu Tiến sĩ, mà còn là rường cột nước nhà. Đi Khâm Thiên Giám thật sự là đại tài tiểu dụng (ý là lãng phí tài năng).”
Trương Thông nghe vậy thì cũng không cho là thật.
Sau đó, Trương Thông lại gặp Ngự Sử Tiêu Minh Phụng là người rất giỏi về xem tướng bốc quẻ, liền đem bát tự của mình cho ông ta xem. Tiêu Minh Phụng sau khi suy tính, kinh hãi nói: “Ông ba năm sau sẽ đỗ đạt, lại qua ba năm nữa sẽ phụ giúp Thiên tử, làm sao có thể đi Khâm Thiên Giám? Hơn nữa mệnh số đã định, dù cho ông trúng tuyển, cũng sẽ không có cách nào nhậm chức được.”
Trương Thông nghe xong thì nửa tin nửa ngờ. Rất nhanh sau đó, mặc dù ông trúng tuyển chức quan, nhưng bởi vì chuyện khác làm trễ nải, cho nên cũng không thể nhậm chức, chỉ có thể thất vọng hồi hương, chuẩn bị ba năm sau thi lại một lần nữa.
Sau khi hồi hương, Trương Thông từng mời người đồng hương giỏi xem phong thủy là Lạc Thái Thường đi đến mộ tổ nhà mình nhìn xem. Lạc Thái Thường sau khi xem, bèn nói: “Nơi này trong vòng mười năm sẽ có Tể tướng đây!”. Nói xong lại thở dài nói: “Đáng tiếc ông lớn tuổi rồi, bây giờ còn chưa thi đậu khoa cử, kiểu này chắc là sẽ không ứng nghiệm, đáng tiếc quá!”
Không ngoài những gì hai vị Ngự Sử nói, năm Chính Đức thứ 16 (năm 1521), sau lần thứ tám tham gia Lễ bộ khảo thí, Trương Thông đã 47 tuổi, ông không chỉ đậu Cao Trung, hơn nữa còn là Nhị giáp Tiến sĩ, sau đó nhậm chức ở Lễ bộ. Lại qua ba năm sau, Hoàng đế Gia Tĩnh lệnh cho Trương Thông lấy thân phận Lễ bộ Thượng thư kiêm Văn Uyên các Đại học sĩ gia nhập nội các tham dự cơ vụ.
Mặc dù quan lộc từ từ tới chậm, nhưng tất cả những gì có trong mệnh cuối cùng sẽ không phụ người. Câu chuyện về Trương Thông khiến cho người đời sau không khỏi cảm khái!
Tư liệu tham khảo:
Lý Tịnh Thành biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ