Con trai bị nứt đốt sống, người cha vượt qua sợ hãi nhờ đức tin
Đức hy sinh và niềm tin trọn vẹn nơi Chúa đã giúp một người cha thay đổi ngoạn mục cuộc đời một đứa trẻ.
Gạt bỏ nỗi sợ hãi và kiên định với đức tin, một cặp vợ chồng ở Louisiana đã giữ lại thay vì phá thai khi biết đứa con trong bụng của họ bị nứt đốt sống. Cuộc hành trình từ 12 năm trước của họ đã khẳng định sức mạnh của “đức hy sinh”.
Năm 2008, Chad và Ashley Judice ở Lafayette, Louisiana có đứa con trai thứ hai, nhưng họ phải đối diện với một tin dữ. Chad là một diễn giả và tác giả từng đạt giải thưởng, anh chia sẻ với The Epoch Times rằng sự ra đời của cậu bé Eli đã thay đổi cách anh nhìn nhận về tình yêu, Chúa và tình cảm cha mẹ.
“Tôi tôn kính Chúa trong suốt cuộc đời, nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng vì Ngài”, Chad nói.
“Chúng tôi đi siêu âm thường xuyên khi có đứa con thứ hai, nhưng điều này đã biến nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi thành hiện thực. Tôi cầu nguyện Chúa hãy thay đổi tình cảnh này nhưng thay vào đó Ngài dùng hoàn cảnh này để thay đổi tôi. Chúa đã khơi gợi trong tôi lòng nhân đạo và sự thiêng liêng”.
Khi Ashley, một y tá phòng NICU (Phòng chăm sóc tích cực dành cho trẻ sơ sinh), mang thai đứa con thứ hai; cặp đôi không nghĩ rằng sẽ có điều bất thường nào xảy ra. Chad cho biết vợ anh thậm chí còn không bận tâm đây là con trai hay con gái cho đến khi các bác sĩ nói rằng con đã khoẻ mạnh.
Tuy nhiên, khi máy siêu âm bắt đầu quét, Chad thấy gương mặt của bác sĩ và Ashley đầy lo lắng. Bác sĩ sau đó rời phòng và quay trở lại với đồng nghiệp. Họ thông báo ngắn gọn cho vợ chồng Judice rằng họ nghĩ đó là con trai. Sau đó, bác sĩ khoa sản chẩn đoán rằng Eli (con trai thứ 2) đã mắc phải chứng nứt đốt sống dạng nặng. Chad nói rằng họ từng tin rằng họ kiểm soát tốt cuộc đời mình, cho đến khi chẩn đoán của Eli thay đổi tất cả.
“Ngày hôm đó tôi nhận ra rằng tôi chẳng kiểm soát được điều gì, và Chúa mới là người an bài mọi thứ. Ban đầu, tôi tin rằng Chúa mang đến cho tôi một bé trai khuyết tật để tôi chăm sóc cho cậu bé, nhưng thực tế là Chúa đã ban Eli cho gia đình chúng tôi để cậu bé có thể chăm sóc chúng tôi.”
Chad nói rằng các bác sĩ không ép gia đình anh phải phá thai. Tuy nhiên, nỗi sợ về cuộc đời sau này của con trai mình đã khiến Ashley nảy sinh ý nghĩ đó trong một giây phút yếu đuối.
“Những gì chúng tôi đọc cho thấy rằng 80% người gặp phải tình huống này đều chọn phá thai”, Chad chia sẻ và nói thêm rằng nếu Eli sống sót, thì theo như các nghiên cứu trước đó, cậu bé sẽ không thể đi lại được, và sẽ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng, dẫn đến những vấn đề sức khỏe mãn tính.
Nhưng Chad đã quyết định nghe theo đức tin, trấn an Ashley rằng chẩn đoán của Eli không phải do lỗi của ai cả và Chúa đã gửi cậu bé này xuống nhân gian là có lý do.
“Sinh học hiện đại chỉ ra rằng có một chuỗi DNA không thể lặp lại sẽ tạo ra một con người riêng biệt từ khi hình thành”, Chad nói.
“Không tôn trọng nhân phẩm của một người có nghĩa là không tôn trọng nhân phẩm của tất cả mọi người. Con trai tôi dạy tôi rằng làm cha mẹ cần đức hy sinh. Sẽ chẳng ai có thể chịu đựng được đau khổ mà không có tình yêu hay có được tình yêu mà không phải chịu đựng đau khổ”.
Gia đình Judice cầu nguyện một phép màu xảy ra, 1,100 học sinh trung học của Chad cùng cha mẹ chúng, khoa của anh và cộng đồng Lafayette cũng ủng hộ anh. Eli đã chào đời ở New Orleans sau một ca mổ vào ngày 17/2/2009.
Chad mô tả quyết định của gia đình dựa vào đức tin trong quyển sách đầu tiên của anh: “Waiting for Eli: A Father’s Journey from Fear to Faith” (Tạm dịch: “Chờ đợi Eli: Chuyến đi từ sợ hãi đến đức tin của một người cha).
“Mẹ của Ashley là Ann và tôi được yêu cầu mặc quần áo vô trùng và đợi bên ngoài phòng phẫu thuật cho đến khi một y tá đến gọi chúng tôi vào. Đó là giây phút kỳ lạ, cuộc hành trình dài và đầy cảm xúc này đã lên đến đỉnh điểm”, Chad viết.
“Ashley đã khóc và nắm chặt tay tôi đến mức tôi nghĩ ca sinh nở này sẽ thất bại. Nhưng tôi đã nghe thấy giọng của Eli lần đầu tiên. Cậu bé khóc to. Đó là một trong những điều đẹp nhất mà tôi và Ashley từng nghe”.
Cả căn phòng thở phào nhẹ nhõm khi bác sĩ nhận ra phần lưng của Eli, nơi có đốt sống bị nứt, chỉ có kích thước bằng một đô-la bạc trong khi nó có thể to bằng một chiếc xúc xích trên thực tế.
Hiện tại, Eli đã trải qua 5 cuộc phẫu thuật não. Mặc dù co giật, nhưng cậu bé thể hiện tốt hơn những gì bác sĩ kỳ vọng. Dùng nạng và khung, cậu có thể đi lại. Chad mô tả cậu bé hạnh phúc này là “một người liệt cả đời nhưng lại có trí thông minh vượt trội”.
Eli thích bóng rổ và cùng ông bà ngoại lập ra một đội bóng rổ bằng xe lăn cho các cậu bé cùng tuổi có tên “Cajun Wheelers”.
Trong khí đó, Chad ấp ủ một chiến dịch vì sự sống của trẻ sơ sinh trên toàn quốc. Anh luôn muốn huấn luyện bóng rổ và dạy học sinh trung học lịch sử. Anh nói rằng anh chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện của mình để chứng tỏ rằng gia đình anh đặc biệt mà bởi vì thông điệp trong đó.
Ông bố này đã viết thêm 2 cuốn sách khác để ghi lại chặng đường của gia đình “Eli’s Reach: On the Value of Human Life and the Power of Prayer,” và “Growing with Eli: Our Journey into Life and Light. Cả hai đều được chuyển thể thành phim tài liệu.
Chad cũng dẫn một podcast có tên “The Art of Suffering” (Nghệ thuật chịu đựng đau khổ”, và Youtube tôn vinh anh vì thông điệp bảo vệ sự sống.
Chad nói rằng một đứa bé khuyết tật là “tấm vé một chiều” để gặp gỡ đức hy sinh và tình yêu chân thành. Anh khẳng định rằng chúng ta có thể trải nghiệm sự viên mãn trong cuộc đời không phải bằng cách phớt lờ nhu cầu của người khác, mà là bằng cách chấm dứt đòi hỏi người khác.
“Chúa đến với cuộc sống của mỗi chúng tôi thông qua sự không hoàn hảo của Eli, điều này là không thể đong đếm được và khiến câu chuyện trở nên vượt thời gian. Câu chuyện sẽ kết thúc trong bóng tối của phòng siêu âm nếu Ashley và tôi nói ‘không’ với sinh mệnh này”.
“Cuộc hành trình của Eli đã thay đổi toàn bộ con người tôi để tôi trở thành một người chồng, người cha và người đàn ông như tôi cần. Cậu bé dạy cho nhiều người về tình yêu chân thật. Và đây là món quà vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi nhận được. Cậu bé là ánh sáng trong đêm đen giữa một thế giới hỗn loạn”.
Arshdeep đóng góp cho bài báo này.
Louise Bevan
Thiên An biên dịch