Có phải Trung Quốc có nguồn dự trữ kinh tế trong nội địa?
Các tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc có một số lợi thế từng là động lực cho tốc độ tăng trưởng quốc gia ấn tượng, nhưng chỉ có một số tỉnh được như vậy thôi.
Trong khi phương Tây và Nhật Bản ngày càng tỏ ra miễn cưỡng mở rộng các hoạt động hiện có tại Trung Quốc, thì khu vực nội địa kém phát triển hơn của Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại quốc, có thể làm chậm lại bước rời đi của họ và giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Mức lương thấp và lực lượng nhân công đáng tin cậy — hai yếu tố từng thu hút dòng tiền ngoại quốc đến các thành phố ven biển như Thượng Hải và Bắc Kinh — có thể thuyết phục được dòng tiền ngoại quốc đổ về miền Trung và miền Tây Trung Quốc thay vì các điểm đến như Việt Nam, Ấn Độ, và Mexico. Một số dịch chuyển kiểu này dường như đang diễn ra, nhưng việc duy trì lợi thế này còn lâu mới là câu trả lời hoàn chỉnh cho những khó khăn kinh tế của Trung Quốc.
Ở nhiều khía cạnh, các tỉnh nghèo hơn nằm sâu bên trong đất liền thuộc miền Trung và miền Tây Trung Quốc giống như Trung Quốc trong quá khứ, một Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc. Người dân của họ háo hức làm việc với mức lương thấp hơn nhiều so với ở Thượng Hải, Bắc Kinh, và các thành phố ven biển đã phát triển khác. Nhìn chung, tiền lương của người Trung Quốc đã tăng lên — ở mức đáng kinh ngạc là 10.6% mỗi năm trong 10 năm qua, theo Cục Thống kê Quốc gia — nhưng hầu hết mức tăng này đều đã diễn ra ở các thành phố ven biển phát triển nhanh. Ví dụ, ở các tỉnh Quảng Tây và Hồ Nam kém phát triển hơn, chi phí nhân công vẫn thấp hơn khoảng 30% so với các tỉnh ven biển phát triển cao khác như Quảng Châu hoặc Thượng Hải.
Mặc dù đầu tư của phương Tây và Nhật Bản đã bắt đầu di chuyển từ các thành phố duyên hải của Trung Quốc đến những nơi như Ấn Độ, Việt Nam, và Mexico, nhưng các dòng đầu tư này cũng đã di chuyển vào nội địa đến các tỉnh có chi phí sinh hoạt rẻ hơn này. Quả thực, các tỉnh hiện đang ngày càng trở nên phổ biến này của Trung Quốc dường như còn hoạt động tốt hơn các địa danh thay thế ở ngoại quốc.
Ví dụ, kể từ năm 2018, sản xuất và xuất cảng từ 15 tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc đã tăng trưởng ấn tượng 94%. Con số này vượt xa Ấn Độ, nơi xuất cảng đã tăng 41% trong thời gian này, và Việt Nam, nơi xuất cảng đã tăng 56%. Công bằng mà nói, việc so sánh phần trăm tăng trưởng có thể gây hiểu lầm. Việt Nam, Ấn Độ, và Mexico có xuất phát điểm cao hơn 15 tỉnh này và trong 12 tháng qua tính đến tháng Tám, tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam đã cao hơn gấp đôi so với các tỉnh này. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của 15 tỉnh này vẫn rất ấn tượng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sức hấp dẫn của các tỉnh miền Trung và miền Tây này sẽ giảm thiểu những ảnh hưởng xấu do sự bất mãn của phương Tây và Nhật Bản đối với Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp tốt nhất, việc ngoại quốc thay đổi khu vực quan tâm ở trong nước chỉ là một câu trả lời không đầy đủ cho vấn đề kinh tế rộng lớn của Trung Quốc. Sự thất vọng của ngoại quốc vượt ra khỏi vấn đề chi phí lao động, và những tỉnh hiện đang được ưa chuộng này, mặc dù có chi phí thấp hơn, nhưng hẳn là vẫn còn có những điểm bất cập còn lại dẫn đến việc các nhóm ngoại quốc quay lưng lại với Trung Quốc.
Dù không thể phủ nhận rằng các tỉnh thành này có chi phí lao động thấp hơn, điều mà các trung tâm ven biển từ lâu đã không còn, nhưng nhân công ở các tỉnh này thiếu kỹ năng và trình độ học vấn, một đặc điểm đặc trưng của các vùng ven biển này. Trên thực tế, những người đi làm ở miền Tây và miền Trung Trung Quốc rất giống với những người đi làm ở Trung Quốc nhiều thập niên trước, vốn là phù hợp nhất để sản xuất các sản phẩm đơn giản, có chi phí thấp. Điều đáng lưu ý ở đây là các sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung và miền Tây này có độ tinh xảo thấp hoặc thậm chí ở mức trung bình, và thay vì thế sản phẩm ở đây tập trung vào các mặt hàng như dệt may, đồ chơi, đồ nội thất, hóa chất, kim loại, và lắp ráp xe.
Các tỉnh này cũng sẽ không tránh được những trở ngại kinh tế lâu dài tiềm ẩn về dân số học của Trung Quốc. Những khu vực trước đây từng bị bỏ quên này cuối cùng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên trẻ do tỷ lệ sinh thấp hàng thập niên trên khắp Trung Quốc đã làm chậm dòng nhân công trẻ sẵn lòng làm việc trong các nhà máy. Có lẽ điều quan trọng nhất là việc di chuyển vào nội địa sẽ không giúp giảm bớt nỗi bất mãn chính của các nhà đầu tư phương Tây và Nhật Bản — các chính sách ngày càng xâm phạm của Bắc Kinh khiến việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn và rủi ro hơn những nơi khác. Những chính sách tệ hại đó cũng sẽ có ở Hồ Nam và Quảng Tây, như vốn có ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Một phần vì sức hấp dẫn của chi phí thấp ở các tỉnh miền Trung và miền Tây này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn mạnh và tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều so với trước đây. Thành công tương đối gần đây của các tỉnh nội địa này sẽ giảm thiểu mức độ của cuộc suy thoái, nhưng không thể và sẽ không đảo ngược được tình trạng này. Diễn biến đó cũng không thể mang lại sự tăng trưởng nhanh chóng từng được hưởng trong những thập niên qua.
Cần phải làm rõ rằng, nền kinh tế Trung Quốc, dù đặt cơ sở sản xuất ở đâu, đều tồn tại những vấn đề nghiêm trọng, và nhiều vấn đề trong số đó bắt nguồn từ Bắc Kinh. Những thứ này không chỉ giới hạn ở các trung tâm ven biển, mà sẽ lộ rõ trên khắp đất nước và có thể sẽ tồn tại lâu dài.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times