Cơ hội may mắn của nữ doanh nhân Đài Loan trong thảm họa 11/9
Cô Jenny, một nữ doanh nhân đến từ Đài Loan, đã điều hành một công ty thực phẩm ở Khu người Hoa của New York được khoảng 20 năm kể từ những năm 1980. Năm 2001, cô mở một quán coffee ở Manhattan. Tuy nhiên, cô bất ngờ trở thành nạn nhân của sự kiện 11/9. Điều đáng ngạc nhiên hơn là món trà sữa trân châu của cô lại trở nên rất nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng.
Cửa hàng của cô Jenny nằm gần Đại học New York, nơi có cuộc sống về đêm rất sôi động. Cửa hàng chỉ mở cửa lúc 4 giờ chiều nên ban ngày cô thường dậy muộn. Sáng hôm xảy ra sự kiện 11/9, cô Jenny bị đánh thức bởi nhiều cuộc điện thoại từ người thân và bằng hữu ở Đài Loan hỏi thăm xem cô có ổn không. Sau đó, cô mới biết rằng các đài truyền hình Đài Loan đang phát sóng trực tiếp vụ tấn công khủng bố vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Cô mở cửa sổ và ngửi thấy mùi khói.
Lúc đó, giao thông bị tắc nghẽn, nhiều nhân viên văn phòng phải đi bộ nhiều giờ mới về đến nhà. Một phóng viên của tạp chí Time Out khi đi ngang qua cửa hàng của cô Jenny đã ghé vào uống trà sữa trân châu. Quá ấn tượng về loại thức uống này, vị phóng viên đã viết một bài báo về nó. Từ đó, có rất nhiều người từ xa cũng lặn lội tìm đến cửa hàng của cô Jenny để thưởng thức trà sữa.
Chuyện là một người Israel đến làm việc tại cửa hàng Jenny muốn học cách làm trà sữa trân châu, và đã trở thành nhân viên duy nhất trong cửa hàng biết cách làm loại trà sữa này. Sau đó, trong lúc đưa tin về sự kiện 11/9, phóng viên người Israel đã ghé qua cửa hàng của cô Jenny. Anh rất ngạc nhiên khi thấy người bạn đồng hương của mình đang làm loại trà sữa trân châu này. Điều đó khiến anh như được mở rộng tầm mắt. Sau khi vị phóng viên này đưa tin, cửa hàng của cô Jenny đã nhận được cuộc gọi từ Israel xin lời khuyên về cách làm trà sữa trân châu. Kết quả là văn hóa trà sữa trân châu của Đài Loan đã lan sang Israel ở Trung Đông.
Trong thảm họa 11/9, cửa hàng trà sữa của cô Jenny không bị thiệt hại thực sự, cô chỉ cảm thấy không khí không được trong lành và giao thông bất tiện. Tuy nhiên, với tinh thần nhân đạo của Hoa Kỳ, chính phủ đã chủ động liệt cô vào danh sách hộ gia đình gặp thảm họa và cấp phát tiền bồi thường. Lại thêm cộng hưởng bài viết của vị phóng viên có đề cập đến cửa hàng trà sữa này khi nói về sự kiện 11/9. Nhờ vậy, công việc kinh doanh của cô Jenny đã thực sự bùng nổ. Có thể nói rằng cô là người được hưởng lợi kép từ thảm họa này.
Câu chuyện về cô Jenny dựa trên câu chuyện “Tham gia Rotary, thay đổi cuộc sống” được Chủ tịch Jenny Chang chia sẻ tại cuộc họp thường kỳ của Câu lạc bộ Rotary ở Nam Đức. Vào thời điểm đó, bà Chang là ứng cử viên Thống đốc Quận 3523 của Rotary International, và điều hành Zhen Fang Trading Co., Ltd.
Vận mệnh của con người thật khó tưởng tượng! Khi thảm họa 11/9 phát sinh, có những người may mắn như cô Jenny, nhưng có rất nhiều người phải chịu đau khổ. Một sinh viên năm cuối làm việc trên tầng cao của Trung tâm Thương mại Thế giới đã rơi xuống tử vong khi đang cố gắng chạy thoát; một vị luật sư ở lầu một chạy theo đám đông hoảng loạn và may mắn đến được nơi an toàn, anh ngồi thẫn thờ bên ven đường, hồn bay phách lạc …
Nhân sinh muôn màu vạn trạng, đó là trạng thái thường tình của thế gian. Con người đối đãi với hoàn cảnh mà mình gặp phải như thế nào, đó mới là điều mấu chốt.
Kỳ thực, những sự việc xảy đến trên con đường nhân sinh, đều là Thượng Thiên an bài riêng cho mỗi người. Dù bề ngoài có vẻ buồn hay vui, tất cả đều là để kích phát tiềm năng của sinh mệnh, đề cao phẩm chất, buông bỏ những chấp nhặt của bản thân, đạt tới trạng thái không buồn không sợ, không vui cũng không cuồng. Hết thảy đều thuận theo tự nhiên, tận sức thiện chí giúp đỡ người khác. Chỉ khi tự mình làm tốt những bài tập này, bạn mới có thể tan học trở về nhà. Trở về ngôi nhà đích thực trên Thiên đường, nơi không còn đau khổ trầm luân.
Trương Hủy Trung thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ