Cổ đạo nhân sinh: Thiếu nữ chạy nạn không cam lòng chịu nhục, một chưởng đánh lui tiêu sư
Giữa thời Đồng Trị triều Thanh, một thương nhân họ Kim người Giang Tô nọ lấy việc buôn bán đường biển ở Thượng Hải làm nghề sinh sống, đã dùng số tiền lớn mua năm chiếc thuyền để buôn bán giữa hai bờ Đông và Tây. Trên mỗi con thuyền đều sắp xếp một tiêu sư (*) bảo vệ, chống lại cướp biển.
Mùa xuân năm Giáp Tý (năm 1864), trước khi thuyền sắp khởi hành, chủ thuyền bày một bữa tiệc linh đình thiết đãi tiêu sư, còn mời gánh hát nổi tiếng trong vùng đến ca diễn, rất náo nhiệt. Vị tiêu sư tất nhiên ngồi ở vị trí trang trọng nhất.
Ông Kim vì bận tiếp đón các quan viên, nên ngồi ở một bàn khác. Ông đặc biệt gọi riêng con trai và cháu trai của mình đến bồi tiếp tiêu sư. Họ đều là những người trẻ tuổi, có tính tranh cường háo thắng, lại ưa thích cảnh náo nhiệt, khi nhìn thấy trong bàn tiệc có một tiêu sư ngạo mạn tự phụ, chẳng để ai vào mắt, vì thế liền bàn nhau muốn thử tài năng của vị này.
Lúc hơi men chếnh choáng, mọi người muốn nghỉ ngơi một chút, bèn đến vườn hoa phía sau đi dạo, ngắm cảnh. Con trai và cháu trai của ông Kim cùng với mấy người khác tiến lên mời tiêu sư biểu diễn công phu của mình. Vị tiêu sư thoáng nhìn xung quanh, thấy một cây liễu mọc ngang bên đường, bèn nói: “Cây liễu này lớn lên thật khó coi, cản trở mọi người đi lại, để tôi thay các vị dọn dẹp nó.” Dứt lời, ông nhanh chóng đánh một chưởng vào thân cây liễu, chỉ nghe một tiếng “rắc” vang lên, thân cây bị cắt đứt hoàn toàn, vết cắt to cỡ miệng chén, giống như bị dùng búa sắc bén chém qua vậy. Mọi người nhìn nhau, bái phục không thôi.
Đúng lúc này, có một nhóm người chạy nạn từ Hoài Âm đi ngang qua, đứng ven đường xin tiền. Đặc biệt gây chú ý nhất, có một cô nương trẻ tuổi, dung mạo rất thanh tú xinh đẹp, khuôn mặt lộ ra khí khái anh vũ, tuyệt không giống với người bình thường. Cô cũng theo mọi người, đi từng nhà xin tiền.
Nhóm người này đến trước cổng hiệu buôn của ông Kim, liền bị mấy người trẻ tuổi giễu cợt. Mấy kẻ khinh mạn này đuổi người già và trẻ nhỏ trong đám chạy nạn đi, chỉ lưu lại những người phụ nữ để tùy tiện trêu đùa. Một tên thấy vị cô nương dung mạo xinh đẹp kia, liền cố ý cầm một đồng tiền trên tay đùa giỡn, sau đó ném xuống dưới chân cô gái. Hắn vốn tưởng rằng cô gái sẽ khom lưng cúi xuống nhặt tiền, và mình có thể thừa cơ lấn tới. Nào biết cô gái bỗng nổi giận, chỉ thẳng tay vào anh ta mắng rằng: “Ngươi quả là mờ mắt, dám mang đồng tiền dơ bẩn ra đùa bỡn ta? Ngươi xem bà cô đây là loại người nào? Hôm nay phải phạt ngươi bỏ ra một ngàn văn tiền, nếu không ta đây sẽ không đi.” Cô gái liền ngồi xuống ngay trên bậc thềm ở cổng, ngăn trở mọi người ra vào. Mấy thanh niên lỗ mãng không ngờ rằng cô gái này lại đáo để đến vậy, nhất thời cũng ngây ngẩn cả người, ngơ ngác nhìn nhau.
Đúng lúc này, có một đội phu khuân vác khiêng bao đường từ trong cửa hiệu đi ra, mỗi bao đường nặng chừng 100 cân. Những người khuân vác này đều cường tráng mạnh mẽ, vai rộng lưng dài, khi khuân vác đến cổng, nhìn thấy một cô nương cản đường, bèn lớn tiếng quát “mau tránh ra.” Cô gái thấy thế, chẳng những không tránh, ngược lại cố ý vươn tay ra ngăn cản họ. Những người phu khuân vác nổi giận, giả vờ sẩy tay, đẩy bao đường rơi xuống đè lên người cô. Nào ngờ, cô gái lại dùng cánh tay đỡ lấy bao đường, tiếp đó vung tay một cái, không tốn chút sức nào đã hất bao đường văng ra xa mấy bước. Những người phu khuân vác khác tức giận lớn tiếng, cùng nhau đem bao đường đến đẩy vào người cô gái này. Thế nhưng, sắc mặt cô không có chút sợ hãi, trái đỡ phải hất, giống như đang chơi viên bi vậy, hất hơn chục bao đường nằm ngổn ngang trên mặt đường, lại còn đánh lui nhóm khuân vác này.
Lúc này, cô gái giận dữ nói: “Các ngươi ỷ người đông thế mạnh, bắt nạt một cô gái đơn độc từ nơi xa đến, làm cho ta bị nội thương, lại muốn trốn tránh trừng phạt. Hôm nay không trả tiền cho ta dưỡng thương, thì chuyện này sẽ không xong đâu.” Hai bên tranh chấp, tiếng cãi cọ ồn ào đã truyền đến bên trong Kim phủ vốn đang diễn hí khúc. Vị thương nhân họ Kim vội vàng cho dừng lại, khách nhân đều chạy ra xem thử chuyện gì. Mấy người trẻ tuổi nói với nhau rằng: “Hôm nay có thể nhìn xem công phu của tiêu sư rồi.” Họ bèn cố ý khích tướng tiêu sư: “Chúng ta thấy khí lực của vị cô nương này, sợ là trên đời có một không hai, không ai địch nổi, không biết tiêu sư có thể đánh bại cô ấy hay không?”
Tiêu sư thấy cô nương này chẳng qua là một cô gái yếu ớt, nên nói: “Tôi dùng hai đầu ngón tay là có thể xách cô ta ra ngoài!” Nói xong, ông ta vươn tay về phía trước nắm lấy cổ áo của cô gái. Chẳng ngờ, cô gái không đợi tiêu sư túm được, đứng dậy dùng một chưởng đánh vào ngực tiêu sư. Một chưởng này không hề nhẹ, đánh cho tiêu sư bay ra xa vài trượng, bay thẳng vào trong cửa tiệm. Tiêu sư giống như một pho tượng ngã ngồi bên trong quầy, mắt trợn trừng thật to. Lúc này mọi người chứng kiến đều lập tức phá lên cười.
Mấy người trẻ tuổi vừa buồn cười, vừa lo sợ, vội vàng gạt đám người để đi báo với ông Kim, nói rằng tiêu sư bị một cô nương từ đâu tới đánh cho không đứng dậy nổi. Ông Kim nghe tin ra xem, gọi thuộc hạ nhanh đến dìu tiêu sư về phủ trị thương, sau đó hỏi rõ đầu đuôi sự việc, bảo con trai lấy một ngàn văn tiền đưa cho cô gái, lại nói một hồi những lời hợp tình hợp lý khuyên cô rời đi.
Quay vào trong phủ, ông gọi con trai và cháu trai đến, nghiêm khắc khiển trách họ không có việc gì lại đi gây sự, khiến cho khách quý mất hết thể diện, còn bị tổn thương thân thể. Tiếp đó, ông đích thân đưa con trai và cháu trai đến thăm tiêu sư, ngờ đâu tiêu sư đã lặng lẽ trốn đi bằng cửa sau.
Sau đó, mấy huynh đệ trẻ tuổi lén bàn với nhau rằng: Nếu mời được cô nương này làm tiêu sư, khi ở trên biển chúng ta sẽ không có đối thủ.
Ngày hôm sau, bên ngoài có tin truyền rằng quan phủ đã chuẩn bị thuyền, tiền và đồ dùng, muốn hộ tống những người dân Hoài Âm chạy nạn rời đi. Cả nhóm thanh niên nghe được tin này, bèn lập tức đi đến bến sông.
Họ lần lượt đi đến từng chiếc thuyền tìm kiếm cô gái. Cuối cùng, họ tìm thấy cô trên chiếc thuyền cuối cùng, lại thấy có một ông lão ngồi ở bên trong, áo mũ rách rưới, nhưng trên đỉnh mũ có gắn viên bảo thạch màu xanh đang tỏa sáng lấp lánh. Viên bảo thạch màu xanh này là vật trang sức trên nón, chỉ có quan viên từ hàng tứ phẩm đến lục phẩm của triều Thanh mới có. Rõ ràng ông lão này không phải là người tầm thường.
Lúc này, ông lão đang không ngừng giáo huấn cô gái, còn cô thì đứng bên cạnh, cúi đầu rơi lệ. Mấy người trẻ tuổi xin đến bái kiến, ông lão bảo cô gái đi vào buồng trong, còn mình đi ra tiếp đón, cung kính mời mấy người trẻ tuổi vào trong khoang thuyền ngồi. Mọi người ổn định chỗ ngồi xong, con trai của ông Kim mở lời hỏi: “Lão nhân gia làm quan đến chức vụ gì? Sao lại lưu lạc đến đây? Vì sao lại gặp hoàn cảnh khó khăn đến mức này?” Ông lão thở dài nói: “Lão phu vốn là người vùng Sơn Dương, Hoài Bắc (nay là thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô), từng làm Đô chỉ huy sứ ty. Vì tuổi già nên từ quan về hưu, sống thanh nhàn ở quê nhà. Không ngờ mùa hè năm nay mưa quá lớn, vỡ đê sông Hoài, nhà cửa ruộng vườn đều bị nhấn chìm, lão phu không còn gì để sinh sống, đành phải theo người dân chạy nạn đi xin ăn, cho nên mới đến nông nỗi này.”
Mấy người trẻ tuổi cảm thông nhìn ông lão, sau đó hỏi ông: “Lão nhân gia thật là bất hạnh, vậy tiểu cô nương kia là đi cùng với ông phải không?”
Ông lão gật đầu đáp: “Lão phu không có con trai, chỉ có một cô con gái này, vừa tròn 15 tuổi, lại không an phận. Hôm qua vì chuyện đòi tiền, nó dùng thế Thái Sơn áp đỉnh làm bị thương một vị tiêu khách. Ôi chao! Là một cô nương sao có thể khoe tài háo thắng, tùy tiện xuất chiêu làm hại người, làm mất con đường cơm áo của người ta được? Thật là không hiểu chuyện, lão phu đang răn dạy nó.”
Mấy người trẻ tuổi nghe ông lão nói như vậy, liền đem chuyện xảy ra ngày hôm qua kể lại một lần, hết sức khen ngợi bản lĩnh của cô gái, đồng thời cũng nói ra ý định mời cô gái làm tiêu sư, và ông lão cũng không cần trở về quê hương nữa.
Ông lão lại lắc đầu, nói với mấy người trẻ tuổi: “Cha con lão vô cùng cảm tạ hậu ái của các vị. Chỉ là thông gia của lão phu là Đề đốc thủy sư tỉnh Chiết Giang, con rể cũng là quan viên một phương. Lần này, lão phu đưa con gái về Chiết Giang để chuẩn bị hôn sự, giải quyết xong một chuyện băn khoăn, sau này lão phu cũng có thể dựa vào con gái để dưỡng lão đến cuối đời.”
Nhóm người trẻ tuổi cũng không tiện mở miệng thỉnh cầu nữa, chỉ đành chấp nhận, nói lời chúc phúc, thất vọng rời khỏi khoang thuyền ra về.
Tư liệu tham khảo: “Khách song nhàn thoại” của Ngô Sí Xương thời Thanh.