Chuyên mục This is New York: Câu chuyện tuyệt thực của Vua đầu bếp La Tử Chiêu
Vua đầu bếp từng tuyệt thực La Tử Chiêu chia sẻ về trải nghiệm của mình khi còn là một tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
NEW YORK — Sợi dây nối những ngọn đèn Giáng Sinh mà anh La Tử Chiêu đang lắp ráp sướt vào những ngón tay của anh; nó sượt qua những vết thương đã rỉ mủ, khiến một dòng máu đỏ sẫm chảy ra từ những ngón tay.
Trong suốt một tháng, anh La chỉ được phép ngủ từ 2 giờ đến 5 giờ sáng. Thời gian còn lại, anh lắp ráp những bông hoa nhựa, những chiếc kẹp tóc, và những chiếc đèn Giáng Sinh đáng ngại. Anh là một tù nhân lương tâm đang làm việc trong một trại lao động Trung Quốc.
Tại trại lao động đó ở tỉnh Quảng Đông, 80 người đàn ông với những ngón tay rỉ máu nằm ngủ nghiêng trong một không gian rộng 50 foot vuông; nếu họ muốn trở mình, thì trước hết phải đứng lên. Trong đám đông tù nhân là những kẻ trộm cắp, buôn bán ma túy, và những kẻ sát nhân, anh La là người duy nhất bị kết án vì một đức tin.
Hơn một thập niên sau, anh La, 46 tuổi, nhìn không có bất kỳ dấu hiệu thể chất hay tinh thần nào của những năm tháng bị tra tấn mà anh đã phải chịu đựng trong các nhà tù Trung Quốc. Dù những ký ức kinh hoàng đôi khi vẫn quay trở lại, nhưng anh vẫn luôn giữ cho mình một thái độ nhã nhặn và khiêm nhường.
Anh hiện là bếp trưởng của Radiance, một nhà hàng Quảng Đông cao cấp ở thành phố New York. Anh La là vua đầu bếp đã phát minh ra các kỹ thuật nấu nướng Trung Hoa để tùy chỉnh các món ăn cho phù hợp với thực khách dựa trên độ tuổi, giới tính, và quê quán của họ.
Nhưng anh là một vua đầu bếp tin tưởng rằng nếu không có tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, thì không cần ăn uống nữa. Đây là câu chuyện về một lần tuyệt thực của một đầu bếp.
Những nốt trầm của cuộc sống thượng lưu
Anh La từng là bếp trưởng tại Kai Kong, một trong những khách sạn nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh.
Các nhà cung cấp thực phẩm săn lùng anh như cá tìm nước. Người ta liên tục đưa hối lộ cho anh, và anh cũng liên tục nhận.
Anh có tiền. Anh có phụ nữ. Anh có vợ, nhưng anh không quan tâm. Hoặc ít nhất đó là điều anh tự nhủ với mình.
Sâu thẳm trong tâm trí, anh thoáng cảm thấy một chút cảm giác tội lỗi, một tội lỗi mà anh không bao giờ có thể hoàn toàn phớt lờ.
Anh gặp và phải lòng chị Vương Tĩnh vào năm 1989, khi chị bắt đầu làm bồi bàn tại Kai Kong. Buổi hẹn hò đầu tiên của họ diễn ra ở một quán gà rán Kentucky, nơi giống như tất cả các nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ rất thịnh hành ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Bảy năm sau, họ kết hôn.
Chị Vương là một phụ nữ xinh đẹp nhưng tánh tình nóng nảy. Năm 1998, chị bắt đầu theo học Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần, và trở nên chu đáo và hiền lành một cách đáng ngạc nhiên.
Anh không biết phải hiểu chuyện này thế nào, vậy nên để cố gắng tìm hiểu, anh đã bắt đầu tu luyện vào tháng Một năm sau.
Pháp Luân Công xoay quanh các nguyên lý truyền thống Trung Hoa là chân, thiện, và nhẫn — những nguyên lý đã thay đổi nhân sinh quan của anh La.
“Cả đời tôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thực sự sống cho chính mình bởi vì tôi đã không sống theo đúng con người mà tôi muốn,” anh nói. “Pháp Luân Công đã trao cho tôi sức mạnh đó.”
Rồi anh cắt đứt quan hệ với các tình nhân và bắt đầu từ chối các khoản hối lộ. Đó là cơ hội thứ hai giúp anh và chị Vương có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cuối cùng được ở bên nhau một cách đường hoàng.
Trong nhiều năm, họ đã chiến đấu với nhiều nỗi cay đắng. Đã hai lần họ nghiêm túc cân nhắc việc ly hôn.
Nhưng khi chị bắt đầu theo học Pháp Luân Công, chị đã sẵn sàng nhận sai, và sẵn sàng thay đổi. Và anh cũng vậy.
Cũng giống như một số chuyện trong cuộc sống, mối quan hệ của họ không hoàn toàn hòa thuận, nhưng việc họ bày tỏ mối quan tâm thực sự đến việc hoàn thiện bản thân là một diễm phúc hiếm có đối với họ; điều này đã cứu vãn cuộc hôn nhân của họ.
Pháp Luân Công nhanh chóng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, với khoảng 100 triệu người tu luyện — phổ biến tới mức giới lãnh đạo Trung Quốc không ưa. Vào tháng 07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt môn tu luyện này ở ngoài vòng bảo vệ của pháp luật, coi đây là mối đe dọa cốt lõi đối với quyền lực của mình.
Những tiếng gõ cửa kinh hoàng
Anh La vẫn có thể nghe thấy tiếng gõ cửa đầu tiên, tiếng thúc cửa, rồi một tiếng nữa, trước khi cảnh sát ập vào nhà họ ở Bắc Kinh lúc 2 giờ sáng một ngày tháng 12 năm 1999.
Vợ chồng anh, cũng như 20 học viên Pháp Luân Công khác ở Bắc Kinh, đã bị bắt vào đêm hôm ấy. Đó là một dấu hiệu cảnh báo về những gì sẽ xảy ra nếu họ không tuân theo chính quyền. Anh và vợ được thả vào ngày hôm sau.
Nhưng anh La không từ bỏ. Bình an trong tâm là điều không thể từ bỏ.
Tháng 10/2000, anh và em gái quyết định phản đối lệnh cấm này tại Quảng trường Thiên An Môn. Anh đi tàu hỏa từ Quảng Đông, rìa phía nam Trung Quốc, đến Bắc Kinh. Chuyến tàu mất một ngày hai đêm. Đôi chân [anh] run rẩy vì lo lắng trong nhiều giờ đồng hồ [trên tàu].
Nhưng cảm giác mà anh có được khi mở tấm biểu ngữ màu vàng ghi “Pháp Luân Phật Pháp” ở giữa Quảng trường Thiên An Môn thật huyền diệu. Đó là khoảnh khắc mà anh sẽ tiếp tục trân quý — khoảnh khắc mà anh đứng lên vì điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình, vì quyền của nhân loại.
Hai phút sau, anh bị giáng một cú đấm mạnh.
Sáu công an mặc thường phục đẩy họ vào một chiếc xe tải. [Họ] không nói lời nào. Họ thay phiên nhau tát vào mặt anh.
“Lý do đằng sau việc bắt giữ tôi là gì? Tại sao cấm Pháp Luân Công? Công lý ở đâu trên đất nước này?” anh La hét lên.
Những người công an vẫn im lặng và tiếp tục đánh đập anh. Anh và em gái bị đưa đến một trại giam gần Thiên An Môn, nơi lính canh ném họ vào một phòng giam giống như ngục tối ở tầng hầm.
Cuối cùng anh La bị chuyển đến trại giam Thuận Đức ở tỉnh Quảng Đông, nơi anh chính thức bị buộc tội hình sự.
Tại đó, họ ngừng đánh đập anh và thay vào đó bắt đầu ép anh làm đèn Giáng Sinh.
Anh thức dậy vì tiếng chuông báo thức inh ỏi mỗi ngày vào lúc 2 giờ sáng, khi đã đến giờ làm việc. Đối với những người mất nhiều thời gian hơn để thức dậy, họ bị kéo sang một bên và bị treo lên trong những tư thế khủng khiếp, kỳ dị.
Anh nhớ lại đã nhìn thấy một người đàn ông bị treo bằng tay trái và chân phải, chỉ có ngón chân trái chạm đất để giữ thăng bằng cho trọng lượng của mình. Khi lính canh thả anh ra tám giờ sau đó, chân trái của anh đã sưng phồng đến mức không thể nhận ra.
Chính tại đó, anh La đã quyết định tuyệt thực để phản đối hệ thống này. Anh ngừng ăn, nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Ngày tháng trôi qua, thị lực của anh kém dần và cử động của anh chậm lại.
Anh La không được phép mất mạng. Anh có thể bị tra tấn, nhưng anh không được phép qua đời. Anh có những người bạn có ảnh hưởng đã trả tiền cho nhà tù, nhưng câu trả lời của các quan chức nhà tù là: “Có tiền thì chúng tôi có thể trả tự do cho tử tù, nhưng không phải [người tu luyện] Pháp Luân Công.”
Vào ngày thứ năm, một lính canh trẻ khoảng 20 tuổi đã kéo anh sang một bên. Người lính canh nói rằng anh ấy còn phải nuôi con, và rằng công việc của anh sẽ gặp nguy hiểm nếu anh La mất mạng. Vì một phút thương xót, anh La quyết định dừng việc tuyệt thực của mình.
Lần bắt giữ thứ hai của anh kéo dài 47 ngày.
Nơi những tiếng thét không được nghe thấy
Năm 2002, anh bị bắt lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng.
Anh bị đưa đến trại lao động ở huyện Tam Thủy, Quảng Đông. Anh bị kết án hai năm, nhưng họ đã giữ anh ở đó trong 26 tháng.
Trại lao động này nằm trong một tòa nhà lẩn khuất, vô danh ở huyện Tam Thủy biệt lập. Không ai trong vùng biết nó dùng để làm gì. Các bức tường của trại này được cách âm. Người ta không thể nghe thấy tiếng la hét.
Các tù nhân bên trong biết đó là điểm dừng cuối cùng. Nó được mệnh danh là “trung tâm dành cho những người không chịu cải tạo.”
Anh La bị buộc phải ngồi thẳng đơ trên một chiếc ghế nhỏ từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối hằng ngày. Anh phải ngồi thẳng đến nỗi phần lưng dưới đau nhức như muốn tách rời ra. Anh ngồi trong vũng mồ hôi và có thể cảm thấy mông mình đang thối rữa. Hình phạt này kéo dài trong sáu tháng.
Trong hình phạt tiếp theo, anh bị cho muỗi đốt.
Người trần truồng, anh bị đẩy vào một căn phòng đầy muỗi. Lúc đầu, anh cố gắng đuổi muỗi đi nhưng một lúc sau cánh tay anh trở nên nặng trĩu. Tất cả những gì anh có thể làm là cố gắng không nhìn vào dạ dày của những con muỗi, vốn phồng lên [vì chứa] máu.
Ở đó, anh quên mất [ý niệm về] thời gian khi cố giữ lấy sự tỉnh táo của mình. Căn phòng không có cửa sổ, không có ánh sáng. Anh không thể biết đó là đêm hay ngày hay bao nhiêu ngày đêm đã trôi qua.
Các bức tường của phòng muỗi vấy đầy vết máu. Máu nhiều đến mức không thể nào là máu từ cơ thể của những con muỗi bị đập. Rất có thể đó là máu của những người cố gắng tự tử.
Anh La cho biết anh đã nhẩm lại kinh sách Pháp Luân Phật Pháp để giữ cho mình tỉnh táo.
Có lẽ do có mối quan hệ với các yếu nhân, nên anh La được trả tự do vào năm 2004.
Anh quyết định sống kín tiếng. Năm 2011, khi có được cơ hội đầu tiên, anh đã cùng vợ rời Bắc Kinh và đến New York.
Thành phố của sự sống
“Phải mất một khoảng thời gian để làm quen với một môi trường mà bạn có tự do để sống,” anh La nói.
Trong vài tháng, anh vẫn lo sợ rằng mỗi tiếng gõ cửa, và mỗi tiếng chuông điện thoại, đều có thể đồng nghĩa với tử thần. Trong hai tháng, anh thấy hoảng hốt mỗi khi nhận ra một người châu Á lạ mặt đang đi phía sau mình.
Nhưng anh đã tìm lại được một mục đích sống của mình trong một cuộc thi nấu ăn đặc biệt.
Anh đã đạt giải quán quân trong Cuộc thi Ẩm thực Trung Hoa Quốc tế của Đài truyền hình NTD tại thành phố New York năm đó. Tuyên bố sứ mệnh của cuộc thi là làm hồi sinh nghệ thuật ẩm thực truyền thống Trung Hoa.
“Tôi cảm thấy có điều gì đó rất ý nghĩa khi tham gia vào cuộc thi này,” anh nói. “Nó giúp tôi không còn bận tâm đến bản thân và những trải nghiệm ở Trung Quốc, khiến tôi cảm thấy mình vẫn có thể đóng góp cho một lý tưởng cao đẹp hơn cho thế giới này.”
Hiện tại, anh đang viết một cuốn sách về trải nghiệm [làm nghề] ẩm thực của mình trong ba thập niên ở Trung Quốc, và thông qua việc viết sách anh cảm thấy có một quá trình chữa lành.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times