Chuyên gia: Khinh khí cầu do thám là bước đầu trong một chiến dịch đe dọa hạt nhân của Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên chương trình Newsmakers do hãng truyền thông NTD và The Epoch Times hợp tác sản xuất hôm 16/02, chuyên gia quân sự Á Châu Rick Fisher cáo buộc rằng sự kiện khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm nhập không phận Hoa Kỳ hôm 28/01 chính là bước khởi đầu của một chiến dịch gieo rắc nỗi sợ hãi hạt nhân vốn đang không ngừng gia tăng.
Ông Fisher nói: “Khinh khí cầu này thực sự là thứ đầu tiên trong số những thứ sẽ trở thành một mô hình thường xuyên trong cuộc sống của những hàng không mẫu hạm đang lái bên ngoài miền duyên hải của chúng ta, những oanh tạc cơ đang bay bên ngoài miền duyên hải của chúng ta.”
“Kể từ nay trở đi, hành động đe dọa hạt nhân và quân sự [của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA)] sẽ chỉ ngày càng gia tăng và trở thành thông lệ trong cuộc sống của chúng ta mà thôi. Vụ khinh khí cầu này đánh dấu một bước khởi đầu trong tâm nguyện của Trung Quốc, đó là khiến người Mỹ phải e sợ.”
Ông Fisher, một thành viên cao cấp về các Vấn đề Quân sự ở châu Á tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế và là một chuyên gia được tín nhiệm, tinh tường về lực lượng quân đội của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tin rằng Trung Quốc đang bắt đầu chiến dịch gieo rắc sợ hãi vì vấn đề Đài Loan.
Ông Fisher nói, “Đây là năm mà ông Tập Cận Bình muốn phân định rạch ròi với Hoa Kỳ rằng sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan, vì tự do cho Đài Loan có thể dẫn đến chiến tranh — thậm chí là chiến tranh hạt nhân.”
Các loại hỏa tiễn có khả năng hạt nhân và dữ liệu thời tiết
Theo ông Fisher, thay vì đưa ra một thông điệp nói rằng khinh khí cầu này không phải là một mối đe dọa đáng kể, chính phủ Tổng thống Biden cần giải thích với người Mỹ rằng Trung Quốc đã phóng khinh khí cầu này từ đảo Hải Nam, một thành trì hạt nhân của Trung Quốc, và phải nêu chi tiết ý nghĩa của hành động này.
“Trong 24 giờ qua, các quan chức tình báo Mỹ đã tiết lộ rằng khinh khí cầu này được phóng từ đảo Hải Nam,” ông Fisher nói. “Đảo Hải Nam là nơi Trung Quốc lưu trữ hầu như toàn bộ số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị hỏa tiễn có khả năng hạt nhân. Rồi cả SSBN (tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo) của họ. Theo một tiết lộ của Hải quân Hoa Kỳ khoảng năm tháng trước, những chiến hạm này giờ đã được trang bị Hỏa tiễn Đạn đạo Phóng từ Tàu ngầm JL-3 mới.”
Hơn nữa, ông Fisher nói rằng trong khi các bản tin nói rằng khinh khí cầu này ban đầu hướng đến đảo Guam và sau đó bị gió thổi làm chệch hướng, nhưng những tuyên bố đó là “không đáng tin cậy.”
Ông Fisher phân trần, “Nếu Quân Giải phóng Nhân dân nghĩ rằng khinh khí cầu giám sát của họ đã bị điều hướng nhầm, họ có thể đã nghĩ đến chuyện phá hủy thiết bị đó. Nhưng họ đã không làm như vậy.”
“Họ cảm thấy khá hài lòng khi khinh khí cầu này bay được qua Hoa Kỳ. Rằng thiết bị này sẽ cho phép PLA quan sát một số căn cứ vũ khí hạt nhân của Mỹ và cung cấp, điều thực sự quan trọng ở đây, là dữ liệu thời tiết cơ mật ở trên các căn cứ hạt nhân này.
“Để các đầu đạn hạt nhân, hay quan trọng hơn, các đầu đạn hạt nhân của phương tiện lướt siêu thanh mới có thể bắn trúng mục tiêu, đòi hỏi PLA cần phải có dữ liệu thời tiết riêng tư này. Ông Fisher giải thích rằng một quả khinh khí cầu bên trong bầu khí quyển có thể cung cấp dữ liệu đó.
Ông Fisher giải thích rằng khinh khí cầu là một nền tảng giám sát có khả năng thu thập dữ liệu hình ảnh và thời tiết — cả hai yếu tố này đều cần thiết nếu chúng ta muốn tấn công một mục tiêu cụ thể bằng đầu đạn và phương tiện lướt siêu thanh.
Ông Fisher nói, “[Khinh khí cầu này] là một phần của tổ hợp hệ thống cho phép Trung Quốc điều chỉnh hướng bắn chính xác cho các loại vũ khí hạt nhân của mình. Không thể nói quá rằng việc ước tính thời tiết, mật độ khí quyển, hướng gió, liệu có mưa hay tuyết phủ trên mục tiêu hay không, là rất quan trọng đối với khả năng ngắm bắn của những loại vũ khí này.”
“Một quả khinh khí cầu bên trong bầu khí quyển sẽ luôn thu được dữ liệu, dữ liệu thời tiết tốt hơn các vệ tinh trong không gian. Và khinh khí cầu này rất có thể được Lực lượng Chi viện Chiến lược điều khiển. Lực lượng Chi viện Chiến lược cũng kiểm soát các vệ tinh và có liên quan mật thiết đến việc ngắm bắn của các loại vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.”
Gửi đi một thông điệp
Theo ông Fisher, việc chính phủ Tổng thống Biden trì hoãn bắn hạ khinh khí cầu nói trên đã tạo điều kiện cho thiết bị này thu thập dữ liệu thời tiết có giá trị, và truyền tin về Trung Quốc.
“Việc chính phủ trì hoãn đến mấy ngày để bắn hạ khinh khí cầu này gửi đi một thông điệp về sự rối ren và hỗn loạn,” ông Fisher cho hay. “Ông Biden sẽ phản ứng thế nào khi Trung Quốc thực sự tấn công Đài Loan, khi mà họ tàn sát hàng chục ngàn người, hoặc hàng trăm ngàn người đây?
“Và tại sao chính phủ không giải thích rõ ràng về chuyện khinh khí cầu này được phóng từ một trong những tổ hợp vũ khí hạt nhân quan trọng nhất của PLA? Thiết bị này được trang bị để giúp điều chỉnh hướng bắn cho các loại đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, và hành động mà khí cầu này bay ngang qua Hoa Kỳ thể hiện một cuộc tập trận của Trung Quốc trong việc cưỡng chế và đe dọa hạt nhân.”
Khinh khí cầu do thám Trung Quốc lần đầu tiên đi vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Hoa Kỳ trên Quần đảo Aleut, một chuỗi đảo núi lửa phía tây bán đảo Alaska, hôm 28/01. Thiết bị này bay qua Hoa Kỳ cho đến khi bị bắn hạ hôm 04/02 ngoài khơi bờ biển South Carolina.
Kể từ khi tiến vào không phận Hoa Kỳ, Bắc Kinh khẳng định rằng khinh khí cầu này không phải là khinh khí cầu do thám mà là khí cầu dự báo thời tiết đã bị thổi chệch hướng.
Bắc Kinh đã lên án quyết định bắn hạ khinh khí cầu của Hoa Kỳ, và cho rằng đây là một “phản ứng thái quá”, sau đó tuyên bố phía Trung Quốc “bảo lưu quyền đáp trả.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times