Chuyên gia: Chuyến công du Manila của Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ không cải thiện mối bang giao giữa Trung Quốc và Philippines
Philippines đã trở thành một quốc gia then chốt về địa chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vào thời điểm khi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng hơn. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) đã đến thăm Manila trong một nỗ lực nhằm hàn gắn mối bang giao giữa hai nước vốn đã bị tổn hại do sự gây hấn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một nhà quan sát quốc tế cho biết, chuyến thăm của ông Tần có thể đã vô ích.
Philippines và Hoa Kỳ vừa tăng cường hợp tác về an ninh quốc gia. Năm nay, Philippines đã cho quân đội Mỹ mở bốn căn cứ quân sự và tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong nhiều thập niên nhằm tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.
Mối bang giao giữa Philippines và chế độ cộng sản Trung Quốc đã xấu đi vì hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Tần, người đã đến thăm Philippines từ ngày 21/04 đến 23/04, cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác để giải quyết những khác biệt giữa hai quốc gia về vùng biển đang bị tranh chấp gay gắt.
Thế nhưng, các chuyên gia tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ rất chật vật để khôi phục lại mối bang giao với Philippines.
Ông Marcos hướng đến Hoa Kỳ
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã cam kết tiếp tục các chính sách về Trung Quốc của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Lúc đó, ông nói rằng chính sách cam kết ngoại giao của ông Duterte “thực sự là lựa chọn duy nhất của chúng ta.”
Tuy nhiên, sau khi đắc cử hồi tháng 05/2022, ông Marcos đã thay đổi giọng điệu khi nói rằng Philippines sẽ không từ bỏ dù chỉ một inch vuông lãnh thổ cho bất kỳ thế lực ngoại quốc nào.
Ông Tống Quốc Thành (Song Guocheng), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc lập Chính Trị, nói với The Epoch Times rằng có hai lý do chính dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Philippines đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Trong những ngày đầu, ông Marcos Jr. đã đưa ra một số nhận định tương đối ủng hộ ĐCSTQ với hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ gia tăng đầu tư hay cái gọi là các khoản vay cho Philippines,” ông nói. “Nhưng ĐCSTQ đã không thực hiện lời hứa của mình nên ông Marcos Jr. cảm thấy có đôi chút bị lừa dối.”
Philippines hầu như không được hưởng lợi từ các chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte. Hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei đưa tin, tuy rằng ông Duterte đã thường xuyên đến thăm Trung Quốc trong bối cảnh chế độ Bắc Kinh hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ USD vào Philippines, nhưng chỉ có chưa đến một nửa khoản tiền đó được thực hiện.
Ông Tống nói, “Một lý do khác là trong một thời gian dài, ĐCSTQ đã sách nhiễu ngư dân Philippines trên những đảo và bãi đá ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là một thời gian trước ĐCSTQ đã sử dụng tia laser quân sự để gây mù tạm thời cho các thuyền viên Philippines. Đây là một cuộc tấn công quân sự.”
“Hai lý do này đã dẫn đến quyết tâm của ông Marcos Jr. và ông quyết định hướng đến Hoa Kỳ.”
Chuyến thăm khẩn cấp của ông Tần
Chuyến thăm của ông Tần trùng khớp với cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Philippines trong nhiều thập niên, với sự tham gia của hơn 17,000 binh sĩ từ cả hai nước.
Ông Tống tin rằng mối bang giao căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines cũng như sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và Philippines đã dẫn đến chuyến thăm khẩn cấp đến Philippines của ông Tần với hy vọng hàn gắn mối bang giao căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bằng các phương tiện ngoại giao hoặc khuyến khích kinh tế.
Trong chuyến thăm của mình, ông Tần cho biết rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines để duy trì hướng đi đúng đắn của mối bang giao Trung Quốc – Philippines, tăng cường sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, và giải quyết thỏa đáng những khác biệt giữa hai nước.
Sau cuộc gặp với ông Tần, ông Marcos cho biết hai nước này đã đồng ý thiết lập thêm các tuyến đối thoại để giải quyết các tranh chấp Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Tống cho biết những tuyến liên lạc do ĐCSTQ thiết lập đã không thể giành được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế nữa, và các đường dây nóng được thiết lập theo cách truyền thống giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bị ĐCSTQ cắt đứt.
Bản tin có sự đóng góp của Zheng Xiaoqi và Yi Ru
Nhã Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times