Chuyên gia: Bất chấp tổn hại về người, Trung Quốc vẫn không chấm dứt biện pháp Zero COVID
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không sớm kết thúc biện pháp chống dịch theo chính sách Zero COVID-19 vì tính hợp pháp của nhà lãnh đạo Đảng hiện dựa trên kết quả của cuộc chiến y tế, mặc dù cuộc chiến này phải trả giá bằng nhân quyền.
Đây là những gì các chuyên gia đã nói trong một phiên điều trần diễn ra hôm 16/11 về chính sách zero COVID của chính quyền Trung Quốc do Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC), một ủy ban quốc hội lưỡng đảng, tổ chức.
Ông Hoàng Duyên Trung (Yanzhong Huang), một thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, đã làm sáng tỏ các hậu quả thứ cấp do việc thực thi nghiêm ngặt và kéo dài biện pháp chống dịch theo chính sách zero COVID của ĐCSTQ.
Ví dụ, bằng cách phong tỏa người dân ở trong nhà, họ phải chật vật để kiếm thức ăn và những thứ cần thiết khác trong suốt đại dịch, khiến cho những bệnh nhân không nhiễm COVID bị chậm trễ trong điều trị hoặc bị từ chối chăm sóc y tế. Việc phong tỏa các khu dân cư và đóng cửa trường học lặp đi lặp lại cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc.
“[Từ] bỏ zero COVID là biện pháp khôn ngoan duy nhất để vượt qua thế tiến thoái lưỡng nan về nhân quyền này,” ông Hoàng nói với ủy ban này.
Nhưng theo ông Rory Truex, giáo sư phụ tá về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, không dễ để các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ cân nhắc lại về cách ứng phó với dịch bệnh.
Ông nói, lý do là vì chiến lược dập tắt dịch bệnh này đã gắn với hình ảnh cá nhân của ông Tập, cho nên nếu chính sách này thất bại thì vị chủ tịch này “sẽ mất vị thế trong chế độ.”
Kể từ khi đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã chống dịch bằng các biện pháp kiểm soát xã hội khắc nghiệt nhằm nỗ lực loại bỏ mọi ca lây nhiễm trong cộng đồng. Phong tỏa đột xuất, xét nghiệm thường nhật, giám sát hàng loạt, và cách ly bắt buộc đối với bất kỳ ai được xem là nguy cơ lây nhiễm chính là những biện pháp mà giới chức ĐCSTQ đã thực hiện trong chính sách zero COVID này.
Ba năm sau, nhiều người kỳ vọng chính quyền cộng sản này có thể báo hiệu một sự xoay trục khỏi biện pháp khắc nghiệt đã gây tác hại cho nền kinh tế, gây ra sự thất vọng trong công chúng, và cô lập đất nước với phần còn lại của thế giới.
Nhưng thay vào đó, tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng trước (10/2022), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố chiến lược zero COVID là cách tốt nhất để chống lại đại dịch. Trong cuộc họp chính trị diễn ra hai lần một thập niên, ông Tập đã tự trao cho mình nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ mọi tiền lệ và bố trí các đồng minh của mình vào các cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng.
Theo ông Truex, biện pháp chống dịch theo chính sách zero COVID, hiện đã trở thành chính sách đặc trưng của ông Tập, nên được hiểu như là một chiến dịch chính trị.
“Tất nhiên, đây là một phong cách trị quốc vốn phổ biến hơn vào thời ông Mao Trạch Đông, nhưng đã chứng kiến một sự hồi sinh dưới một hình thức khác dưới thời ông Tập Cận Bình. Trong một chiến dịch tranh cử, nhà lãnh đạo nòng cốt này công bố một mục tiêu chính sách mơ hồ, đầy tham vọng, và các quan chức cấp thấp hơn sẽ phải vá víu những khoảng sơ hở đó và thực hiện các chính sách để đạt được mục tiêu này một cách tốt nhất có thể,” nhà nghiên cứu này cho biết. “Biện pháp này thường gặp rắc rối khi các quan chức cấp thấp đấu tranh để đạt được các mục tiêu, ngụy tạo dữ liệu, và ‘chạy theo thành tích’ để thể hiện sự nhiệt tình của họ với lãnh đạo trung ương.”
Theo chuyên gia chính trị này, ông Tập đã gửi đi một thông điệp rằng trước mắt sẽ không chấm dứt chiến lược kiềm chế đại dịch COVID-19 khi ông thăng chức cho các quan chức trung thành thực thi chính sách hà khắc này, đó là Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang) và Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (Cai Qi).
Ông nói, “Ông Thái Kỳ hiện là thành viên cao cấp thứ hai của ĐCSTQ và dự kiến sẽ đảm nhận chức vụ Thủ tướng. Điều này có nghĩa là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới, theo một nghĩa nào đó, bị ảnh hưởng bởi chính sách zero COVID, và sẽ có một quyền lợi được bảo đảm bất di bất dịch trong việc duy trì quan điểm vốn đã thành công.”
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt đối với dịch bệnh, chẳng hạn như rút ngắn thời gian cách ly đối với khách du lịch trong nước, ông Truex cho biết đây chỉ là “một bước tiến rất nhỏ” và không thể hiện rằng nguyên tắc cốt lõi của việc xóa sổ dịch bệnh sẽ thay đổi.
“Tốt nhất là không nên đánh giá thấp tính bền vững của chính sách [zero-COVID] này vốn có thể rất tốt ở một nơi nào đó dưới một hình thức nào đó trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm tới,” ông nói. “Nếu nó được khôi phục, thì việc khôi phục đó có thể sẽ tăng dần, và không đột ngột.”
Kêu gọi hành động
Những người ủng hộ nhân quyền nói với ủy ban này rằng, khi dự kiến sẽ không có thay đổi đáng kể nào đối với chính sách này, Hoa Kỳ nên tiếp tục giúp đỡ những công dân Trung Quốc vốn đang tìm cách phơi bày tình trạng đại dịch bên trong Trung Quốc.
Bà Sarah Cook, giám đốc nghiên cứu của tổ chức Freedom House về Trung Quốc, Hồng Kông, và Đài Loan, kêu gọi các quan chức Hoa Kỳ liên tục nêu các vấn đề về tự do báo chí và tù nhân chính trị của Trung Quốc trong các cuộc họp công khai và riêng tư với các đối tác Trung Quốc.
Một tù nhân lương tâm như vậy là cô Trương Triển (Zhang Zhan), một cựu luật sư trở thành ký giả đang thụ án bốn năm sau song sắt chỉ vì đưa tin về đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần đầu tiên ở Vũ Hán.
Cô Trương, 39 tuổi, đã tới Vũ Hán hồi tháng Hai để ghi lại những cảnh tượng hỗn loạn diễn ra tại tâm chấn của đại dịch trong đợt phong tỏa lần đầu tiên. Cô đã tường thuận chi tiết những chuyến thăm và những cuộc phỏng vấn của mình được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm kiểm dịch, và Viện Virus học Vũ Hán trong hàng chục video quay bằng điện thoại di động trong tình trạng rung lắc được tải lên YouTube, thách thức luận điệu của ĐCSTQ rằng dịch bệnh đã được kiểm soát. Cô Trương đã bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng,” một cáo buộc thường được chính quyền áp đặt đối với những người bất đồng chính kiến và những người tố cáo.
Ông Truex cho biết, sự chú ý liên tục của quốc tế có thể giúp cô Trương và những công dân Trung Quốc bị cầm tù khác chí ít cũng được bảo vệ nhiều hơn, mặc dù rất khó để họ được trả tự do ở Trung Quốc dưới thời kỳ cai trị của ông Tập Cận Bình.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times