Chúng ta đã chán hệ thống lưỡng đảng?
Những lời phàn nàn về hệ thống lưỡng đảng của chúng ta không có gì mới mẻ và các đảng phái khác ngoài Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa thi thoảng lại xuất hiện, đôi lúc với những tên gọi đáng nhớ như Đảng Bull Moose chẳng hạn.
Mặc dù vậy, những đảng này cũng nhanh chóng lụi tàn, có một lẽ thông thường đó là thứ duy nhất thực sự có hiệu quả là những thứ cũ.
Hơn nữa, chúng ta hãy nhìn vào phía bên kia Đại Tây Dương, nơi hệ thống nghị viện ngự trị và không có gì ngoài sự hỗn loạn. Ai có thể nhớ tên của những đảng chính trị luôn thay đổi đó chứ?
Ai đang là người điều hành nước Ý tuần này? Còn Tây Ban Nha thì sao? Vương quốc Anh có bao nhiêu thủ tướng kể từ tháng 07/2022? (Đáp án là ba người, đừng quên bà Liz Truss). Tên gọi của đảng mới nhất — hay liên minh 38 đảng — ở Israel đang cố gắng truất phế ông Benjamin Netanyahu là gì? Và thậm chí đừng để tôi bắt đầu với nước Pháp.
Tuy nhiên, các chính đảng (Big Tents) của chúng ta đang tan rã. Một cách trầm trọng!
Ngày nay, sự thất vọng với các đảng phái truyền thống của chúng ta ngày càng lan rộng. Những người duy nhất có vẻ yêu thích các đảng phái này lại là những người kiếm được lợi nhuận từ hệ thống đó — các quan chức của họ, những chính trị gia của các đảng truyền thống, các nhà chiến lược chuyên nghiệp, và tất nhiên, trên hết là những người gây quỹ (thường liên minh với nhiều chiến lược gia hoặc những người tương tự).
Khoảng cách rộng lớn giữa We the People (Người dân) và ban lãnh đạo của chúng ta, đang bắt đầu tiệm cận với hẻm núi Grand Canyon khi nói đến sự an toàn.
Các cử tri đang bắt đầu nhận ra điều này và chú ý nhiều đến cá nhân hơn là đảng phái của họ.
Chúng ta thấy điều này trong sự trỗi dậy ở ông Robert F. Kennedy Jr. và cả ông Vivek Ramaswamy, mà nhìn chung thì cả hai vị này đều không trung thành với đảng của mình lắm, mặc dù ông Kennedy tự nhận mình là thành viên Đảng Dân Chủ Kennedy, gợi nhớ lại một đảng hầu như không còn tồn tại nữa.
Ông Ramaswamy, người gần đây dường như đang tiến đến vị trí thứ ba trong cuộc đua của Đảng Cộng Hòa trong cuộc thăm dò của Echelon Insights, rút ngắn khoảng cách với ông Ron DeSantis hơn khoảng cách giữa ông DeSantis với ông Donald Trump, thực sự đã nói như vậy tại các sự kiện mà tôi tham dự ở New Hampshire.
Đặc biệt, ông ấy tự nhận mình là một người có tư tưởng bảo tồn truyền thống, ít chú ý vào liên kết đảng phái. Người nghe dường như rất tán thành, mặc dù một vài sự kiện trong số đó là các sự kiện chính thức của đảng này.
Đối với ông Kennedy, về các quan điểm của ông, đặc biệt là trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chính sách đối ngoại, và cơ quan tình báo, dường như rất gần với quan điểm của ông Donald J. Trump hoặc thậm chí là ông Ramaswamy, hơn là với quan điểm của Joe Biden và những bằng hữu thân thiết của ông ấy.
Tuy nhiên, ông Kennedy đã phủ nhận bất kỳ sự quan tâm nào đến khả năng tranh cử với tư cách là Phó Tổng thống của ông Trump. Thực sự khó có thể tưởng tượng rằng ông ấy lại ủng hộ cho điều đó tại một thời điểm trong chiến dịch tranh cử của mình, khi ông đang cố gắng thu hút các cử tri của Đảng Dân Chủ. Nhưng một năm nữa thì mọi thứ có thể rất khác.
Về phần ông Ramaswamy, ông đã đưa ra một ý tưởng có khả năng mang tính cách mạng đối với các chiến dịch chính trị.
Thay vì việc các khoản quyên góp được thực hiện theo cách thông thường là xoay vòng các nhà tài trợ lớn ẩn danh thông qua các hoạt động bí mật, nơi họ bỏ tiền mua sự ủng hộ, hoặc buộc những người còn lại trong chúng ta đóng góp thông qua nền tảng quyên góp của Đảng Cộng Hòa (Đảng Dân Chủ cũng có nền tảng tương tự), mà thực sự không biết khoản tiền đó sẽ đi đâu về đâu, hoặc ai đang nhận được khoản tiền chia chác và con số là bao nhiêu, thì ông ấy lại ủng hộ một hệ thống chia sẻ.
Với cách tiếp cận mới của ông Ramaswamy, theo thuật ngữ “Kitchen Cabinet” (nhóm các cố vấn không chính thức) của ông, những người ủng hộ ông có thể quyên góp và thu hút sự đóng góp từ những người khác — mà ông nói rằng họ có thể giữ 10% số tiền những lần thu hút quyên góp thành công — thông qua một bảng điều khiển trang web cá nhân.
Còn nhiều điều hơn thế nữa. Điều đó có thể quá phức tạp và chắc chắn còn có yếu tố thu hút sự chú ý. Nhưng đó cũng là một bước tiến rõ ràng so với một hệ thống tham nhũng. Bước tiến này đang được công khai và các ứng cử viên khác có thể làm theo.
Đó sẽ là một cách quyên góp cho các chiến dịch phi đảng phái chính trị, có thể làm cho quyết định gây tranh cãi về vụ kiện Citizens United của Tối cao Pháp viện ít quan trọng hơn, cũng như giúp loại bỏ vô số Siêu Ủy ban Hành động Chính trị (PACs) vốn cho phép và thậm chí ra lệnh cho chính phủ thông qua các lợi ích kinh doanh béo bở của cả hai đảng.
Hơn nữa, bằng cách làm cho các ứng cử viên bớt phụ thuộc vào sự ủng hộ của các đảng phái chính trị, cách tiếp cận của ông Ramaswamy, nếu thành công, sẽ là một tổn thất lớn đối với các đảng chính trị truyền thống, làm giảm đáng kể tầm quan trọng của các đảng này.
Chí ít thì việc đó khá sáng tạo. Tuy nhiên như thường lệ, những yếu tố phức tạp, khó lường sẽ nằm trong các chi tiết mà chúng ta có thể cho là đang diễn ra, cũng như khả năng một bộ phận đáng kể công chúng sẽ sẵn sàng thử làm điều đó.
Thật thú vị, tình cờ ông Kennedy lại là một thành viên Đảng Dân Chủ điển hình khi nói đến phán quyết Citizens United. Ông ấy phản đối phán quyết đó, nhưng không đưa ra cách tốt hơn để viện trợ tài chính cho các chiến dịch chính trị trong một thời đại mà chúng quá đắt đỏ.
Có lẽ ông ấy nên có một cuộc gặp gỡ tâm giao với ông Ramaswamy về việc này. Kennedy/Ramaswamy, hoặc ngược lại, có thể là một kết hợp thú vị, giống như Trump/Kennedy.
Cái duy nhất chúng ta thực sự cần là một điều gì đó hoàn toàn khác biệt so với những thứ chúng ta đã có. Và chúng ta cần sớm có điều đó. Các đảng phái chính trị, đặc biệt là ban lãnh đạo của họ, ngày càng ít thể hiện được giá trị của họ.
Cuốn sách mới của ông Roger L. Simon mang tên “American Refugees” (Người Mỹ tị nạn) sẽ được Encounter xuất bản vào tháng Chín.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times