Chúc mừng sinh nhật Mỹ quốc!
Vài ý tưởng để Ngày Độc Lập này trở nên đặc biệt
SSHHREEEEE! BÙM! AHHHH!
Hỏa tiễn đồ chơi, vải thêu kim tuyến, pháo hoa que, vòng pháo hoa, tất cả được phóng lên bầu trời đêm, sáng rực trong đêm tối với niềm hân hoan của các khán giả, một đài pháo hoa đón mừng Ngày Độc Lập. Ngoài cái tên không chính thức là Ngày Pháo hoa Hoa Kỳ, thì ngày 04/07 còn là kỳ nghỉ giữa hè, thời điểm mà các gia đình và bạn hữu quây quần bên những bữa tiệc nướng ở khoảng sân sau nhà, các buổi dã ngoại, và các buổi tiệc potluck, là lúc những đứa trẻ tung tăng trong ánh hoàng hôn trong khi người lớn thư giãn với đồ uống trên những chiếc ghế sân vườn, và các cuộc diễn hành, hòa nhạc bày tỏ lòng tôn kính đối với nền tự do của Mỹ quốc.
Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài kể từ Ngày Độc Lập đầu tiên cách đây 247 năm. Chúng ta đã trở thành một quốc gia xuyên lục địa và một cường quốc thế giới. Chúng ta đã tham gia các cuộc chiến tranh, thúc đẩy và thất bại và lại thúc đẩy để mang lại công lý cho tất cả mọi người, đồng thời trao đi phần lớn tài sản của chúng ta cho các quốc gia khác. Chúng ta đã xuất cảng mọi thứ, từ quần jean Levi’s cho đến các bộ phim Hollywood, đóng vai trò là nơi giao thoa của hàng triệu người nhập cư, và đã chạm tới bề mặt của mặt trăng.
Quá khứ đầy hào hùng đó trải rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và sinh nhật Mỹ quốc có vẻ là thời điểm hoàn hảo để hiểu thêm về điều này. Sau đây là một số ý tưởng để giúp bạn bắt đầu tìm hiểu.
Giờ đọc truyện
Có rất nhiều cuốn sách nổi bật về lịch sử và tiểu sử của Mỹ quốc, nhưng nếu bạn có thiên hướng thích thế giới của trí tưởng tượng hơn, thì một kho báu khác sẵn lòng chờ đón bạn. Khi tìm kiếm trên mạng với cụm từ khóa “tiểu thuyết lịch sử Mỹ hay nhất,” bạn sẽ thấy vô vàn danh sách các tựa sách và tác giả, từ tiểu thuyết thời Nội Chiến “The Killer Angels” của tác giả Michael Shaara, cho đến câu chuyện “The Help” về các quyền dân sự những năm 1960 của tác giả Kathryn Stockett, cho đến tiểu thuyết về đề tài miền Viễn Tây “Lonesome Dove” (Bồ Câu Cô Đơn) của tác giả Larry McMurtry.
Một vài danh sách trên đây không đề cập đến các tiểu thuyết lịch sử lâu đời hơn, nhưng nếu bạn quan tâm đến di sản thời Cách Mạng và thời thuộc địa của Mỹ quốc, thì hãy xem qua các tác phẩm của tác giả Kenneth Roberts, người đã sáng tác những tiểu thuyết được nghiên cứu kỹ lưỡng như “Northwest Passage” và “Rabble in Arms,” làm sống dậy thời đại đó [bằng các tác phẩm này]. Tiểu thuyết “A Tree Grows in Brooklyn” của tác giả Betty Smith và “O Pioneers!” của tác giả Willa Cather tái hiện các câu chuyện khác nhau nhưng đầy lôi cuốn về cuộc sống của người nhập cư ở Mỹ vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhiều tiểu thuyết về miền Viễn Tây của tác giả Louis L’Amour, lại là những tác phẩm của quá trình nghiên cứu tận tụy, có khả năng đưa chúng ta đến vùng đất của những người tiên phong và những chàng cao bồi, trong khi những tác phẩm kỳ bí của tác giả Raymond Chandler “thả” chúng ta xuống Los Angeles giữa thế kỷ 20.
Và nếu bạn đang rong ruổi trên các nẻo đường vào Ngày Độc Lập này, thì đừng quên dùng sách nói. Hãy ghé qua thư viện địa phương để mượn một số đĩa CD trước hành trình hoặc tải những quyển sách xuống điện thoại và ngắm nhìn những dặm đường đó trôi đi trong khi bạn và những người đồng hành tìm hiểu về ông John Adams, bà Harriet Beecher Stowe, hoặc những phi hành gia đầu tiên của đất nước chúng ta.
Ca hát cùng nhau
Các chuyến đi đường trường cho chúng ta cơ hội lục lại kho tàng âm nhạc của Mỹ quốc, một kho tàng quý giá nhắc nhở chúng ta rằng đất nước chúng ta là mảnh đất phong phú về âm nhạc cũng như giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Những người định cư băng qua các đồng bằng trên những chiếc xe ngựa có mái che, những người lính hành quân đến chiến trường với những cái tên đậm chất Mỹ như Cowpens và Chickamauga, và những người thất nghiệp vất vả vượt qua cuộc Đại Khủng Hoảng, họ đều lấy âm nhạc để giữ vững tinh thần của mình. Bạn có thể tìm kiếm các ca khúc đó với từ khóa “songs of American history” (các bài hát về lịch sử Mỹ quốc) hoặc trên các trang web như AmericanMusicPreservation.com, và hòa nhịp ca với những bài hát này nhé.
Xe hơi cũng có thể trở thành một lớp học hoàn hảo để giới thiệu cho trẻ em về bộ phận trọng yếu này của văn hóa Americana. Nếu bạn thấy buồn ngủ khi đang lái xe, thì chỉ việc tăng âm lượng và ngân nga một vài giai điệu khi bạn lăn bánh trên đường cao tốc.
Ai muốn xem phim không nào?
Hoặc có thể bạn muốn xem những bộ phim về lịch sử Mỹ quốc. Một lần nữa, nguồn tài nguyên phim này là vô tận, và rất nhiều bộ phim trong số này có thể thu hút cả gia đình. Nếu bạn cạn ý tưởng, hãy để những ngón tay của bạn dạo chơi và tìm kiếm trực tuyến cụm từ “movies about American history” (các bộ phim về lịch sử nước Mỹ). Tương tự như các tiểu thuyết lịch sử, danh sách lựa chọn này dường như là vô tận. Có những tựa phim nổi tiếng, ví dụ như “Saving Private Ryan” (Giải cứu binh nhì Ryan) hay bộ phim “The Patriot” (Nhà Ái Quốc) về thời Chiến Tranh Cách Mạng. Rồi thì bạn có thể đã bỏ lỡ một số bộ phim, như bộ phim “How the West Was Won” (Giành Chiến Thắng Ở Miền Tây) được trao giải thưởng Viện Hàn Lâm vào năm 1960 hay “Yankee Doode Dandy,” câu chuyện về nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ biểu diễn George M. Cohan, với màn thể hiện tuyệt vời của diễn viên James Cagney trong vai Cohan.
Bạn cũng hãy nhớ rằng, khi chúng ta quay lại các bộ phim cũ, thì bằng như chúng ta ngồi lên một cỗ máy thời gian. Khi chúng ta xem bộ phim “It Happened One Night” năm 1934 hoặc phim “Mr. Smith Goes to Washington” sản xuất năm 1939 của nhà làm phim Frank Capra, chúng ta quay ngược thời gian về gần một thế kỷ trước, nơi mà trang phục, các phong tục, và văn hóa hoàn toàn khác biệt với chúng ta thời nay. Chúng ta không chỉ đang xem một bộ phim. Chúng ta đang xem một bức chân dung sống động về một thời đã qua.
Kho lưu trữ và báo cũ
Xem qua các bản ghi cũng có thể đưa chúng ta đi thẳng vào quá khứ mà không cần qua các bước diễn giải [trung gian]. Trên YouTube, chúng ta có thể nghe câu chuyện tự thuật của một cư dân Virginia, ông Julius Howell, sinh năm 1846, người đã chiến đấu trong Nội Chiến. Chúng ta có thể lắng nghe những nô lệ tự mình kể về cuộc đời và những gian truân của họ. Cô Edith Russell, một người Mỹ, đã kể tường tận về cái đêm cô ở trên tàu Titanic, khi cô và một vài người khác tinh nghịch đá và ném những mảnh băng vỡ xung quanh boong tàu, mà không hề biết rằng con tàu bị hư hại này đang chìm dần.
Truy cập vào trang web ChoniclingAmerica.loc.gov, và chúng ta sẽ tìm thấy hơn 20 triệu trang báo Mỹ từ năm 1770 đến năm 1963 được lưu trữ trong Thư viện Quốc hội. Đây là một cách tuyệt vời để kết nối với quá khứ. Tôi đang viết những dòng này vào ngày 11/06/2023, và điều đầu tiên xuất hiện trên trang web này là một số tiêu đề từ đúng một thế kỷ trước: “Trận lũ tồi tệ nhất đã quét qua Kansas trong những năm qua” hoặc “Nhiều hành khách bị thương trong vụ trật đường ray lớn”, mô tả một vụ tai nạn đường sắt. Những câu chuyện thời sự như vậy nhắc nhở chúng ta rằng câu nói của người xưa “dẫu nhiều sự tình thay đổi, thì vẫn có những thứ bất biến” là vô cùng đúng đắn.
Hãy tìm cụm từ “old newspaper archives” (kho lưu trữ báo cũ), và thì bạn càng thấy nhiều trang web nữa. Một vài trong số này được thiết kế thành bài giảng trong lớp học và có thể khiến một cuốn sách giáo khoa lịch sử trở nên sống động và thú vị hơn cho các học sinh. Từ Thư tín Quận Atchison của Rockport, Missouri, đề ngày 08/11/1918, chỉ ba ngày trước khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc, chúng ta đọc được tin ông McNulty được nghỉ phép vĩnh viễn tại nhà sau khi ông bị trọng thương từ một trận chiến bằng lựu đạn súng trường trong các chiến hào của Pháp. Bên cạnh bài báo này là những quảng cáo lớn về heo đực giống và gia súc.
Một đêm tại viện bảo tàng
“Night at the Museum” (Đêm Ở Viện Bảo Tàng) là tên của một chùm phim nổi tiếng liên quan đến lịch sử nước Mỹ, nhưng với công nghệ kỹ thuật số ngày nay, tất cả chúng ta đều có thể dành một đêm tại bảo tàng nếu muốn. Cũng như các nơi khác, lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các bảo tàng và di tích lịch sử, làm tăng số lượng các chuyến tham quan trực tuyến đến những nơi này. Bạn có thể đang ở Montana, nhưng nếu bạn muốn tham quan đồn điền Monticello của Tổng thống Thomas Jefferson, bạn có thể đặt một chuyến tham quan trực tuyến. Bạn cũng có thể đặt tour tham quan đến Tòa Bạch Ốc, ngôi nhà trên đồi Sagamore của Tổng thống Teddy Roosevelt, các chiến trường như Antietam ở Maryland và Alamo, hay nhiều địa danh lịch sử khác.
Bạn hãy truy cập vào trang web JoyOfMuseums.com, nhấp chuột vào “USA,” sau đó nhấp vào “Top 100 USA,” và bạn đã đến được nơi để đặt các tour tham quan trực tuyến. Ở trang này, có các phòng trưng bày nghệ thuật như Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan và Bảo tàng Mỹ thuật Houston, các kho lưu trữ lịch sử như Bảo tàng Điệp viên Quốc tế và Bảo tàng Quốc gia của người Mỹ Thổ dân, và các điểm tham quan đặc biệt như các đài quan sát và triển lãm không gian.
Duy trì ngọn lửa tự do
Yêu thương người khác — vợ/chồng, con cái, bạn hữu — có nghĩa là hiểu về họ, và tình yêu thương cũng như sự hiểu biết đó khiến chúng ta khao khát mãnh liệt được chăm sóc, bảo vệ và bênh vực họ. Chúng ta muốn điều tốt nhất cho họ và để họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Điều này cũng đúng với đất nước chúng ta. Bằng cách khám phá thêm về vùng đất của hành động và ước mơ của chúng ta, thì tình cảm của chúng ta chỉ có thể sâu sắc hơn mà thôi. Năm nay, khi chúng ta kỷ niệm sinh nhật Mỹ quốc, chúng ta có sẵn phương tiện để biến việc học hỏi đó thành hiện thực hơn bao giờ hết.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times