Chủ tịch Fed Powell: Cuộc chiến lạm phát ‘còn chặng đường dài’, nợ của Hoa Kỳ là ‘không bền vững’
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết Hoa Kỳ đang theo dõi quá trình khử lạm phát lan khắp nền kinh tế quốc gia, nhưng “còn một chặng đường dài phía trước” trước khi đạt được sự ổn định về giá cả.
Khi nói tại Câu lạc bộ Kinh tế Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Ba (07/02), Chủ tịch Fed thừa nhận rằng đất nước đang ở “giai đoạn đầu của quá trình giảm lạm phát.” Tuy nhiên, nhiều khu vực của thị trường vẫn đang trải qua lạm phát cao, ông nói, ám chỉ đến lĩnh vực dịch vụ.
Theo Cục Thống kê Lao động, trong tháng 12/2022, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên 7.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 08/1982.
Theo ông Powell, sẽ cần thời gian để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và con đường đạt được mục tiêu này “có lẽ sẽ gập ghềnh.” Do đó, ông tin rằng Fed sẽ cần giữ lãi suất chính sách ở một mức thắt chặt trong một thời gian kéo dài.
“Chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ là một năm lạm phát giảm đáng kể. Thực ra công việc của chúng tôi là bảo đảm được điều đó,” ông Powell nói với ông David Rubenstein, người đồng sáng lập Tập đoàn Carlyle tại sự kiện này. “Tôi đoán chắc chắn là sẽ phải mất không chỉ trong năm nay mà cả năm tới mới giảm xuống gần 2% được.”
Hiện nay, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) — thước đo lạm phát được ưa chuộng của Fed — đang có một tốc độ hàng năm là 5%. PCE cốt lõi, loại bỏ các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm vốn không ổn định, đang ở mức 4.4%.
Khi được hỏi liệu có bất kỳ mối đe dọa nào đối với chiến dịch thắt chặt định lượng (QT) nhằm ngăn chặn lạm phát của Fed hay không, ông Powell cho biết có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương này — chẳng hạn như chiến tranh ở Ukraine và việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc.
Phản ứng của thị trường
Chủ tịch Fed bảo đảm với thị trường rằng mục tiêu của định chế này không phải là gây bất ngờ cho các nhà đầu tư.
Trước nhận xét của ông Powell hôm thứ Ba (06/02), thị trường tài chính đang chững lại. Sau đó, trong bài nói chuyện của ông ấy, các chỉ số chuẩn hàng đầu đã tăng điểm khi người đứng đầu Fed này đã cho biết rằng lạm phát đang giảm.
Tuy nhiên, cổ phiếu đã chuyển tiêu cực khi các nhà đầu tư nghe tin ông Powell xác nhận rằng có khả năng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất hơn, lặp lại những nội dung đã được ghi nhận trong tuyên bố chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hồi tuần trước.
Ông giải thích, “Ví dụ, nếu chúng ta tiếp tục nhận được báo cáo thị trường lao động mạnh mẽ hoặc báo cáo lạm phát cao hơn, thì có thể chúng ta phải làm nhiều hơn và tăng lãi suất nhiều hơn mức đã được định giá.”
“Tôi nghĩ rằng người ta kỳ vọng rằng lạm phát sẽ biến mất nhanh chóng và không gây đau đớn, và tôi không nghĩ điều đó được bảo đảm. Đó không phải là trường hợp căn bản,” ông Powell nói thêm. “Trường hợp căn bản là … sẽ mất một thời gian. Và chúng ta sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn, và sau đó chúng ta sẽ phải nhìn quanh để xem liệu chúng ta đã làm đủ chưa.”
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 517,000 việc làm mới trong tháng Một, cao hơn ước tính của thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 3.4%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm khoảng 0.6%, S&P 500 giảm khoảng 0.4%, và Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 0.25%.
Công khố phiếu có tín hiệu tương phản, với lãi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng hơn 3 điểm căn bản lên 3.66%.
Chỉ số USD (DXY), đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, đã bù được các khoản giảm giá và giao dịch ở mức giá không đổi, lơ lửng ở mức 103.60.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của FOMC sẽ diễn ra vào ngày 21 và 22/03. Theo Công cụ theo dõi FedWatch của CME Group, nhiều người cho rằng các quan chức sẽ tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 25 điểm căn bản lên mức 4.75% và 5.00%.
Mức trần nợ
Khi được hỏi về mức trần nợ của Hoa Kỳ, ông Powell khẳng định đây là vấn đề tài khóa thuộc trách nhiệm của Quốc hội và Bộ Ngân khố.
Ông Powell hy vọng rằng Quốc hội sẽ bỏ phiếu nâng mức trần nợ để chính phủ liên bang có thể thanh toán tất cả các hóa đơn của mình. Nhưng ông lưu ý rằng ngân hàng trung ương không có “khả năng bảo vệ các thị trường tài chính hoặc nền kinh tế Hoa Kỳ trước các hậu quả” của việc tăng giới hạn nợ này.
Tháng trước, chính phủ Hoa Kỳ đã chạm mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD. Kể từ đó, Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đã gặp bế tắc. Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng sẽ không có cuộc đàm phán nào để tăng giới hạn nợ này, nhưng các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa cho rằng sự kiềm chế không giải quyết vấn đề chi tiêu và mức nợ quá lớn của Hoa Thịnh Đốn là vô trách nhiệm.
Ông Powell cho rằng chính phủ liên bang đang đi trên “con đường tài khóa không bền vững.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times