‘Chơi lại’: Hãy bắt đầu lại từ đầu nếu mọi việc đi sai hướng
Đôi khi, chúng ta chỉ cần bấm nút khởi động lại đúng thời điểm
Khi còn nhỏ, chúng tôi tự sáng tạo ra các trò chơi với các loại thẻ, bóng, trò chơi trên bàn cờ với các mảnh ghép còn thiếu và với hết thảy những gì chúng tôi tìm thấy xung quanh nhà.
Nếu trò chơi diễn ra không suôn sẻ, ai đó sẽ hét lên: “Chơi lại đi!” Không cần phải giải thích, chúng tôi đều sẽ dừng chơi, thu thập các “mảnh trò chơi” lại. Sau khi chỉnh sửa chút đỉnh, chúng tôi bắt đầu chơi lại lần nữa.
Đó là một cách bày trò chơi hiệu quả vào những năm 1960 và đó cũng là cách mà tôi thường xuyên áp dụng khi nuôi dạy bốn đứa con trai của chúng tôi.
Tất cả các bậc cha mẹ đều biết rằng nếu con không thích giáo viên của mình, thì năm học dường như bị kéo dài vô tận. Bước lên xe buýt đến trường không khác gì bị nhổ răng và ý nghĩ về cảnh tượng lệt bệt cả ngày ở trường của con điều tệ nhất!
Ở trường cấp hai, trừ khi giáo viên là nam giới, còn không thì tôi thường xuyên nhận được lời mời họp phụ huynh vào khoảng giữa tháng 12. Thông thường, cô giáo sẽ phàn nàn về sự thiếu chú ý và những trò nghịch ngớ ngẩn trong giờ học của con tôi.
Qua nhiều năm quan sát, tôi nhận ra rằng, không nên để kéo dài mối bất hòa với giáo viên. Tốt hơn hết là bạn nên “chơi đẹp” khi ủng hộ sự thành công của con bạn trong lớp học.
Một năm, ngay trước kỳ nghỉ Giáng sinh và đúng theo lịch họp hàng năm, tôi nhận được cuộc gọi từ các giáo viên lớp sáu của cậu con trai yêu cầu đến dự cuộc họp phụ huynh. Tôi thu xếp và đưa mấy cậu con trai nhỏ của chúng tôi đến trường. Để có thể nói chuyện riêng được với các giáo viên, tôi cho các con mình ngồi trên ghế ở hành lang bên ngoài lớp học và đưa cho con giấy và bút màu.
Hai giáo viên đang ngồi ở bàn tròn đợi tôi. Một người còn trẻ và trông mệt mỏi. Tôi cảm thấy đồng cảm với cô ấy khi tôi nhớ lại năm đầu tiên đi dạy của mình. Người còn lại là một giáo viên giàu kinh nghiệm, cô ấy đang mở một tấm bìa dày đặt trước mặt. Bất cứ khi nào có vấn đề gì với con tôi thì cô ấy cũng đều lưu những tài liệu liên quan trong đó.
Tôi lắng nghe những lời phàn nàn của họ và biết rằng những lời này không phải là vô căn cứ. Chúng tôi ngồi trong im lặng khi họ chờ đợi câu trả lời của tôi, nhưng tôi thì lại không có câu trả lời nào để nói ra được. Tôi nhìn vào mắt cô giáo trẻ. Tôi có thể thấy rằng cô ấy đã bất lực. Tôi nhìn người giáo viên kỳ cựu và các bằng chứng đáng sợ của cô ấy. Tôi đã làm những gì tôi luôn làm khi không biết phải làm sao: Tôi cầu xin Chúa giúp tôi.
Đột nhiên, một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi.
Tôi nói: “Theo các cô thì chúng ta có nên bắt đầu lại không? Khi ở nhà, tôi sẽ rèn giũa con trai mình để cháu sẽ chăm chỉ hơn trong lớp, ít đi chơi với bạn bè hơn. Còn khi ở lớp, thì các cô có thể coi như bây giờ mới là vào đầu năm học và bắt đầu lại với con trai tôi không?”
Cô giáo trẻ nghiêng đầu tò mò. Cô giáo kia từ từ đóng tấm bìa cứng lại và kéo nó về phía mình. Cả hai đều nhìn tôi đầy hoài nghi. Tôi cho rằng họ đã nhầm tưởng rằng tôi sẽ phản pháo.
Tôi cảm ơn vì sự kiên nhẫn của họ và đi vào sảnh để đón các cậu bé của tôi. Cô giáo trẻ thò đầu ra khỏi lớp và bảo tôi nên đưa con trai tôi đi khám bác sĩ thính giác. Đó là một cử chỉ ngọt ngào và tử tế. Tôi mỉm cười, biết rằng một ngày nào đó cô ấy có thể sẽ có một cậu học sinh lớp sáu của riêng mình và sau đó sẽ hiểu rõ hơn về sự thiếu chú ý ở lứa tuổi này.
Tôi cảm thấy thật vui trên đường về nhà, tôi thấy những chiếc bút màu giờ đã bị hỏng và nằm trên sàn. Sau khi tô màu xong bức tranh, các bạn nhỏ của tôi đã có một khoảng thời gian vui vẻ khi bẻ những cây bút chì ra và lấy làm đồ chơi. Tôi tự hỏi liệu đây có phải là điềm báo cho những gì sắp xảy ra khi các con lên lớp sáu hay không.
Cho dù đó là trường học, hôn nhân hay cuộc sống nói chung, khi mọi thứ không suôn sẻ thì không có kế hoạch nào tốt hơn là ai đó sẽ đứng ra hô “Chơi lại!” Sau đó, không cần giải thích, chúng ta hãy bắt đầu lại lần nữa.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times