Nợ Hoa Kỳ vượt 31 ngàn tỷ USD trong bối cảnh chi tiêu mạnh tay của chính phủ TT Biden
Theo dữ liệu của Bộ Ngân khố được công bố hôm 04/10, lần đầu tiên trong lịch sử nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã vượt mức 31 ngàn tỷ USD.
Dữ liệu cho thấy tổng nợ quốc gia là 31.123 ngàn tỷ USD tính đến hôm 03/10, sau khi vượt mốc 30 ngàn tỷ USD chỉ 9 tháng trước đó hồi cuối tháng Một.
Tổng thống (TT) Joe Biden và Quốc hội đã tăng việc vay nợ của chính phủ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để hỗ trợ nền kinh tế khi nhiều người mất việc làm và gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng, nhưng việc vay nợ tiếp tục được thực hiện để giúp kích thích nền kinh tế sau các vụ phong tỏa.
Trước đại dịch, vào cuối năm 2019, nợ quốc gia ở mức 22.7 ngàn tỷ USD. Chỉ một năm sau, nó đã tăng lên 27.7 ngàn tỷ USD và tiếp tục tăng thêm kể từ đó.
Tuy nhiên, Ủy ban về Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) đã lưu ý trong một thông báo hôm 03/10 rằng Hoa Kỳ hiện đã vượt qua những thách thức nghiêm trọng nhất của đại dịch nhưng chính phủ ông Biden vẫn tiếp tục vay những khoản tiền lớn.
Bà Maya MacGuineas, chủ tịch CRFB, cho biết trong một tuyên bố: “Đây là một kỷ lục mới mà không một ai nên tự hào về nó. Trong 18 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, lãi suất tăng lên một phần để chống lại lạm phát này, và một số luật và hành động hành pháp làm tăng ngân sách.”
Bà MacGuineas nói, “Chỉ trong năm 2022, Quốc hội và Tổng thống đã thông qua khoản vay mới tổng cộng 1.9 ngàn tỷ USD, và Tổng thống Biden đã phê chuẩn khoản thâm hụt mới 4.9 ngàn tỷ USD kể từ khi nhậm chức. Chúng ta mắc chứng nghiện nợ.”
Lạm phát đạt 8.3% so với cùng kỳ năm ngoái tại Hoa Kỳ trong tháng Tám, khiến Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tích cực tăng lãi suất để giảm chi phí sinh hoạt. Ngân hàng Trung ương đã tung ra một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản khác hôm 21/09.
‘Nên cam kết không vay thêm vào năm 2022’
Tuy nhiên, những đợt tăng như vậy khiến việc vay nợ của chính phủ trở nên đắt đỏ hơn. Thâm hụt ngân sách dự kiến là khoảng 1 ngàn tỷ USD vào năm 2022.
Bà MacGuineas nói: “Vấn đề còn rắc rối hơn là khoản nợ đó sẽ đi đến đâu. Quốc gia của chúng ta phải đối mặt với những thách thức tài chính đáng kể trong thời gian tới. Medicare chỉ còn 6 năm nữa là mất khả năng thanh toán, và Sở An sinh Xã hội chỉ còn 12 năm nữa là mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã không đưa ra kế hoạch đưa cả hai chương trình vào nền tảng tài khóa vững chắc.”
Trong nỗ lực chống lạm phát, ông Biden cũng đã ban hành Đạo luật Giảm Lạm phát mà tổng thống cho rằng sẽ giảm chi phí cho người Mỹ đối với mọi thứ, từ chăm sóc y tế đến năng lượng.
Tuy nhiên, CRFB tháng trước ước tính rằng các chính sách và hành động điều hành của ông Biden có thể làm thâm hụt thêm 4.8 ngàn tỷ USD từ năm 2021 đến 2031, đồng thời cảnh báo rằng việc vay nợ quá mức có thể khiến lạm phát tăng vọt hơn nữa và tăng nợ quốc gia lên mức kỷ lục mới vào năm 2030.
Bà MacGuineas cho biết trong tuyên bố hôm thứ Hai: “Khi thời điểm cuối năm đến gần, đã đến lúc cần nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách rằng việc tăng nợ quốc gia thêm nữa hay không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Ít nhất, họ nên cam kết không vay thêm vào năm 2022 — không hề quá khi yêu cầu họ thực hành thanh toán cho các ưu tiên của mình bằng cách không vay bất kỳ khoản vay mới nào chỉ trong ba tháng. Khoản nợ 31 ngàn tỷ USD là một con số đáng kinh ngạc có thể khiến họ phải mất ngủ.”
Bất chấp lo ngại ngày càng tăng về việc chính phủ gia tăng vay nợ, ông Biden đã ca ngợi chính phủ của mình vì làm giảm thâm hụt ngân sách.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times