Chính phủ TT Biden ký hiệp ước khí hậu mới để đóng cửa tất cả nhà máy điện than ở Hoa Kỳ
Đặc phái viên về khí hậu John Kerry đã công bố cam kết mới nhất về khí hậu của chính phủ Tổng thống Biden — ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và đóng cửa các nhà máy hiện có.
Hôm thứ Bảy (02/12), ông John Kerry, đặc phái viên của tổng thống về các vấn đề khí hậu, đã loan báo rằng Hoa Kỳ đã “tự hào” cam kết không xây dựng bất kỳ nhà máy điện than mới nào và loại bỏ hoàn toàn những nhà máy điện than hiện có.
“Để đạt được mục tiêu 100% điện không gây ô nhiễm và phi carbon vào năm 2035, chúng ta cần loại bỏ dần than chưa được giảm phát thải,” ông Kerry nói trong một tuyên bố hôm 02/12, trong đó ông cho biết rằng Hoa Kỳ đã chính thức tham gia vào một liên minh gồm 56 quốc gia khác đều có kế hoạch loại bỏ than dưới danh nghĩa biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy nhanh việc loại bỏ than chưa được giảm phát thải trên toàn thế giới, xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ hơn và cộng đồng bền vững hơn,” ông Kerry cho biết trong tuyên bố của mình. “Bước đầu tiên là ngừng làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn: dừng xây dựng các nhà máy điện than mới chưa được giảm phát thải.”
Mặc dù thời điểm mà chính phủ TT Biden dự định đóng cửa các nhà máy than hiện có của Mỹ vẫn chưa được đưa ra, nhưng các hành động pháp lý khác của chính phủ sẽ tập trung vào năm 2035, năm chấm dứt việc sử dụng than.
Theo Bộ Năng lượng (DOE), tính đến tháng 10/2023, than chỉ cung cấp dưới 20% điện năng của Hoa Kỳ.
Liên minh chống lại ngành điện than
Hiệp ước chống điện than mà ông Kerry cho biết Hoa Thịnh Đốn vừa tham gia có tên là Liên minh Power Past Coal, được thành lập cách đây sáu năm và có 50 thành viên cho đến hôm thứ Bảy, khi Hoa Kỳ, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Dominica, Iceland, Kosovo, và Na Uy tham gia, nâng tổng số thành viên lên 56.
Trích dẫn Lộ trình Net Zero của IEA, Liên minh Power Past Coal cho biết trong một tuyên bố hôm 02/12 rằng, để “bảo đảm cho mục tiêu 1.5°C,” các nền kinh tế tân tiến như Hoa Kỳ cần chấm dứt ngay việc xây dựng nhà máy điện than mới và loại bỏ dần các nhà máy hiện có vào năm 2030 và đến năm 2040 ở phần còn lại của thế giới.
Mức 1.5°C, lần đầu tiên được thiết lập trong Thỏa thuận Paris năm 2015, nhằm mục đích hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1.5°C vào năm 2100.
Năm 2022, các nhà máy nhiệt than tạo ra 36% điện năng trên toàn cầu, vượt xa tất cả các nguồn khác. Hơn một nửa sản lượng điện này là ở Trung Quốc, quốc gia đang xây dựng các nhà máy điện than mới với tốc độ nhanh chóng, không bị cản trở bởi các cam kết và mục tiêu về khí hậu khác nhau mà lãnh đạo nước này chỉ hứa suông.
Ba nước tiếp theo đóng góp nhiều nhất cho sản lượng nhiệt than toàn cầu là Ấn Độ, Hoa Kỳ, và Nhật Bản, cùng chiếm khoảng 25% tổng sản lượng.
Việc sử dụng điện than ở Trung Quốc và các nước khác
Các dự án điện than đã tăng vọt ở Trung Quốc vào năm 2022 mặc dù Trung Quốc cam kết cắt giảm tiêu thụ than vào cuối thập niên này.
Theo một báo cáo hồi tháng Hai (pdf) của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), vào năm 2022, việc xây dựng nhà máy điện than bắt đầu, các dự án mới được công bố, và việc cấp phép xây dựng nhà máy điện than “tăng tốc đáng kể” ở Trung Quốc. Cả hai tổ chức này cho biết rằng khoảng hai nhà máy điện than mới được cấp phép mỗi tuần ở Trung Quốc.
“Các nhà máy với tổng số công suất điện than 50 GW đã bắt đầu được xây dựng ở Trung Quốc vào năm 2022, với công suất tăng hơn 50% so với năm 2021. Nhiều dự án trong số này đã được cấp phép nhanh chóng và tiến hành xây dựng chỉ trong vài tháng,” báo cáo cho biết.
“Các dự án điện than mới với tổng số công suất 106 GW đã được cấp phép, tương đương với hai nhà máy điện than lớn mỗi tuần. Công suất được phép tăng hơn gấp bốn lần so với 23 GW vào năm 2021,” báo cáo cho biết thêm.
Nước tiêu thụ than lớn thứ hai là Ấn Độ cũng tăng mức tiêu thụ than. Theo báo cáo “Than 2022” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu than ở Ấn Độ đã tăng 14% vào năm 2021.
Trong khi đó, theo báo cáo của IEA, nhu cầu than ở Hoa Kỳ cũng có mức tăng 15% vào năm 2021.
Trong khi đó, một báo cáo gần đây của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) cho thấy khoảng một triệu việc làm trong ngành than có thể bị mất vào năm 2050 khi các mỏ than ngừng hoạt động — ngay cả khi không có bất kỳ chính sách khí hậu nào được thực hiện.
Phần lớn số việc làm bị mất sẽ ở châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải gánh chịu nặng nề nhất.
Đối với Hoa Kỳ, báo cáo của GEM ước tính cứ mỗi thập niên trong những năm 2030 và 2040, ngành than sẽ mất hơn 15,000 việc làm, và mất chưa tới 15,000 việc làm trong những năm 2050.
Bản tin có sự đóng góp của Naveen Athrapully
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times