Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao mới: 2.24 ngàn tỷ USD
Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao mới, lên tới 2.24 ngàn tỷ USD vào năm ngoái (2022). Châu Âu đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong chi tiêu quốc phòng trong 30 năm qua.
Chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức cao mới: 2.24 ngàn tỷ USD vào năm ngoái. Con số đó tương đương với 2.04 ngàn tỷ euro, và sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thì đây là mức tăng 3.7% so với năm 2021. Đây là những gì Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) viết trong “Báo cáo Chi tiêu Quân sự Toàn cầu”, được công bố hôm thứ Hai (24/04).
Mức tăng mạnh nhất ở châu Âu trong 30 năm qua
Viện SIPRI tiếp tục cho biết, chi tiêu quân sự ở châu Âu đã tăng mạnh trong ít nhất là 30 năm qua. Chi tiêu cho quốc phòng đã tăng trên toàn thế giới trong tám năm liên tiếp. Viện nghiên cứu có trụ sở tại Thụy Điển này dự kiến mức chi tiêu sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới. “Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn,” nhà nghiên cứu chính của viện SIPRI, ông Điền Nam (Nan Tian), nhận xét về kết quả này. “Các quốc gia tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự để ứng phó với tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Và họ không mong đợi tình trạng này sẽ được cải thiện trong tương lai gần,” ông Điền nói.
Năm quốc gia có ngân sách quân sự lớn nhất năm ngoái là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Saudi Arabia, chiếm 63% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, châu Âu là nơi ghi nhận mức tăng chi tiêu vũ khí lớn nhất cho đến nay, ở mức 13%. Theo viện SIPRI thì chưa từng có làn sóng tái vũ trang nào như thế này kể từ thời Chiến Tranh Lạnh. Tuy nhiên, viện nghiên cứu hòa bình này nhận thấy nguyên nhân chi tiêu tăng không chỉ là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Ông Lorenzo Scarazzato, chuyên gia về chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của viện SIPRI đã chỉ ra trong báo cáo rằng, gia tăng chi tiêu quân sự đã xảy ra kể từ năm 2014, một năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Kể từ đó, nhiều quốc gia khối Đông Âu cũ đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu quân sự của mình.
Ba Lan muốn có quân đội mạnh nhất châu Âu
Tại một sự kiện bầu cử ở thành phố Wolomin gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã tuyên bố đất nước ông sẽ xây dựng quân đội mạnh nhất ở châu Âu trong hai năm tới, nếu Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của ông đắc cử trong cuộc bầu cử Nghị viện vào mùa thu. Hãng thông tấn Ba Lan PAP trích lời vị bộ trưởng quốc phòng này nói như sau:
“Nếu các cử tri, nếu người dân cho chúng ta một nhiệm kỳ khác, thì chúng ta sau hai năm nữa có thể gặp lại nhau ở đây tại Wolomin và khi đó tôi có thể cho các vị thấy, rằng quân đội Ba Lan sẽ là quân đội trên bộ mạnh nhất ở châu Âu.”
Ukraine: Tăng 640%
Đánh giá về Ukraine, theo viện SIPRI, chi tiêu quân sự của Ukraine năm ngoái đã lên tới 44 tỷ USD. Với mức chi tiêu này họ đã tiến rất gần đến mức chi tiêu của Đức (55.8 tỷ USD) và Pháp (53.6 tỷ USD). Theo viện SIPRI, nếu tính cả khoản viện trợ quân sự do hơn 20 quốc gia cung cấp cho Ukraine, thì sẽ có thêm khoảng 30 tỷ Euro nữa, con số này tương ứng với hơn ⅘ ngân sách quân sự của Nga vào năm 2022.
Trong lịch sử 57 năm của viện nghiên cứu SIPRI, chưa một quốc gia nào có tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng cao hơn Ukraine vào năm ngoái. So với năm 2021 thì mức độ tăng là 640%, theo viện này. Ví dụ, nếu so sánh với năm 2013, thì mức tăng thậm chí sẽ là 1,661%. Trong bối cảnh này, viện SIPRI cũng xem xét gánh nặng liên quan đến chi tiêu đối với nền kinh tế: tỷ lệ chi tiêu quân sự trên tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine đã tăng từ 3.2% vào năm 2021 lên 34% vào năm 2022.
Các quốc gia thành viên NATO cũng tự nâng cấp vũ trang
Sự mở rộng về phía Bắc của NATO cũng khiến cho chi tiêu vũ khí ở châu Âu tăng mạnh. Trong quá trình chuẩn bị trở thành thành viên của NATO, hai quốc gia Phần Lan và Thụy Điển đã tăng đáng kể chi tiêu quân sự vào năm 2022. Trong năm đó, Phần Lan tăng chi tiêu 36% còn Thụy Điển tăng 12%.
Theo SIPRI, tổng chi tiêu vũ khí của tất cả các thành viên trong khối NATO gộp lại tăng 0.9% so với năm 2021 lên mức 1,232 tỷ USD, chiếm 55% chi tiêu quân sự toàn cầu. Trong đó 877 tỷ USD là mức chi tiêu của Hoa Kỳ, quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Chi tiêu của Trung Quốc liên tục tăng trong 28 năm
Bên cạnh châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là điểm căng thẳng địa chính trị thứ hai có tác động đến ngân sách quân sự. Đối với các quốc gia châu Á — ngoại trừ Trung Đông và châu Đại Dương, tổng ngân sách là 575 tỷ USD vào năm 2022, chiếm ¼ chi tiêu toàn cầu.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản chiếm 75% chi tiêu quân sự. Với Trung Quốc thì chi tiêu quân sự tăng 4.6% lên 296 tỷ USD trong năm thứ 28 liên tiếp. Viện SIPRI ước tính chi tiêu quân sự của Trung Quốc bằng khoảng ⅓ chi tiêu của Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu Xiao Liang của SIPRI quan sát thấy sự thay đổi sâu sắc trong chính sách quân sự ở Nhật Bản. Chi tiêu của nước này tăng 5.9% lên 46 tỷ USD, tương đương 1.1% GDP. Nhật Bản dự tính sẽ tăng lên 2% vào năm 2027 để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga.
Do Patrick Langendorf thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức