Quy định chống tham nhũng mới nhất của Bắc Kinh làm chệch hướng sự chú ý khỏi các vấn đề thật sự của Trung Quốc
Đây có phải là sự đánh lạc hướng hơn nữa của chế độ cộng sản khỏi các vấn đề nghiêm trọng?
Hôm 20/06, tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) do nhà nước điều hành đưa tin “Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một quy định về các hoạt động kinh doanh của thân nhân các quan chức.”
Mặc dù không được giải thích đầy đủ nhưng đây dường như là biện pháp mới nhất nhắm vào các quan chức quan liêu và đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong chiến dịch chống tham nhũng kéo dài cả thập niên của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thông báo này là thật hay là hỏa mù? Chúng ta hãy cùng nhau xem xét chủ đề này một cách chi tiết.
Các chiến dịch chống tham nhũng
Các chiến dịch chống tham nhũng là “một đặc điểm, không phải là một thiếu sót” trong các chế độ cộng sản. Các lãnh đạo cộng sản thường xuyên sử dụng các hành động chống tham nhũng để chuyển hướng sự chú ý trong nước khỏi những vấn đề nan giải — và ngày càng nghiêm trọng hơn — do hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của họ gây ra.
Các hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc nào cũng dẫn đến sự thiếu hụt các hàng hóa và dịch vụ cơ bản cần thiết cho cuộc sống hàng ngày ở một quốc gia văn minh, bao gồm thực phẩm, chỗ ở, nhiên liệu, dịch vụ y tế, nhà ở, và hàng tiêu dùng. Tác dụng phụ phổ biến của sự thiếu hụt đó là các dòng người xếp thành hàng dài mà người dân phổ thông phải chịu đựng để có được bất cứ thứ gì.
Tất cả các quốc gia cộng sản đều có nền kinh tế ngầm liên quan đến hành vi hối lộ trên thực tế để có được nhu yếu phẩm, hàng hóa, và dịch vụ. Một khía cạnh quan trọng là việc kiếm tiền từ các chức vụ quan liêu, vì các quan chức cộng sản sử dụng quyền lực và quyền kiểm soát của họ để bán các ưu đãi ngoài thủ tục thông thường cho những ai có thể trả tiền — và những ai muốn tránh những hàng dài chờ đợi vô ích đó.
Đây là cốt lõi của tham nhũng trong một nhà nước cộng sản. Nhưng đó chỉ là một triệu chứng của một vấn đề lớn hơn về hối lộ và tham nhũng trong các chế độ độc tài cộng sản.
Tấm gương của Liên Xô
Gần như hiển nhiên rằng khi một nhà lãnh đạo cộng sản công khai một chiến dịch chống tham nhũng, thì sáng kiến này nhằm làm sao lãng và đánh lừa công dân khỏi những vấn đề nghiêm trọng hơn đồng thời tăng thêm sự kiểm soát về mặt chính trị đối với các nhóm mục tiêu.
Các chiến dịch chống tham nhũng thời Liên Xô đã chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi nạn đói tái diễn vì mùa màng thất bát do nông nghiệp tập trung cùng thuyết Lysenko gàn dở, cũng như tình trạng thiếu hụt nói trên gây ra.
Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình Tư pháp của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ năm 1977, một nhà Xô Viết học ước tính rằng các hành vi phạm tội về kinh tế, chẳng hạn như hối lộ và tham nhũng, chiếm tới 25% tổng số hành vi phạm tội xảy ra ở Liên Xô.
Sự tham nhũng đó thậm chí còn lan rộng đến những người điều hành nhà máy, những người thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề trong việc thu thập các nguồn cung cần thiết để sản xuất ra các thành phẩm cuối cùng; các nhà quản lý đã sử dụng “blat” (từ gốc Nga là “блат”, hiểu nôm na là “quan hệ”) để đáp ứng các yêu cầu sản xuất cho doanh nghiệp của họ. “Blat” nói đến “việc sử dụng ảnh hưởng cá nhân để có được những ưu đãi nhất định mà các đơn vị sản xuất không được hưởng một cách hợp pháp.”
Tham nhũng về căn bản đã được thể chế hóa như một thực tế của cuộc sống ở Liên Xô cũ, và nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô khác nhau đã thực hiện các chiến dịch chống tham nhũng một cách thuận tiện để đánh lạc hướng khỏi những thiếu sót của nền kinh tế Liên Xô và những khó khăn hàng ngày mà người dân Liên Xô phải đối mặt.
Trong một chiến dịch như vậy bắt đầu vào năm 1983, lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov thậm chí còn nhắm vào các cộng sự của người tiền nhiệm Leonid Brezhnev, mặc dù cuộc thanh trừng cũng ảnh hưởng đến những người Nga bình dân, như tờ New York Times đưa tin năm 1985: “Theo các bản tin, các giám đốc ngân hàng, chủ tịch hợp tác xã, bác sĩ, quan chức công đoàn, thứ trưởng, một giám đốc rạp xiếc, và thậm chí một số quan chức đảng đang bị kết án, cùng với những tài xế taxi và nhân viên ở phòng kiểm tra và trạm đổ xăng tham nhũng.”
Kinh nghiệm của Trung Quốc Cộng sản
Tham nhũng là đặc hữu và là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc cộng sản. Cuốn sách “Red Roulette: An Insider’s Story of Wealth, Power, Corruption and Vengeance in Today’s China” (“Trò Cò Quay Đỏ: Câu Chuyện của Người Trong Cuộc về Sự Giàu Có, Quyền Lực, Tham Nhũng và Báo Thù ở Trung Quốc Ngày Nay”) được xuất bản hồi tháng 09/2021. Cuốn sách mang lại cái nhìn đặc biệt sâu sắc về sự tham nhũng của tầng lớp cầm quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả các đảng viên cao cấp của ĐCSTQ.
Theo ghi chú của Publishers Weekly tại đây, tác giả đã lên án “một hệ thống chính trị sử dụng khẩu hiệu Cộng sản trong khi … các quan chức nuốt trọn mỏ vàng cải cách kinh tế.”
Ông Tập có vẻ đồng ý, ít nhất là một phần. Như Bloomberg đã đưa tin, trong một thông điệp hỗn hợp hôm 17/06, ông Tập “nói rằng tham nhũng trong nước vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng” trong khi “Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố mạng lưới chống tham nhũng của các tổ chức tài chính là một sự thành công.”
Ông Tập đã biến việc chống tham nhũng trở thành một trọng tâm trong sự cai trị của mình ngay từ những ngày đầu nhậm chức. Năm 2012, ông giao cho Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương (CCDI) — cơ quan được giao nhiệm vụ chống tham nhũng trong nội bộ ĐCSTQ — ráo riết theo đuổi tham nhũng liên quan đến hệ thống bảo trợ.
Mục tiêu của ông có hai phương diện: để củng cố quyền lực chính trị của mình bằng cách truy quét các đối thủ bè phái “tham nhũng” và để thực sự đối phó với nạn tham nhũng đang tiếp diễn trong các đảng viên ĐCSTQ và các đồng minh kinh tế của họ.
Theo The Washington Post, năm 2018, CCDI đã “kỷ luật hơn 1.5 triệu quan chức” kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng. Kết quả là, trong khi các hành động tham nhũng của các Đảng viên có thể đã được kiềm chế theo thời gian, thì có hai sản phẩm phụ khác của chiến dịch đó: Ông Tập đã được nhiều người ủng hộ cho các hành động chống tham nhũng nhưng cũng khiến nhiều đảng viên xa lánh (đặc biệt là các đối thủ phe phái của ông).
Hồi tháng 03/2018, ông Tập đã “thuyết phục” Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 (cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc) thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới có tên là Ủy ban Giám sát Nhà nước, cơ quan này đã tiếp quản CCDI và do ông Dương Hiểu Độ (Yang Xiaodu), đồng minh và phụ tá thân cận của ông Tập đứng đầu.
Trọng tâm chống tham nhũng của ủy ban mới đã được mở rộng ra ngoài phạm vi các thành viên của ĐCSTQ để bao gồm “các nhà quản lý của các công ty và tổ chức nhà nước, kể cả các trường học, trường đại học, bệnh viện và các tổ chức văn hóa.”
Ủy ban mới cũng tập trung vào việc duy trì sự trong sạch về tư tưởng và đặc biệt là kiểm soát chính trị, bao gồm cả lòng trung thành nói chung đối với ông Tập. Sự phát triển và các hoạt động bên trong của ủy ban này được trình bày chi tiết tại đây.
Ông Tập đã thực hiện chiến dịch chống tham nhũng của mình để trừng phạt các tỷ phú Trung Quốc có liên kết với các đối thủ chính trị của ông, đặc biệt là với phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Một ví dụ quan trọng là chiến dịch chống lại Giám đốc điều hành Ant Group, ông Jack Ma khi các nhà quản lý Trung Quốc hủy niêm yết IPO kép của công ty này tại Thượng Hải và Hồng Kông hồi tháng 11/2020 — lẽ ra đó sẽ là đợt niêm yết IPO “lớn nhất thế giới từ trước đến nay” trị giá 37 tỷ USD, theo Fortune.
Người sáng lập Alibaba, ông Jack Ma đã bị cuốn vào một cuộc điều tra chống tham nhũng đối với cựu Bí thư Thành ủy của trung tâm công nghệ Hàng Châu, ông Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong). Cuộc điều tra này liên quan đến việc kiểm tra quy mô các giao dịch của Ant Group với các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, và dẫn đến việc buộc phải tái tổ chức công ty.
Sự kiên định của ông Tập là không thể nghi ngờ, thông cáo chung của cuộc họp toàn thể lần thứ 6 của CCDI lần thứ 19 được công bố hồi tháng 01/2022 đã chứa các biệt ngữ khoa trương về chống tham nhũng và thuốc phiện cho công chúng: “Quyết tâm chiến lược chống tham nhũng và trừng trị cái ác đã tập trung vào tổng thể tình hình hiện đại hóa, và đã đóng một vai trò giám sát và bảo đảm việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển toàn diện.”
Báo cáo công việc của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc hồi tháng Ba cho thấy sự gia tăng mạnh về hối lộ và các vụ truy tố liên quan đến tham nhũng trong năm 2021, theo bản tin của Sino Insider tại đây: 23,000 vụ (27,000 người) tham nhũng, nhận hối lộ, và vi phạm pháp luật; thu hồi 59.66 tỷ nhân dân tệ tiền và hàng hóa bị đánh cắp do tội phạm liên quan đến công vụ; 13,000 vụ thao túng thị trường, giao dịch nội gián, gây quỹ bất hợp pháp, rửa tiền và các tội phạm khác; 134,000 người bị khởi tố về các tội danh gây rối trật tự kinh tế; 43,000 người bị truy tố về tội gian lận tài chính và gây rối trật tự quản lý tài chính; 1,262 người bị truy tố về tội rửa tiền; 9,083 người bị khởi tố về tội nhận hối lộ và 2,689 người bị khởi tố về tội đưa hối lộ; 23 cựu công chức cấp tỉnh và cấp bộ đã bị truy tố, trong đó có ông Vương Phú Ngọc (Wang Fuyu) và ông Vương Lập Khoa (Wang Like).
Và sau đó, theo tờ Trung Quốc Nhật báo do nhà nước kiểm soát, hôm 17/06 trong một buổi họp nhóm của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, ông Tập đã đưa ra lời cam kết “tiếp tục với thái độ không khoan nhượng đối với tham nhũng, đồng thời nhắc lại sự cần thiết để tạo ra các biện pháp răn đe, tăng cường các ràng buộc về thể chế và xây dựng sự bảo vệ về mặt đạo đức trong giới quan chức.”
Việc ông Tập nói về các nỗ lực chống tham nhũng nên là một dấu hiệu cảnh báo tự động cho tất cả những người quan sát tình hình Trung Quốc. Tại sao lại vào thời điểm cụ thể này? Ông Tập có thể đang che giấu điều gì? Đây có phải là sự đánh lạc hướng hơn nữa của chế độ cộng sản khỏi các vấn đề nghiêm trọng?
Dưới đây là một số ví dụ về các vấn đề thực tế mà tuyên bố chống tham nhũng mới nhất của ông Tập có thể có mục tiêu làm rối:
- Việc rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng: sau nhiều năm cai trị của cộng sản và các đợt phong tỏa do COVID-19, có vẻ như ngày càng nhiều công dân bình thường mất lòng tin vào các nhà lãnh đạo của đất nước và sợ mất các khoản tiền tiết kiệm cả đời của họ.
- Chính sách “zero COVID” cưỡng bức: các đợt phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố khác đã làm gián đoạn nền kinh tế Trung Quốc và khiến những người bị nhốt trong nhà nhiều tuần phẫn nộ.
- Ngành bất động sản sụp đổ: điều này biểu hiện bằng sự phá sản của đại công ty bất động sản Evergrande và phản ứng dây chuyền liên quan của quả bom nợ này trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
- Nền kinh tế suy thoái: sự sụp đổ chung đang diễn ra của nền kinh tế Trung Quốc không còn có thể bị che giấu, như được chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang mô tả chi tiết tại đây.
Kết luận
Các chiến dịch chống tham nhũng là một đặc điểm của các chế độ cộng sản, bao gồm cả Trung Quốc cộng sản. Mục đích của các chiến dịch này nằm ở ba phương diện: loại bỏ tận gốc “tham nhũng”, dùng như một công cụ để thực hiện và mở rộng sự kiểm soát về hệ tư tưởng và chính trị, đồng thời đánh lạc hướng công chúng trong nước khỏi các vấn đề nghiêm trọng.
Trọng tâm trong 10 năm cầm quyền của ông Tập là một chiến dịch chống tham nhũng không ngừng nghỉ. Ngày nay, có rất nhiều vấn đề kinh tế và xã hội ở Trung Quốc độc tài mà hầu như tất cả đều do các chính sách của chính ĐCSTQ gây ra.
Thông báo mới nhất của ông Tập về “không khoan nhượng đối với tham nhũng” có nên được hiểu theo ý nghĩa bề mặt không? Hay đó là một tín hiệu cho các đối thủ phe chống ông Tập rằng họ nên ủng hộ nỗ lực của ông Tập cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là lãnh đạo Trung Quốc tại Đại hội Đảng tiếp theo hoặc nếu không sẽ phải đối mặt với một “cuộc đàn áp chống tham nhũng” khác? Hay ông ấy đang cố gắng làm chệch hướng sự chú ý khỏi một số vấn đề nan giải mà các chính sách thất bại của ông đã khiến cho trở nên trầm trọng hơn? Tôi đồng ý với cả ba điều trên.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stu Cvrk đã về hưu với tư cách là một thuyền trưởng sau 30 năm phụng sự trong Hải quân Hoa Kỳ ở nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau, cùng với kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm của một nhà phân tích hệ thống và nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục tự do chính thống đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho các bài bình luận chính trị của ông.