CEO mới của FTX chỉ trích Sam Bankman-Fried vì đã ‘thất bại hoàn toàn’ trong các biện pháp kiểm soát doanh nghiệp
Ông John Ray, người đã thay thế anh Sam Bankman-Fried làm CEO của nền tảng mã kim FTX, cho biết trong một hồ sơ tòa án mới rằng trong hàng thập niên kinh nghiệm giám sát một số vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay, ông chưa bao giờ chứng kiến điều gì tồi tệ như FTX, gồm cả “sự thất bại trong việc kiểm soát của công ty.”
Trong một tuyên bố có tuyên thệ được đệ trình hôm 17/11 lên Tòa án Phá sản của Hoa Kỳ tại Quận Delaware và được The Epoch Times thu thập, ông Ray, người từng dẫn dắt công ty năng lượng đầy tai tiếng Enron đi qua thủ tục phá sản, cho biết những gì ông nhìn thấy dưới vỏ bọc của FTX là “chưa từng có.”
Ông Ray viết trong tuyên bố được đệ trình để hỗ trợ cho các đơn yêu cầu phá sản theo Chương 11 của FTX: “Chưa bao giờ trong sự nghiệp của mình, tôi chứng kiến sự thất bại hoàn toàn trong việc kiểm soát doanh nghiệp và hoàn toàn không có thông tin tài chính tin cậy như đã xảy ra ở đây.”
Trích dẫn hơn 40 năm kinh nghiệm về pháp lý và tái cấu trúc, trong đó có một số thất bại lớn nhất của doanh nghiệp trong lịch sử, ông Ray đã giải thích chi tiết về việc ông nghĩ FTX đã bị quản lý tồi tệ như thế nào trước khi sụp đổ.
Ông viết: “Từ việc tính toàn vẹn của hệ thống bị xâm phạm và sự giám sát theo quy định sai lầm ở ngoại quốc, đến việc tập trung quyền kiểm soát vào tay một nhóm rất nhỏ các cá nhân thiếu kinh nghiệm, ngây ngô và có khả năng đã tha hóa, FTX là tình huống chưa từng có.”
Từng được coi là một trong những công ty lớn ổn định hơn trong ngành công nghiệp mã kim được quản lý lỏng lẻo, FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào tuần trước và ông chủ đầu tiên của nó, anh Bankman-Fried, đã từ chức.
‘Không có’ các biện pháp kiểm soát chính của công ty
Ông Ray, người được bổ nhiệm làm CEO và giám đốc tái cấu trúc của FTX, trong tuyên bố của mình đã vẽ nên một bức tranh về một mạng lưới rối rắm gồm các công ty thiếu các cơ chế giám sát căn bản, bao gồm cả việc quản lý tiền của khách hàng.
Với vai trò lãnh đạo FTX, ông Ray cho biết một trong những mục tiêu cốt lõi của ông là thực hiện các biện pháp kiểm soát và tiêu chuẩn của công ty bao gồm “kế toán, kiểm toán, quản lý tiền mặt, an ninh mạng, nguồn nhân lực, quản lý rủi ro, bảo vệ dữ liệu, và các hệ thống khác vốn đã không tồn tại, hoặc đã không tồn tại ở một mức độ phù hợp, trước khi bổ nhiệm tôi.”
Ông Ray cũng viết rằng có những “câu hỏi” về sự lãnh đạo của anh Bankman-Fried mà quy trình phá sản theo Chương 11 sẽ xem xét kỹ lưỡng.
Anh Bankman-Fried, người trước đó đã xin lỗi về vai trò của mình trong vụ sụp đổ FTX, đã không trả lời ngay đề nghị bình luận từ The Epoch Times về các tuyên bố của anh Ray.
Nhưng trong một loạt bài đăng trên Twitter, anh Bankman-Fried nói rằng “một mục tiêu” của anh ở giai đoạn này “là thực hiện đúng nghĩa vụ đối với khách hàng.”
Anh ta viết: “Tôi đang đóng góp những gì có thể để làm như vậy. Tôi đang gặp trực tiếp các cơ quan quản lý và làm việc với các nhóm để làm những gì có thể cho khách hàng. Và sau đó, các nhà đầu tư. Nhưng trước tiên, là khách hàng.”
Ban đầu, có vẻ như khoảng 100,000 chủ nợ sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của FTX, nhưng một sửa đổi đối với hồ sơ phá sản nói rằng tổng số thực sự có thể lên tới gần 1 triệu.
‘Giám sát mã kim hiệu quả hơn’
Sự sụp đổ của FTX không chỉ gây chấn động thị trường mã kim toàn cầu mà còn thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Hoa Thịnh Đốn.
“Điều quan trọng là các cơ quan giám sát tài chính của chúng ta phải xem xét nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của FTX để chúng ta có thể hiểu đầy đủ về hành vi sai trái và lạm dụng đã diễn ra,” Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio), Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị, cho biết trong một tuyên bố gần đây.
Sự bùng nổ của FTX đã khiến các nhà hoạch định chính sách đặt ngành công nghiệp mã kim dưới sự giám sát, với khả năng sẽ có sự siết chặt về quy định.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố hôm 16/11: “Sự thất bại gần đây của một sàn giao dịch mã kim lớn và tác động đáng tiếc đã gây ra cho những người nắm giữ và nhà đầu tư tài sản mã kim cho thấy sự cần thiết phải giám sát hiệu quả hơn thị trường mã kim.”
‘Họa vô đơn chí’
Sự sụp đổ của FTX bắt đầu hôm 02/11 khi CoinDesk công bố chi tiết bảng cân đối kế toán mang tính độc quyền từ Alameda Research, một công ty thương mại được thành lập bởi anh Bankman-Fried. Báo cáo này cho thấy rằng một lượng đáng kể tài sản của Alameda đã được giữ trong FTT, một mã kim gốc thuộc về FTX.
CNBC sau đó đã xuất bản một báo cáo gây chấn động cho thấy Alameda đang giao dịch hàng tỷ USD từ các tài khoản FTX mà khách hàng không hề hay biết và sử dụng FTT làm tài sản thế chấp.
Sự sụp đổ của FTX tăng tốc khi ông Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao), CEO của đối thủ chính của FTX, Binance, đăng thông báo trên Twitter đặt câu hỏi về tính ổn định của hoạt động FTX và thông báo rằng họ đang thanh lý FTT họ nắm giữ.
Một cuộc khủng hoảng thanh khoản xảy ra sau đó khi người dùng FTX đổ xô tìm lối thoát. Anh Bankman-Fried cho biết hôm 13/11, sàn giao dịch này đã trải qua khoảng 5 tỷ USD tiền bị rút, số tiền lớn nhất “với biên độ rất lớn.”
Anh nói, “Bởi vì, tất nhiên rồi, họa vô đơn chí mà.”
Anh Bankman-Fried sau đó đã chật vật để huy động tiền, thậm chí còn tiếp cận Binance để đề nghị giúp đỡ.
Ban đầu anh Bankman-Fried và anh Triệu đã công bố một thỏa thuận dự kiến rằng Binance sẽ mua các hoạt động kinh doanh của FTX bên ngoài Hoa Kỳ và do đó, trao cho FTX một cứu cánh, nhưng sau đó thì thỏa thuận này đã thất bại.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Moran
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times