CBO: Kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại, còn nợ thì đang tăng
Theo ông Phillip Swagel, Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một nền kinh tế trì trệ, tình trạng thất nghiệp gia tăng, lãi suất cao hơn, và nợ liên bang tăng nhanh, tất cả đã góp phần tạo nên một vấn đề cần phải được giải quyết.
Hôm 15/02, ông Swagel đưa ra đánh giá trên của mình khi công bố hai báo cáo, “Triển vọng Kinh tế và Ngân sách: từ năm 2023 đến năm 2033” và “Nợ Liên bang và Giới hạn nợ theo luật định, tháng 02/2023.”
Ông Swagel cho biết trong một cuộc họp báo được phát trực tiếp rằng, “Các dự đoán của chúng tôi cho thấy những thay đổi trong chính sách tài khóa phải được thực hiện để giải quyết chi phí lãi vay ngày càng tăng và giải quyết các hậu quả bất lợi khác do nợ cao và ngày càng tăng.”
Trong khi các dự đoán cho năm 2023 là đáng lo ngại, ông Swagel đã từ chối dự đoán về một cuộc suy thoái, lưu ý rằng các chỉ số kinh tế là trái chiều. Ví dụ, một số chỉ số chi tiêu đã chậm lại, mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ.
Nhìn chung, các báo cáo cho thấy một nền kinh tế trì trệ trong thời gian ngắn và nợ quốc gia đang leo thang trong một thập niên tới.
Kinh tế chậm lại, thâm hụt ngày càng tăng
Báo cáo Triển vọng Kinh tế và Ngân sách hiện tại dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến và thâm hụt chi tiêu cũng đang tăng lên.
Theo CBO, sản lượng kinh tế sẽ đình trệ trong năm 2023 khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ông Peter C. Earle, một kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, cho biết tình trạng đó dẫn đến một dự báo ảm đạm về việc làm.
Ông Earle nói với The Epoch Times: “Báo cáo của CBO dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ sẽ tăng lên 5.1% trong năm nay, tăng từ mức 3.6% hiện tại. Nếu nói chính xác, thì 2.5 triệu việc làm bị sụt giảm.”
Đồng thời, chi tiêu thâm hụt đang tăng lên vượt dự báo trước đó. Thâm hụt cho năm 2023 sẽ là 1.4 ngàn tỷ USD, nhiều hơn 400 tỷ USD so với dự đoán của CBO cách đây chín tháng.
Thâm hụt dự kiến trong 10 năm tới cũng cao hơn, với hơn 3.1 ngàn tỷ USD so với dự đoán trước đây, tăng khoảng 20%.
Thâm hụt ngân sách của quốc gia được tính toán theo hai cách: theo con số USD thực tế và theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia.
CBO dự đoán thâm hụt gia tăng theo cả hai cách đó.
CBO ước tính mức thâm hụt hàng năm đó sẽ tăng lên 2.7 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới và tăng lên 6.9% GDP.
Một tin tốt là lạm phát dự kiến sẽ giảm trong năm tới, xuống còn 4.8%. Tuy nhiên, ông Earle cho rằng, thậm chí con số đó còn cao gấp 2.5 lần so với mức lạm phát trung bình trong nhiều thập niên.
Tăng trưởng chi tiêu
Theo CBO, thâm hụt ngày càng tăng phần lớn là do luật lệ gần đây, lạm phát cao, và lãi suất tăng.
Các dự luật chi tiêu mới đây bao gồm CHIPS và Đạo luật Khoa học năm 2022, trong đó phân bổ 52 tỷ USD cho các dự án nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu tăng cường sản xuất công nghệ cao ở Hoa Kỳ.
Đạo luật Giảm Lạm Phát năm 2022 cung cấp 738 tỷ USD để giảm thâm hụt, giảm chi phí thuốc theo toa, và tăng sản xuất năng lượng sạch trong nước.
Đánh giá này không có gì ngạc nhiên đối với ông EJ Antoni, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Di Sản.
Ông nói với The Epoch Times: “Các ước tính của CBO đa phần xác nhận những gì chúng ta đã biết, cụ thể là Bộ Ngân khố sẽ không thể thanh toán tất cả các hóa đơn bắt đầu từ cuối mùa hè năm nay.”
“Điều này đã không xảy ra vì thiếu doanh thu — thu nhập từ thuế chưa bao giờ cao hơn thế, cho dù được tính theo giá trị danh nghĩa, điều chỉnh theo lạm phát, hay theo một tỷ lệ phần trăm thu nhập, hoặc theo một tỷ lệ của nền kinh tế. Vấn đề là chi tiêu quá nhiều trong thời gian quá dài.”
Nợ ngày càng tăng
Chi tiêu thâm hụt liên tục đã nhanh chóng làm tăng nợ quốc gia.
Mức trần nợ là số nợ tối đa mà Quốc hội đã cho phép chính phủ duy trì tại bất kỳ thời điểm nào.
Mức trần nợ hiện tại là 31.4 triệu USD, con số mà lẽ ra đã bị chạm tới vào tháng Một nếu Bộ Ngân khố Hoa Kỳ không áp dụng “các biện pháp đặc biệt.” Hiện tại CBO dự đoán rằng những biện pháp đặc biệt đó sẽ giúp chính phủ hoạt động mà không cần vay tiền cho đến khoảng giữa tháng Bảy và tháng Chín.
Việc xác định thời gian là không chắc chắn vì một số doanh thu và khoản thanh toán có thể khác so với dự kiến. Ví dụ: doanh thu thuế tháng Tư có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với ước tính trước đó.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và Tổng thống Joe Biden đang đàm phán về việc nâng mức trần nợ. Ông McCarthy đã nói rằng bất kỳ sự gia tăng nào cũng sẽ phải đi kèm với một thỏa thuận cắt giảm cái mà ông gọi là “chi tiêu quá mức” trong tương lai.
Ông Biden thì nói rằng ông sẽ không đồng ý với các điều kiện tiên quyết để tăng mức trần nợ, mà theo ông, là yếu tố thể hiện lòng tin và sự tín nhiệm toàn diện của Hoa Kỳ.
Nếu không đạt được thỏa thuận nào trước khi các biện pháp đặc biệt được sử dụng hết, chính phủ sẽ phải trì hoãn việc thanh toán ít nhất một số nghĩa vụ của mình.
Một số khoản thanh toán có thể bị ảnh hưởng là trợ cấp An sinh Xã hội, với tổng cộng khoảng 100 tỷ USD mỗi tháng, và các chương trình sức khỏe Medicare Advantage và chương trình thuốc theo toa Medicare Phần D, tổng cộng 40 tỷ USD mỗi tháng.
Đảng Cộng Hòa đã nói rằng họ sẽ không chạm đến các khoản trợ cấp của Medicare hoặc An sinh Xã hội trong các cuộc đàm phán về mức trần nợ. Tuy nhiên, những người khác thấy không có cách nào để giải quyết thâm hụt chi tiêu mà không phải giải quyết các chương trình đó, vốn chiếm khoảng 30% ngân sách quốc gia.
Ông Earle nói: “Hai trong số những động lực lớn nhất làm tăng chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ cũng là hai vấn đề nguy hiểm nhất đối với các chính trị gia khi thảo luận: An sinh Xã hội và Medicare.”
“Sẽ đến lúc — nếu không phải bây giờ, thì sẽ sớm thôi — khi các quan chức chính phủ không còn có thể trì hoãn vấn đề đến tương lai nữa.”
Ông Swagel cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề thâm hụt chi tiêu này.
Đề cập đến CBO, ông nói: “Chúng tôi sẽ không nói với Quốc hội hãy làm điều này hay làm điều kia. Chúng tôi chỉ cung cấp phân tích.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times