Căn cứ gián điệp của ĐCSTQ ở Cuba
Căn cứ gián điệp của Trung Quốc ở Cuba có thể vi phạm Học thuyết Monroe.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner (Dân chủ-Virginia) và Phó Chủ tịch Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã viết trong một tuyên bố gần đây liên quan đến cơ sở gián điệp của Trung Quốc sẽ được xây dựng tại Cuba: “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước các bản tin cho thấy chính phủ Havana và bắc Kinh đang bắt tay với nhau để nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ và người dân của chúng ta.”
Cuba, một quốc gia nằm cách bờ biển Hoa Kỳ chỉ 90 dặm (~145km), đã cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ gián điệp quân sự, nơi sẽ giúp Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) theo dõi thông tin liên lạc cũng như các hoạt động quân sự và hàng hải của Hoa Kỳ. Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Carlos Fernandez de Cossio đã bác bỏ tuyên bố rằng một căn cứ của Trung Quốc đang được xây dựng ở nước này, tuyên bố các cáo buộc đó chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ tiến hành lệnh cấm vận Cuba. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận mọi thông tin về tình hình này.
Sau một thời gian ngắn, trong giai đoạn đầu của chính phủ Tổng thống (TT) Obama, khi có vẻ như mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba sắp được cải thiện, thì mọi thứ lại trở nên tồi tệ hơn. Năm 2016, khoảng 200 nhà ngoại giao và quan chức tình báo Hoa Kỳ đã đổ bệnh do “Hội chứng Havana,” được cho là do các vũ khí siêu âm và vi sóng. Mối bang giao này trở nên tồi tệ dưới thời chính phủ TT Trump, vốn đã chỉ định Havana là nhà nước tài trợ khủng bố.
Mối bang giao với Trung Quốc cũng không khả quan. Văn phòng Đánh giá Mối đe dọa Thường niên của Giám đốc Tình báo Quốc gia đã công nhận Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố gắng bành trướng lợi ích của mình ra ngoài biên giới Trung Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân đã xây dựng các căn cứ ở Djibouti và Campuchia, và cũng bị nghi ngờ đã xây dựng căn cứ ở Miến Điện (còn gọi là Myanmar) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Bắc Kinh đã tài trợ cho các bến cảng neo đậu các container và thu mua các hoạt động khai thác lithium ở Mỹ Latinh.
Ngoài ra, Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, là một nhánh của Mạng lưới Không gian Sâu Trung Quốc, đã thành lập một trạm giám sát không gian tại Argentina, gần Eo biển Magellan. Tướng Laura Richardson, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ, gọi các cuộc xâm nhập của ĐCSTQ ở Mỹ Latinh là một “cuộc hành quân không ngừng nghỉ” và một nỗ lực nhằm thay thế Hoa Kỳ. Một căn cứ của ĐCSTQ ở Cuba sẽ là bước tiếp theo để thiết lập sự thống trị của ĐCSTQ ở châu Mỹ.
Xung đột lợi ích giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ dường như đang diễn ra thường xuyên hơn. Đầu năm nay, một số khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc đã lơ lửng trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Vào tháng Ba, Bắc Kinh đã cáo buộc một tàu Hoa Kỳ xâm phạm vùng biển của Trung Quốc trong vùng lãnh thổ tranh chấp. Vài tuần sau đó, FBI đột kích vào một đồn công an bí mật của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, trong khi các bản tin cho thấy có một số đồn (công an) khác cũng đang hoạt động. Trong tháng này, trong khi thực hiện các thao tác thiếu an toàn, một tàu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân đã suýt va chạm với một tàu hải quân Hoa Kỳ gần Đài Loan. Đồng thời, Hoa Kỳ đang gia tăng hợp tác quốc phòng trong khu vực này, mở bốn căn cứ mới ở Philippines. ĐCSTQ cũng đang nỗ lực tìm kiếm đồng minh, gửi một tàu huấn luyện Thích Kế Quang (Qi Juquang) đến Việt Nam.
Hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng nhận ra mối đe dọa đến từ ĐCSTQ. Tại hội nghị thượng đỉnh G-7 hồi tháng Năm, một chủ đề thảo luận trọng tâm là “giảm thiểu rủi ro,” nghĩa là các thành viên của nhóm đã nhận ra sự nguy hiểm nếu tiếp tục phụ thuộc kinh tế vào thương mại Trung Quốc. Các đồng minh của Hoa Kỳ phần lớn đã đồng thuận tuân thủ lệnh cấm bán vi mạch bán dẫn vi xử lý tân tiến cho Trung Quốc.
Giờ đây, Trung Quốc đang trả đũa bằng cách loại trừ một số công ty Hoa Kỳ ra khỏi thị trường của họ, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban đặc biệt Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thúc giục Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khuyến nghị Nhật Bản, Nam Hàn, và các đồng minh khác của Hoa Kỳ không cố gắng kiếm lợi từ các hạn chế do ĐCSTQ áp đặt.
Trong khi quan hệ thương mại giữa các đồng minh của Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một xấu đi và căng thẳng leo thang ở Biển Đông, thì có vẻ như một căn cứ của ĐCSTQ ở Cuba sẽ vi phạm Học thuyết Monroe. Theo Học thuyết Monroe năm 1823, các cường quốc Âu Châu — sau này được hiểu là tất cả các cường quốc ở ngoại quốc — bị cấm can thiệp vào công việc của Tây Bán cầu. Tổng thống Theodore Roosevelt giải thích học thuyết này là cho phép Hoa Kỳ đóng vai trò “quyền hạn cảnh sát quốc tế” để ngăn chặn và loại bỏ “những hành động sai trái lặp đi lặp lại,” ông nói rõ như vậy trong Hệ luận Roosevelt.
Năm 1962, học thuyết này đã bị thách thức khi Liên Xô được cho là đang chế tạo vũ khí và khai triển hỏa tiễn hạt nhân ở Cuba. Hai siêu cường này đã tiến gần đến chiến tranh hạt nhân. Cuối cùng, Liên Xô lùi bước. Sáu mươi năm sau, có vẻ như giờ đây, một kịch bản tương tự lại diễn ra, nhưng kẻ thù lần này là ĐCSTQ.
Hôm 09/06, phản ứng trước các tin tức về căn cứ gián điệp, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ TT Biden thực hiện các bước để ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh cũng như chủ quyền quốc gia của chúng ta.” Mặc dù Tòa Bạch Ốc đã xác nhận rằng Trung Quốc có đặt một số loại cơ sở gián điệp ở Cuba kể từ năm 2019, nhưng chính phủ TT Biden vẫn chưa giải thích họ dự định thực hiện hành động gì trước sự bành trướng mới nhất của ĐCSTQ sang châu Mỹ.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times