Cấm vận dầu đối với Nga không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào ngoại trừ Ấn Độ
Nga có một quân át chủ bài để né tránh các lệnh trừng phạt dầu mỏ do các quốc gia phương Tây áp đặt: Ấn Độ.
Hầu hết các quốc gia phương Tây đã cấm nhập cảng trực tiếp dầu thô của Nga. Nhưng thiệt hại của hai bên (cả Nga và các quốc gia phương Tây) đã trở thành lợi ích của Ấn Độ.
Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ. Và với việc mở rộng cơ sở hạ tầng lọc dầu của Ấn Độ, quốc gia này sẵn sàng trở thành một nhà sản xuất lớn trong xuất cảng xăng và dầu diesel.
Đây là kẽ hở: không có các biện pháp trừng phạt nào đối với xăng và dầu diesel được tinh chế bằng dầu thô của Nga. Và ngay cả có đi chăng nữa, thì các nguồn dầu thô rất khó để theo dõi được — một khi dầu thô đi vào một quốc gia, thì nó thực sự trở nên có thể thay thế được.
Đại sứ Nga tại Ấn Độ, ông Denis Alipov, tự hào tuyên bố với các phóng viên hồi cuối tháng Một rằng nước này đã trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Ấn Độ. Trong tháng Một, Ấn Độ đã tăng nhập cảng dầu thô của Nga lên 1.7 triệu thùng mỗi ngày (bpd), tăng từ 1.2 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2022. Đó là một sự thay đổi đáng kể so với trước đó trong năm 2022 — trước khi Nga xâm lược Ukraine — khi dầu của Nga chiếm ít hơn hơn 1% lượng nhập cảng của Ấn Độ. Trong tháng 12/2021, Ấn Độ chỉ nhập cảng khoảng 36,000 thùng/ngày từ Nga.
Ấn Độ, với tư cách là một bên trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine, đang ở một vị trí thuận lợi mang tính chiến lược để vừa giải quyết nhu cầu năng lượng của chính họ vừa giành được thị phần với tư cách là một nhà cung cấp sản phẩm tinh chế.
Là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, Ấn Độ cần nhập cảng 85% lượng dầu của mình. Trước đây, phần lớn trong số đó là do Tây Phi, Hoa Kỳ, và Trung Đông cung cấp. Nhưng do lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, nên giá dầu Phi Châu và Trung Đông đã tăng vọt khi những người mua Âu Châu tăng giá do họ không thể mua dầu thô của Nga.
Đây là chỗ mà Ấn Độ — và Trung Quốc — bước vào với tư cách là một người mua cuối cùng đối với dầu thô của Nga, với các mức giá chiết khấu. Theo Telegraph India, mức chiết khấu trung bình cho mỗi thùng dầu là 10 USD cho Ấn Độ.
Theo S&P Global Commodity Insights, Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa nhà cung cấp dầu thô của mình bằng cách nhập cảng cả dầu của Nga và Hoa Kỳ trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những xáo trộn nguồn cung trong tương lai.
Họ làm gì với tất cả chỗ dầu này? Các đại công ty năng lượng và công nghiệp của Ấn Độ là Reliance Energy và Nayara Energy đã mở rộng công suất lọc dầu của họ, và Ấn Độ đột nhiên trở thành một nhà sản xuất lớn trên toàn cầu về sản phẩm dầu tinh chế. Những đại công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước như Bharat Oil và Hindustan Oil cũng đã tham gia vào lĩnh vực lọc dầu.
Hoa Kỳ đã từng mua cái gọi là sản phẩm dầu tinh chế VGO từ Nga. Giờ đây Hoa Kỳ mua khoảng 200,000 thùng thành phẩm các loại/ngày, chẳng hạn như VGO, từ Ấn Độ. Châu Âu cũng là một khách hàng lớn.
VGO là dầu nhờn, là loại dầu nặng còn sót lại từ quá trình chưng cất dầu mỏ. Đây là một sản phẩm tinh chế dễ vận chuyển và có thể được tinh chế nhanh chóng để trở thành nhiên liệu diesel hoặc xăng.
Tiểu bang New York cũng đã trở thành một nhà nhập cảng lớn các sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ. Bloomberg đưa tin hôm 31/01 cho biết New York đã nhập cảng 89,000 thùng/ngày khí đốt và dầu diesel từ Ấn Độ, tương đương khoảng 40% nhu cầu nhiên liệu dầu cho khu vực này. Phần lớn khí đốt và dầu diesel đó được tinh chế từ dầu thô của Nga.
Với giá dầu quá cao, Hoa Kỳ không đủ khả năng để lựa chọn. Các kho dự trữ khí đốt và dầu diesel dọc theo Bờ Đông Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, khiến người dân ở vùng bờ biển phía Đông dễ bị tổn thương khi có thay đổi đột ngột về nguồn cung và giá cả.
Tất cả những điều này là một sự giễu cợt dành cho những hạn chế dự kiến của Hoa Kỳ và các quốc gia G7 đối với dầu mỏ của Nga, chẳng hạn như các mức giá trần và các lệnh cấm vận nhập cảng. Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt là không hiệu quả và lãng phí thời gian cũng như nguồn lực. Những biện pháp đó đã và sẽ luôn không khác gì những luận điểm chính trị.
Và với hầu hết thế giới đang nhìn chằm chằm vào một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, thì các chính phủ sẽ thật liều lĩnh và vô trách nhiệm nếu tiếp tục chính sách này. Các cư dân ở phương Tây đã đang gặp khó khăn với lạm phát cao, và việc buộc họ phải tiếp tục trả giá cao cho dầu và khí đốt là một sai lầm chính trị.
Ông Paul Sankey, chủ tịch Sankey Research, cho biết trong một phân đoạn của chương trình “Street Signs Asia” của đài CNBC hôm 02/02 rằng các lệnh cấm vận Nga là “do các quan chức có bằng cấp về tài chính phát minh. Không ai trong số họ thực sự hiểu về các thị trường dầu mỏ.”
Ông Sankey nói thêm rằng, “Các lệnh cấm vận này đã thất bại hoàn toàn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times