Cảm nhận của hai giáo viên sau khi đọc bài viết ‘Vì sao có nhân loại’: Cuộc sống này là một khảo nghiệm
Bà Mary Rose Martin, một giáo viên tiểu học, nhận thấy rằng cuộc sống này giống như một cuộc khảo nghiệm, và bà cũng rất đồng tình với quan điểm cho rằng quay trở về Thiên quốc mới là mục đích của sinh mệnh. Sau khi đọc bài viết “Vì sao có nhân loại” mà nhà sáng lập Pháp Luân Công, Đại sư Lý Hồng Chí, công bố trên The Epoch Times hồi tháng trước, bà đã viết cho chúng tôi rằng: “Sống theo cách mà ông [Lý] khuyên bảo chắc chắn sẽ mang lại một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt trên thế gian này.”
Theo quan điểm của bà, sinh mệnh của một người giống như “một dòng chảy dài vô tận.” “Thời điểm hiện tại chỉ là một giai đoạn rất nhỏ và rất ngắn trong dòng chảy ấy. Vì vậy, những gì chúng ta làm ở đây sẽ chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định nơi mà chúng ta sẽ đến, từ đây đến hết phần còn lại của dòng chảy đó,” bà nói với The Epoch Times.
“Đây là một cuộc khảo nghiệm, và cách chúng ta sống cuộc đời của mình trong cuộc khảo nghiệm này sẽ quyết định điều gì xảy đến với chúng ta ở bước tiếp theo,” bà nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng ông Lý đã đề cập trong bài viết của mình về các cảnh giới khác nhau hoặc mức độ thù thắng khác nhau của một sinh mệnh. Tất cả những khái niệm này cũng có điểm tương đồng với đức tin của bà, chỉ là cách dùng từ hoặc cách lý giải không giống nhau.
“Tôi không nghĩ mình muốn sống trong một thế giới không có nền tảng đạo đức,” bà nói. Đối với bà, một nền tảng đạo đức là những gì mà các niềm tin tín ngưỡng mang lại cho con người. “Khi tin vào bất kỳ đấng quyền năng nào cao hơn, thì chúng ta đang trở thành một người tốt hơn.” Vì vậy, bà cho biết bà rất cảm kích bất cứ ai có tâm cầu đạo.
Năm 1992, ông Lý đã phổ truyền môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, cho công chúng Trung Quốc. Trước khi cuộc đàn áp bắt đầu ở Trung Quốc vào tháng 07/1999, số người theo học môn này đã lên tới hơn 70 triệu người, và chính quyền cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi Pháp Luân Công vì các lợi ích chữa bệnh và rèn luyện thân thể mà môn tu luyện này mang lại.
‘Trạng thái tinh thần’ quyết định kết quả
Ở tuổi 73 và hiện đang sống gần Sacramento ở California, bà cho biết bà đã trải qua nhiều khó khăn trong suốt cuộc đời, bắt đầu từ việc mất cha vào năm 11 tuổi. Gia cảnh khó khăn, và cuộc sống vào những năm 1950 đối với một góa phụ — mẹ của bà — là rất khác so với ngày nay.
Bà Martin đã phải học cách chấp nhận và thấu hiểu sự ra đi của thân phụ và quá trình dưỡng dục khó khăn ấy, “Những điều này phải có một ý nghĩa nào đó.” Và cuối cùng bà đã tìm ra được ý nghĩa đó khi gia nhập giáo hội Mormon ở tuổi 17. “Một trong những yếu tố là thực tế rằng tôi thực sự tin tưởng và cảm nhận trong tâm rằng đúng là chúng ta sẽ có một cuộc đời khác sau kiếp sống này,” bà nói, và cho biết thêm rằng bà biết bà sẽ gặp lại cha mình.
“Tôi nhận ra rằng khi tôi hạnh phúc và cố gắng nhìn thấy điều tốt đẹp trong bất cứ điều gì và trong mọi hoàn cảnh, thì những điều [thống khổ] đó không còn quá quan trọng.” Bà nói về cách suy nghĩ khác nhau sẽ mang lại kết quả khác nhau như thế nào. “Bởi vì đây là vấn đề về trạng thái tinh thần; đây là vấn đề về thái độ [trước mỗi sự việc trong đời]. Cách mà chúng ta suy nghĩ một vấn đề là rất quan trọng, bởi vì chúng ta sẽ trở thành những gì mà chúng ta diễn hóa ra trong tư tưởng.”
Trong bài viết của ông Lý, ông viết rằng sự giàu có của một người trong đời này là kết quả của những phúc đức tích lũy được bằng cách làm điều tốt. Mặc dù không tin vào luân hồi, nhưng bà Martin đồng ý với nguyên lý này, “Tôi không nghĩ rằng tất cả chúng ta đều giống nhau và có những hoàn cảnh giống nhau.” Đối với bà, việc không sở hữu nhiều của cải có thể là một thử thách đối với người này, và sự giàu có lại có thể là một thử thách đối với người khác. Việc một người giàu xem thường những người không giàu hoặc một người nghèo thèm khát sự giàu có, là một điều không tốt. Theo quan điểm của bà, điều quan trọng là thái độ của một người đối với sự giàu có, chứ không phải là bản thân tình trạng kinh tế đó.
‘Có một Sáng Thế Chủ’
Ông Lý nhắc đến “Sáng Thế Chủ” nhiều lần trong bài viết của mình.
“Tôi biết rằng có một Sáng Thế Chủ,” bà Laura Seifert, một giáo viên dương cầm về hưu hiện đang sống ở Florida, nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng bà đã nghiên cứu về giải phẫu học ở trường đại học. “Một khi quý vị nhìn thấy những gì bên trong thân thể con người, thì điều đó không thể tự nhiên xảy ra. Phải có một Sáng Thế Chủ.”
Bà cho biết bà đã nghĩ đến Sáng Thế Chủ ngay trước khi xem bài viết “Vì sao có nhân loại” của ông Lý. Bà theo học một trường y tá nhưng cuối cùng lại đến với âm nhạc sau khi có cơ hội được chơi đàn organ để đệm xướng cho dàn đồng ca của các y tá. Ngoài việc dạy dương cầm, bà còn làm trưởng dàn hợp xướng và là nghệ sĩ chơi đàn organ trong một giáo hội Kitô giáo theo Giáo Hữu Hội (hay Quaker).
Đối với bà, các sứ giả khác của Thần có thể được cử xuống Trái Đất này cho các dân tộc khác. Do đó, các tôn giáo khác có thể có những tên gọi khác nhau dành cho Đức Chúa Trời. “Tôi nghĩ về Đức Phật, vị Thần đã dạy tất cả những điều tuyệt vời, tốt đẹp này và dạy con người ta cách trở thành người tốt trong cuộc sống,” bà cho biết thêm.
Là một thành viên của giáo hội Mormon, bà Martin cho biết bà đã chú ý đến “những điểm tương đồng hơn là sự khác biệt” giữa những lời giảng thuyết của ông Lý và tín ngưỡng của bà. “Có những người khác cũng có niềm tin, và có thể là không hoàn toàn giống với niềm tin của tôi, nhưng đó là một hệ thống niềm tin mà, nếu được tất cả mọi người thực hành, thì sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.”
Bà Seifert đã nhận thấy có một số lời chỉ trích về bài viết: “Một số bình luận tiêu cực có vẻ như là từ ‘các tín đồ Cơ Đốc’, những người xây nên những bức tường xung quanh tôn giáo của họ. Vì vậy, khi những lời giảng của ông Lý không phù hợp với nhận thức của họ về những gì Chúa Jesus nói, thì họ đã chỉ trích bài viết này.”
“Điều đó thật tệ,” bà cho biết thêm. “Nhưng có lẽ một số người đã được mở mang tầm mắt khi đọc [bài viết]. Đó là hy vọng của tôi; hy vọng rằng một số người sẽ suy nghĩ lại.”
Xã hội cần một nền tảng đạo đức
Bà Seifert biết đến Pháp Luân Công hơn một năm trước và từng dự hai hội thảo trực tuyến về môn tu luyện này. “[Bài viết] này quả là tuyệt diệu. Cảm ơn quý báo rất nhiều vì đã công bố bài viết này. Tôi rất quan tâm đến việc tu luyện Pháp Luân Công; tôi chỉ không có thời gian để đọc tất cả bài giảng và cố gắng tìm một nhóm gần nơi tôi sống. Tôi rất kính trọng Ngài Lý Hồng Chí,” bà viết cho The Epoch Times sau khi đọc bài.
Khi được hỏi làm thế nào bà sàng lọc thông tin trái chiều trên mạng và hình thành một quan điểm ủng hộ Pháp Luân Công như vậy, bà nói: “Tôi nghĩ ông ấy [Đại sư Lý Hồng Chí] đúng.”
“Tôi tin những gì ông ấy nói về việc trở thành một người tốt và sống tốt. Điều đó rất quan trọng.” Bà nhớ lại ba nguyên lý của môn tu luyện này — chân, thiện, nhẫn — và nói đùa rằng, “Nhẫn: đó là điều mà tôi còn phải cố gắng thực hành rất nhiều.”
“Tôi nghĩ những gì xảy ra với người dân Trung Quốc thật tàn bạo. Theo những gì tôi thu thập được thì cuộc đàn áp đó vẫn đang diễn ra,” bà Seifert nói thêm, đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bà Martin cũng biết về cuộc bức hại này: “Ông ấy [Đại sư Lý Hồng Chí] đang đề cao lòng tốt và sự tử tế; tại sao làm như thế lại là một mối đe dọa?” “Làm sao ông ấy sống sót được ở Trung Quốc khi chính quyền đó đang cố diệt trừ những gì ông đang cố gắng thực hiện?” bà hỏi, đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm vì ông Lý vẫn còn sống và cư ngụ ở Hoa Kỳ.
Bà Seifert cho biết bà nghĩ ông Lý đã đúng khi chỉ ra rằng thế giới đang bước vào giai đoạn “diệt.” Bà lo ngại rằng con người ngày nay đã trở nên thực sự “vô thần.” “Họ thật tà ác. Họ đang làm những điều khủng khiếp với người khác. Đó không còn là thế giới mà tôi nghĩ mình đã từng sống.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times