Các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ chỉ trích chính sách ‘ngoại giao con tin’ của Bắc Kinh
Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích sự thành công của Trung Cộng trong nỗ lực “ngoại giao con tin” sau khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu được thả hôm 24/09.
Bà Mạnh, đã bị giam giữ tại gia ở Vancouver, British Columbia từ cuối năm 2018 trong khi chống lại việc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, đã ký một thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ hôm 24/09 cho phép bà trở về Trung Quốc. Đêm đó, Trung Cộng đã trả tự do cho hai người Canada đã bị giam giữ ở nước này trong gần ba năm.
[Hai] người Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor lần đầu tiên bị chính quyền này giam giữ không lâu sau khi bà Mạnh bị bắt, khiến các nhà quan sát mô tả họ là những nạn nhân của trò chơi mạo hiểm “ngoại giao con tin.”
Các quan chức trên khắp thế giới đã hoan nghênh việc trả tự do cho những công dân Canada này, vốn được biết đến rộng rãi với cái tên “hai ông Michael,” nhưng một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã chú ý đến những hành động của Bắc Kinh.
“Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng việc giải quyết tình trạng con tin này là một thắng lợi cho một trong những chế độ tàn bạo và độc ác nhất thế giới,” Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa tại Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, nói trong một tuyên bố hôm 25/09.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được khuyến khích sử dụng công dân ngoại quốc khác làm con bài thương lượng, bởi vì bây giờ họ biết rằng bắt con tin là một cách thành công để đạt được những gì họ muốn.”
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm 27/09 đã bác bỏ những lời khẳng định rằng việc thả bà Mạnh và phóng thích hai người Canada là có liên quan với nhau.
Bà Psaki nói trong một cuộc họp báo thường kỳ, “Tôi nghĩ điều quan trọng cần phải lưu ý và phải rất rõ ràng về điều này, là không có mối liên quan nào cả. Chúng ta có một Bộ Tư pháp độc lập. Chúng ta không thể quyết định cách người Trung Quốc hoặc những người khác quản lý hoạt động kinh doanh của họ ở đó như thế nào. Nó hơi khác một chút.”
“Nhưng chúng ta có một Bộ Tư pháp độc lập đưa ra các quyết định độc lập — các quyết định thực thi pháp luật. Đồng thời, chúng tôi cũng không giữ bí mật về việc chúng tôi nỗ lực thúc đẩy để trả tự do cho ‘hai ông Michaels’. Đó chắc chắn là tin tích cực và tin tốt,” bà nói thêm.
Tuy nhiên, Đảng Cộng Hòa cho biết thỏa thuận này khiến cam kết đương đầu với Trung Cộng của chính phủ ông Biden bị nghi ngờ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) nói với Reuters: “Việc thả bà Mạnh đặt ra câu hỏi nghiêm túc về khả năng và sự sẵn sàng của Tổng thống Biden để đương đầu với mối đe dọa do Huawei và Trung Cộng gây ra. “Đây chỉ là một ví dụ nữa về cách tiếp cận mềm mỏng nguy hiểm của chính phủ ông Biden đối với Bắc Kinh.”
Bà Mạnh đã đạt được một thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, theo đó bà thừa nhận đã che giấu các hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran trong quá trình làm việc với một ngân hàng, khiến tổ chức này vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee) cũng đã chỉ trích thỏa thuận này chẳng khác nào “việc đầu hàng” Trung Cộng.
Ông Hagerty nói với Reuters: “Tôi rất lo ngại rằng điều này sẽ xuất hiện, đó là chính phủ ông Biden có thể nhân nhượng nhiều hơn, đầu hàng nhiều hơn. Huawei là một công ty săn mồi hung hãn. Công ty này được Trung Cộng hậu thuẫn. Ngày hôm nay chúng ta đã từ bỏ đối trọng [của mình].”
Sau khi bà Mạnh bị bắt tại phi trường quốc tế Vancouver vào ngày 01/12/2018, nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa Canada sẽ phải gánh chịu “những hậu quả nghiêm trọng” nếu không thả bà. Ngay sau khi bà bị giam giữ, Bắc Kinh đã bắt ông Kovrig và ông Spavor, tuyên bố rằng họ đã tham gia vào hoạt động gián điệp.
Ban đầu, cả hai đã bị biệt giam, với ánh đèn chiếu sáng trong phòng giam của họ cả ngày lẫn đêm. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, vốn được các tổ chức nhân quyền công nhận là một phương pháp tra tấn.
Hồi tháng Tám, một tòa án Trung Quốc đã kết án ông Spavor 11 năm tù giam. Ông Kovrig bị xét xử hồi tháng Ba nhưng không bị kết án.
Vài giờ sau khi Canada thông báo thả bà Mạnh, nhà cầm quyền này đã lặng lẽ trả tự do cho ông Kovrig và ông Spavor mà không đưa ra lời giải thích nào. Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố hôm 27/09 rằng những người đàn ông này được tại ngoại vì lý do sức khỏe.
Mặc dù nhà cầm quyền vẫn khẳng định việc giam giữ hai người này không liên quan gì đến bà Mạnh, nhưng việc họ được trả tự do ngay sau khi vị giám đốc điều hành Huawei này được thả, gần như đã xác nhận với nhiều người rằng những người Canada này đã bị bắt làm con tin.
Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc Đường Cảnh Nguyên (Tang Jingyuan) đã nói với The Epoch Times: “Trung Cộng hiện đang không cố gắng che đậy [chính sách] ngoại giao con tin.”
Chào đón như anh hùng
Việc bà Mạnh đến Thâm Quyến, Trung Quốc hôm 25/09 đã được Trung Cộng phô trương một cách rầm rộ.
Con gái của người sáng lập Huawei đã được đón tiếp nồng nhiệt: Các phương tiện truyền thông lớn đã theo dõi hành trình bay của bà trong nhiều giờ; các tòa nhà và các phi trường trong thành phố này được thắp sáng với các khẩu hiệu chào mừng; và thảm đỏ đã được trải ra tại phi trường, nơi các quan chức cao cấp của tỉnh và thành phố đã chờ đợi sự xuất hiện của bà.
Đáp lại, bà Mạnh đã ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một bài diễn văn trên đường băng.
Trên chuyến bay trở về Trung Quốc, người phụ nữ 49 tuổi này, trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội WeChat, đã ngợi ca Trung Cộng, nói rằng Đảng này đã khiến cho Trung Quốc “hùng mạnh hơn và thịnh vượng hơn.” Bà nói rằng bà đã không thể bảo đảm được cho tự do của mình nếu không có sự hỗ trợ của đất nước.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc miêu tả sự trở lại của bà Mạnh là một dấu hiệu của “thắng lợi” mà chế độ cộng sản này đạt được. Cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, tờ Nhân dân Nhật báo, đã tung hô sức mạnh của nhà cầm quyền này và tuyên bố rằng “không có thế lực nào có thể ngăn cản những bước tiến của Trung Quốc.” Tin tức về hai người Canada nói trên rõ ràng là đã thiếu vắng trong các bản tin như vậy.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã mô tả sự trở về của bà Mạnh là “chiến thắng lớn” của Bắc Kinh. Tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài bình luận, “Không lực lượng nào ngăn cản nổi sự tiến bộ của Trung Quốc.” Thời báo Hoàn Cầu do Trung Cộng kiểm soát đã tuyên bố trong một bài xã luận khác rằng sự trở về của bà Mạnh chính là “sự nhượng bộ” của chính phủ ông Biden, cho thấy rằng Hoa Thịnh Đốn “không thể kiềm chế một cách toàn diện” chế độ cộng sản này.
Các bức ảnh và video cho thấy đám đông người chờ đợi ở phi trường đã áp đảo các nền tảng truyền thông xã hội của nước này, thứ mà các nhà phê bình cho rằng là những cảnh tượng do nhà cầm quyền này dựng lên để thúc đẩy lòng ái quốc.
Bà Mạnh mặc một chiếc váy đỏ thể hiện lòng ái quốc trong khi đọc diễn văn tại phi trường, và nói rằng bà rất xúc động trước sự quan tâm của ông Tập đối với trường hợp của mình. Bà ta liên tục gọi mình là một “công dân bình thường,” bất chấp sự tiếp đón hoành tráng khác thường.
Bà Mạnh là con gái lớn của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, người đã phục vụ trong quân đội Trung Quốc chín năm trước khi thành lập công ty này. Mối liên hệ chặt chẽ của công ty viễn thông này với quân đội và chính quyền Trung Cộng đã dẫn đến việc Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc và Nhật Bản áp đặt các lệnh cấm đối với các thiết bị của họ vì các rủi ro an ninh.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: