Các nhân viên chính phủ kiện Tổng thống Biden, Bộ trưởng Ngân khố Yellen để gây áp lực bỏ qua mức trần nợ
Một nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 75,000 nhân viên chính phủ đã khởi kiện Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen để yêu cầu chính phủ bỏ qua mức trần nợ, viện dẫn lý do giới hạn vay này là vi hiến.
Hiệp hội Nhân viên Chính phủ Quốc gia (NAGE), đã đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang ở Boston hôm thứ Hai (08/05), lập luận rằng luật giới hạn nợ được thông qua hơn một thế kỷ trước đi ngược lại nguyên tắc phân chia quyền lực trong Hiến Pháp bằng cách buộc tổng thống cắt giảm việc chi tiêu vốn đã được Quốc hội chấp thuận để ngăn chặn một vụ vỡ nợ.
Tu chính án thứ 14, trong đó có đoạn nói rằng “tính hợp lệ” của khoản nợ công của Hoa Kỳ “sẽ không bị thách thức,” đã được giải thích có nghĩa là tổng thống phải tìm được quỹ để chi trả cho các khoản nợ quốc gia đã phát sinh. Đơn kiện này lập luận rằng luật giới hạn nợ làm suy yếu nghĩa vụ của tổng thống trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ của quốc gia theo quy định trong Tu chính án thứ 14, do đó vi phạm Hiến Pháp.
Nghiệp đoàn này muốn luật giới hạn nợ tạm thời bị đóng băng trong khi vụ kiện được các tòa án thụ lý, một tình huống mà sẽ cho phép Bộ Ngân khố phát hành chứng khoán chính phủ mới và sử dụng tiền đó để giải quyết các khoản nợ hiện có.
Hiện tại, giới hạn nợ là 31.4 ngàn tỷ USD. Giới hạn này đã đạt được vào tháng Một, buộc Bộ Ngân khố phải viện đến “các biện pháp đặc biệt” để tiếp tục thanh toán các nghĩa vụ tài chính và tránh một vụ vỡ nợ, tuy nhiên không gian để tiếp tục thực hiện các hành động đặc biệt này đang dần thu hẹp.
Bà Yellen đã cảnh báo rằng cái gọi là ngày X, khi chính phủ không thể vay nợ nữa và phải dựa vào doanh thu để thanh toán các nghĩa vụ của mình, có thể đến sớm vào ngày 01/06 trừ phi Quốc hội đồng ý nâng mức trần nợ.
Vụ kiện này tuyên bố rằng một khi đến ngày X, bà Yellen sẽ phải lựa chọn nghĩa vụ liên bang nào sẽ được chi trả bằng các khoản thu thuế sắp tới. Một số nhà phân tích đã lập luận rằng chính phủ có thể ưu tiên thanh toán công khố phiếu Hoa Kỳ, từ lâu được xem như là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất trên toàn cầu và là tài sản dự trữ quan trọng mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới hiện đang nắm giữ.
Tuy nhiên, vụ kiện lập luận rằng Hiến Pháp trao quyền chi tiêu cho Quốc hội và vì vậy ông Biden và bà Yellen không có quyền quyết định những khoản thanh toán nào sẽ được thực hiện sau khi hết phạm vi tiếp tục sử dụng các biện pháp kế toán bất thường.
Khoảng 75,000 nhân viên do nghiệp đoàn này đại diện sẽ bị mất lương hoặc bị sa thải nếu mức trần nợ không được nâng lên và Bộ Ngân khố thực hiện ưu tiên thanh toán nợ từ doanh thu thuế sắp tới.
Vụ kiện nêu rõ, “Không có gì trong Hiến Pháp hoặc bất kỳ quyết định tư pháp nào diễn giải Hiến Pháp là cho phép Quốc hội để Tổng thống toàn quyền thực thi quyền chi tiêu được trao cho nhánh lập pháp bằng cách hủy bỏ, đình chỉ, hoặc từ chối thực hiện việc chi tiêu đã được Quốc hội phê chuẩn.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngân khố và Tòa Bạch Ốc để đề nghị bình luận.
Viện dẫn Tu chính án thứ 14
Vấn đề Tu chính án thứ 14 được viện dẫn để ngăn chặn khủng hoảng nợ đã hầu như không được các tòa án giải quyết, và các chuyên gia pháp lý không đồng ý liệu tu chính án này có thể được sử dụng theo cách đó hay không.
Tòa Bạch Ốc đã xem xét khả năng viện dẫn Tu chính án thứ 14 — về cơ bản là sử dụng quyền hành pháp để tuyên bố mức trần nợ là vi hiến — như một biện pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trong trường hợp các cuộc đàm phán về trần nợ giữa Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa không thể phá vỡ được thế bế tắc hiện tại.
Đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng rằng ngày X sẽ đến mà không có thỏa thuận phát hành nợ mới để giải quyết các nghĩa vụ trước đó — và do đó có khả năng xảy ra vỡ nợ — ông Biden đã đồng ý gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) để thảo luận về các cách giải quyết khả thi cho tình trạng bế tắc này.
Ông Biden và Đảng Dân Chủ kiên quyết yêu cầu luật không có điều kiện tiên quyết khi nâng mức trần nợ, trong khi ông McCarthy và Đảng Cộng Hòa yêu cầu cắt giảm chi tiêu để đổi lấy sự ủng hộ của họ đối với việc nâng giới hạn vay này.
Tổng thống đã được hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC hôm 05/05 rằng liệu ông có “sẵn sàng viện dẫn Tu chính án thứ 14 và bỏ qua mức trần nợ không,” với người phỏng vấn nói rằng có những thành viên Quốc hội có thể sẵn sàng cho phép chính phủ vỡ nợ để gây tổn hại cho tổng thống về mặt chính trị.
Ông Biden trả lời, “Tôi vẫn chưa đến mức phải làm thế,” đồng thời nói thêm rằng ông chuẩn bị đàm phán với các thành viên Đảng Cộng Hòa về ngân sách, nhưng không phải về đề nghị lập pháp mới nhất của Đảng Cộng Hòa nhằm nâng mức trần nợ để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã đưa ra một đề nghị kết hợp tăng mức trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD với 4.5 ngàn tỷ USD cắt giảm chi tiêu trong một thập niên.
“Hạ viện đã thực hiện bước đầu tiên có trách nhiệm khi ngồi vào bàn thảo luận với các đề nghị của họ. Điều bắt buộc là tổng thống bây giờ cũng phải làm như vậy,” khoảng hai chục thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã viết trong một bức thư gần đây gửi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), bày tỏ cam kết của họ trong việc phản đối tăng mức trần nợ mà không có “các cải tổ thực chất về chi tiêu và ngân sách.”
Dự luật dài 320 trang của Đảng Cộng Hòa — mang tên Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng năm 2023 — tìm cách đưa chi tiêu tùy nghi trở lại mức năm 2022, hạn chế tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm, và bãi bỏ một số khoản tín thuế.
Ông McCarthy đã nói rằng ông hy vọng đề nghị của GOP sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán tiến tới.
Ông McCarthy nói với các phóng viên tại Điện Capitol hồi cuối tháng Tư, “Hãy nhớ dự luật này là gì. Dự luật này là để đưa chúng ta đến bàn đàm phán. Đây không phải là các điều khoản cuối cùng.”
Ông Biden cho đến nay vẫn không chịu nhúc nhích, nhấn mạnh vào một dự luật sạch sẽ (nghĩa là không có điều kiện) để nâng trần nợ, mặc dù cuộc gặp ngày 09/05 của ông với ông McCarthy có thể mang lại một bước đột phá.
Nguy cơ ‘khủng hoảng Hiến Pháp’
Bà Yellen đã được hỏi về khả năng ông Biden sẽ viện dẫn Tu chính án thứ 14 trong cuộc phỏng vấn trên ABC hôm 08/05, và bà đã hạ thấp ý kiến cho rằng đây sẽ là một giải pháp khả thi.
“Tôi vẫn chưa rõ chính xác liệu biện pháp này có là một trong số các lựa chọn hay không,” ông George Stephanopoulos của đài ABC nói với bà Yellen. “Đó có phải là lựa chọn ‘đập vỡ kính trong trường hợp khẩn cấp’ không?”
Bà Yellen trả lời bằng cách nói rằng bà ấy không muốn tập trung vào triển vọng của các biện pháp khẩn cấp cuối cùng và nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội hành động.
Bà nói, “Điều quan trọng là các thành viên Quốc hội nhận ra trách nhiệm của họ là gì, và ngăn chặn điều mà chắc chắn sẽ là — bất kể nó được giải quyết như thế nào, lựa chọn nào được sử dụng để giải quyết — một thảm họa kinh tế và tài chính.”
Ông Stephanopoulos sau đó nói có vẻ như bà Yellen không loại trừ lựa chọn này trong việc cân nhắc.
Bà Yellen nói, “Không có cách nào để bảo vệ hệ thống tài chính trong nền kinh tế của chúng ta ngoài việc Quốc hội thực hiện công việc của mình và nâng mức trần nợ để cho phép chúng ta thanh toán các hóa đơn của mình. Và chúng ta không nên đi xa đến mức phải cần xem xét liệu tổng thống có thể tiếp tục phát hành nợ hay không.”
Bà nói thêm, “Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp.”
Nỗ lực bỏ qua mức trần nợ bắt buộc theo quy định của Quốc hội chưa bao giờ được thực hiện, mặc dù việc này đã được gợi ý như một lựa chọn khẩn cấp trong các tình huống bế tắc về giới hạn nợ trước đây.
Trong lần bế tắc gần đây nhất về mức trần nợ xảy ra vào năm 2011, cựu Tổng thống Bill Clinton nói rằng nếu ông ở vị trí tổng thống đương thời của ông Barack Obama, thì ông sẽ sẵn sàng viện dẫn Tu chính án thứ 14 một cách “không chút do dự, và buộc các tòa án phải ngăn cản tôi.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times