Các nhà phê bình: Đảng Dân Chủ thúc đẩy Puerto Rico trở thành tiểu bang là một ý tưởng tồi
Vào giữa tháng Mười Hai, Hạ viện đã thông qua “Đạo luật Tình trạng Puerto Rico” do Dân biểu Raúl Grijalva (Dân Chủ-Arizona) dẫn đầu. Dự luật hầu như mang tính tượng trưng này có thể được đưa ra một lần nữa trong Quốc hội mới. Nếu được ký thành luật, dự luật này có thể châm ngòi cho một sự thay đổi mạnh mẽ đối với nền kinh tế của hòn đảo này.
Dự luật này sẽ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý đối với cư dân của hòn đảo, cho phép những người này quyết định một cách dân chủ liệu người dân có muốn Puerto Rico trở thành tiểu bang thứ 51, một quốc gia độc lập, hay vẫn là Thịnh vượng chung (một loại lãnh thổ phụ thuộc có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Hoa Kỳ). Các cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc trước đây đã dẫn đến kết quả là đa số ủng hộ việc trở thành tiểu bang.
Đạo luật của ông Grijalva đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của Đảng Dân Chủ tại Hạ viện, và 16 thành viên Đảng Cộng Hòa đã cùng tham gia bỏ phiếu ủng hộ dự luật, bao gồm cả Dân biểu sắp mãn nhiệm Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming). Những người ủng hộ dự luật này coi đây là một bước quan trọng trong việc xóa bỏ những vết tích của chủ nghĩa thực dân Mỹ.
“Bị Hoa Kỳ xâm chiếm trong Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898, Puerto Rico vẫn ở trong tình trạng thuộc địa nửa mùa khi công khai phản đối các giá trị phản thực dân mà nền Cộng hòa Hoa Kỳ được thành lập dựa vào đó,” Dân biểu Nydia Velázquez (Dân Chủ-New York) cho biết trong một thông cáo báo chí sau khi dự luật này được Hạ viện thông qua. “Đã đến lúc phi thực dân hóa hoàn toàn Puerto Rico.”
Lập luận này không thuyết phục đối với cư dân Puerto Rico và Chủ tịch Viện Ayn Rand, ông Yaron Brook. Khi được hỏi về quan điểm trên của nữ nghị sĩ, ông Brook nói với The Epoch Times, “Tôi không đồng ý.”
Ông tin rằng cuộc sống của cư dân trên đảo ngày nay là tốt hơn so với việc Hoa Kỳ trao trả độc lập cho họ sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ vào cuối những năm 1890. Theo ông Brook, mọi người không nên tập trung vào việc liệu chủ nghĩa thực dân vốn có bản chất xấu xa hay không, mà thay vào đó hãy tự hỏi bản thân: “Con người có đang sống tốt hơn dưới hệ thống này hay không?”
Ông Brook, vốn cũng là một nhà quản lý quỹ đầu cơ có trụ sở tại Puerto Rico, đã cảnh báo rằng cả việc trở thành một tiểu bang và độc lập đều có thể gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế của hòn đảo này.
“Những người muốn trở thành một tiểu bang, về căn bản muốn trở thành một tiểu bang vì họ muốn có nhiều phúc lợi hơn,” ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng phúc lợi sẽ chỉ khiến cư dân trở nên phụ thuộc hơn và kém hiệu quả hơn về lâu dài. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ cung cấp trợ cấp thất nghiệp và các phúc lợi khác vượt quá thu nhập hộ gia đình trung bình toàn quốc.
Ông Brook chỉ ra rằng hơn 25% người lao động Puerto Rico đã làm việc cho chính phủ. “Bộ máy quan liêu đã phình to. Những việc làm thực thụ cần phải được tạo ra ở đây.”
Ông Peter Schiff, kinh tế gia và cũng là cư dân Puerto Rico, người sáng lập Euro Pacific Asset Management, đã lặp lại sự phản đối của ông Brook đối với việc hòn đảo này trở thành tiểu bang, đồng thời nhấn mạnh gánh nặng thuế bổ sung sẽ đi kèm với tư cách tiểu bang.
“Hãy tưởng tượng quý vị sở hữu một doanh nghiệp ở tiểu bang Puerto Rico. 37% thuế thu nhập liên bang, 15.3% thuế tự doanh, 3.8% thuế Obamacare, 33% thuế thu nhập tiểu bang, và 11.5% thuế doanh thu,” ông Schiff viết trên Twitter hôm 15/12. “Ngoài ra, vì Puerto Rico có nhiều nợ trên bình quân đầu người hơn bất kỳ tiểu bang nào khác, nên thuế tiểu bang có thể sẽ tăng lên.”
Bối cảnh chính trị
Ông Brook, vốn là một người tin tưởng vào thị trường tự do, không thấy viễn cảnh độc lập là đầy triển vọng, trong bối cảnh chính trị hiện tại. Dựa trên hồ sơ theo dõi của chính quyền hòn đảo và luận điệu bắt nguồn từ những người ly khai nổi tiếng, ông Brook tin rằng nền độc lập sẽ đưa Puerto Rico “theo hướng tập quyền hơn, sự can thiệp của chính phủ nhiều hơn.”
Những người ủng hộ quyền tự quyết của Puerto Rico lập luận rằng có tồn tại một yêu cầu hành động về mặt đạo đức.
“Tuy nhiên, trong một thời gian dài, người dân Puerto Rico đã bị gạt ra khỏi lời hứa đầy đủ về nền dân chủ và quyền tự quyết của Hoa Kỳ,” Dân biểu Steny Hoyer (Dân Chủ-Maryland) cho biết khi trình bày tại Hạ viện để ủng hộ dự luật này. “Chúng ta nợ người Puerto Rico việc chấm dứt tình trạng 124 năm của hòn đảo này với tư cách là một vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ.”
Theo bước chân của nhà văn và nhà triết học đầu thế kỷ 20 Ayn Rand, ông Brook không coi dân chủ là một điều gì đó mà người ta làm chỉ vì mong muốn. Ông nói với The Epoch Times: “Tôi không quá coi trọng trưng cầu dân ý và việc để người dân quyết định.”
“Rất may là người dân đã không quyết định về Hiến pháp Hoa Kỳ,” ông cho biết thêm khi đề cập đến Hội nghị Lập hiến năm 1787. “Người dân đã quyết định thông qua những người đại diện, chứ không phải quyết định trực tiếp. Ai biết được cuộc bỏ phiếu đó sẽ diễn ra như thế nào?”
Ông Brook đã đề nghị Puerto Rico tổ chức một hội nghị để quyết định vấn đề này.
Mặc dù ủng hộ hiện trạng, ông Brook thừa nhận có những cạm bẫy đối với hệ thống quản trị hiện tại. Mặc dù nhìn chung ông ủng hộ việc giảm thuế và ít quy định hơn, nhưng ông Brook lại chỉ trích hệ thống luật pháp của hòn đảo là thiên vị cho những người giàu có một cách không tương xứng.
“Có rất nhiều khoản giảm thuế cho các giao dịch đặc biệt, nhưng những gì hệ thống trên không làm là giảm thuế cho người Puerto Rico, đó là phần đáng buồn.”
Thuế 0% đối với lãi vốn và cổ tức rất hấp dẫn đối với những người nắm giữ tài sản, nhưng hơn 50% tài sản của Hoa Kỳ thuộc sở hữu của 1% dân số giàu có nhất. Người Puerto Rico bình thường là không bị ảnh hưởng bởi những khoản giảm thuế này nhưng vẫn phải trả thuế doanh thu 10.5% của hòn đảo.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times