Các nhà phân tích: ĐCSTQ sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao chiến lang hung hãn sau Đại hội Đảng
Sau vụ việc một người biểu tình ủng hộ nền dân chủ của Hồng Kông bị kéo vào lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Manchester của Vương quốc Anh và bị bốn nhà ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả tổng lãnh sự Trung Quốc tại Manchester, đánh đập dữ dội, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc ngày càng thể hiện sự quả quyết của mình đối với việc tiếp tục chính sách ngoại giao chiến lang hung hãn.
Những người biểu tình đã biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc của Manchester vào ngày khai mạc đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm 16/10. Người dân Hồng Kông ở Anh đã treo một số biểu ngữ phản đối, bao gồm “Trời diệt Trung Cộng”. Bốn người đàn ông từ đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã bước ra đường. Một người trong số họ được nhìn thấy đang dùng chân đá vào một tấm biểu ngữ phản đối trong một video lan truyền rộng rãi. Sau đó, bốn người này kéo một người biểu tình tên là Bob Chan từ ngoài đường vào tòa lãnh sự, nơi họ bắt đầu đánh đập anh. Cảnh sát Vương quốc Anh đã phải kéo anh Chan ra khỏi tòa lãnh sự để bảo vệ anh. Vụ việc đã thu hút sự chú ý và lên án của cộng đồng quốc tế.
Văn phòng Ngoại giao Anh cho biết họ đang tiếp tục điều tra vụ việc và không loại trừ việc trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc có liên quan.
Ông Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan), tổng lãnh sự của ĐCSTQ tại Manchester, cuối cùng đã thừa nhận hôm 20/10 về việc đánh người biểu tình bên trong tòa lãnh sự nhưng không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bênh vực cho hành vi của ông Trịnh, thể hiện chính sách ngoại giao chiến lang hung hăng của mình. Chính sách này đã thu hút nhiều chỉ trích.
Tinh thần đấu tranh của ĐCSTQ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu) đã nói trong cuộc họp báo của Đại hội Toàn quốc khóa 20 của ĐCSTQ hôm 20/10 rằng bản lĩnh đấu tranh là tinh thần ngoại giao của ĐCSTQ. Ông nói thêm rằng ngoại giao của ĐCSTQ sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đấu tranh, nâng cao khả năng đấu tranh, và sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia và sự tôn nghiêm của ĐCSTQ trên tiền tuyến.
Bà Thẩm Bội Lỵ (Shen Beili), Phó Giám đốc Ban Liên lạc Quốc tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày tại đại hội đảng rằng ĐCSTQ sẽ không bao giờ chấp nhận những lời rao giảng trịch thượng và hách dịch của phương Tây, và sẽ không bao giờ áp dụng hệ thống chính trị của các quốc gia khác cho Trung Quốc.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ, ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói rằng bài diễn văn của ông Mã Triêu Húc trong đại hội đảng về bản lĩnh đấu tranh không khác nào đang gián tiếp ủng hộ hành động tấn công người biểu tình Hồng Kông của ông Trịnh Hy Nguyên. Ông Trịnh Hy Nguyên cũng nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Sky News của Anh rằng, “Đây là bổn phận của tôi.” Điều này cho thấy rằng chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ sẽ không chỉ tiếp tục sau đại hội đảng, mà sẽ còn tăng cường dưới sự tái đắc cử của ông Tập, ông Lý nói.
ĐCSTQ xuất cảng bạo lực
Bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà văn Canada gốc Hoa, nói với The Epoch Times hôm 20/10 rằng vụ tấn công tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester là một biểu hiện thực tế của tư duy cách mạng bạo lực của ĐCSTQ, vốn đang xuất cảng bạo lực ra thế giới. Đích thân các nhà ngoại giao Trung Quốc đang thúc đẩy việc xuất cảng bạo lực của ĐCSTQ.
Bà nói: “Vị tổng lãnh sự ở Manchester này muốn lập công với ông Tập Cận Bình như một chiến lang, nhưng trong mắt cộng đồng quốc tế, họ thấy rõ mối đe dọa của ĐCSTQ đối với toàn thể cộng đồng quốc tế.”
Ông Trịnh Khâm Mô (Zheng Qinmo), trưởng Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang (Tamkang), nói với The Epoch Times rằng sách lược chiến lang hung hãn của các nhà ngoại giao ĐCSTQ ở hải ngoại là điều thường xuyên xảy ra, điều này đủ cho thấy bản chất tư duy ngoại giao của ông Tập Cận Bình trong thời kỳ mới. Họ hoàn toàn coi thường luật pháp của các nước sở tại và trực tiếp sử dụng bạo lực chống lại những người thách thức các giá trị của ĐCSTQ.
Ông nói, “Sự việc này xảy ra trong Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Cách hành xử chiến lang của các nhà ngoại giao Trung Quốc (ĐCSTQ) là một sự chứng minh cho lời thề trung thành của họ với ông Tập Cận Bình, tức là tuân theo đường lối ngoại giao của ông Tập. Vụ việc này sẽ khiến người dân Anh nhận thức rõ hơn về bản chất của chế độ cộng sản Trung Quốc, và sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến chính sách Trung Quốc của Vương quốc Anh.”
Ông Trịnh chỉ ra rằng vụ việc này là kết quả của việc nhiều quốc gia Âu Châu dung thứ cho hành vi phóng đãng của các nhà ngoại giao ĐCSTQ trong thời gian dài, khiến họ tin rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
Mối bang giao giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc ngày càng căng thẳng kể từ khi Trung Quốc áp đặt “luật an ninh quốc gia” ở Hồng Kông. Năm ngoái (2021), chính phủ Anh đã cấp cho những người Hồng Kông có thị thực Công dân Anh ở Hải Ngoại (BNO) quyền sống, làm việc, và học tập tại Vương quốc Anh, để rồi cuối cùng có quốc tịch.
Bản tin có sự đóng góp của Yi Ru, Li Xinan, Xia Dunhou, Chang Chun, Xia Yu
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times