Các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về đề xướng thuế carbon tại Davos
Tổng thống Singapore đã đề nghị áp thuế carbon trên toàn thế giới nhằm buộc các công ty chuyển đổi khỏi các nguồn năng lượng như than đá và dầu mỏ.
Trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây ở Thụy Sĩ, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam đã kêu gọi áp thuế carbon trên toàn thế giới như là một giải pháp nhằm đối phó với khả năng tàn phá của biến đổi khí hậu do con người tạo ra.
Biến đổi khí hậu xảy ra tự nhiên trên Trái Đất và kéo dài trong hàng trăm triệu năm, được đánh dấu bằng những thay đổi cả dần dần lẫn đột ngột như sự xuất hiện và biến mất của các kỷ băng hà. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng các xã hội công nghiệp hóa của chúng ta — đã học cách đốt than, dầu, và khí đốt để lấy năng lượng — đang thải ra khí nhà kính mà họ lo ngại sẽ làm nóng trái đất theo cách gây ra những thay đổi về khí hậu vốn diễn ra nhanh hơn những gì nền văn minh của chúng ta có thể giải quyết.
Theo ông Shanmugaratnam, không có “giải pháp thực tế” nào để chống lại biến đổi khí hậu do con người tạo ra mà không có một hệ thống thuế carbon với sự phối hợp của toàn thế giới. Việc chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế như phong năng, quang năng, và hạt nhân được một số nhà hoạch định chính sách đưa ra như một giải pháp giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu, kết hợp với thuế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thuế carbon có thể được đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng cho biết trong hầu hết trường hợp, chính phủ là cơ quan tốt nhất để ấn định mức giá mà các nhà phát thải phải trả cho lượng khí thải nhà kính mà họ thải ra. Về lý thuyết, giải pháp này sẽ buộc các công ty phải hạn chế lượng khí thải hoặc chuyển sang các nguồn năng lượng khác — nhiều nguồn trong số đó có tính không liên tục, tốn nhiều chi phí hơn, hoặc vẫn đang trong quá trình phát triển — để giảm gánh nặng thuế của họ.
Ông Shanmugaratnam cho biết những hệ thống này có nhận thức về việc cản trở tăng trưởng công nghiệp và thúc đẩy lạm phát ở các quốc gia nghèo hơn vốn không đủ khả năng chi trả thuế, đồng thời [biện pháp này] cũng bất công và không công bằng đối với họ và dẫn đến lạm phát — một đặc điểm mà ông không đồng tình.
“Trên thực tế, điều xảy ra là hoàn toàn ngược lại. Nếu chúng ta không làm điều này, thì những nước sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất cuối cùng sẽ là những nước đang phát triển. Họ sẽ là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu,” ông nói về những dự đoán biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, vốn đang phải đối mặt với sự chỉ trích vì cho đến nay các mô hình ngắn hạn của họ thiếu độ chính xác.
Nhà lãnh đạo Singapore này cho biết: “Những gì chúng ta cần là một hệ thống thuế carbon kết hợp với các khoản trợ cấp cho những gia đình dễ bị tổn thương và một dòng tiền tài trợ cho các nước đang phát triển để cho phép họ tiến hành đầu tư, cũng như giảm thiểu và thích ứng giúp họ tiếp tục phát triển.”
Ông nói thêm rằng ông tin rằng thuế carbon là một “cơ hội thực sự” và là “giải pháp công bằng và thực tế” duy nhất để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu do con người tạo ra.
Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia cho biết thuế mới sẽ gây khó khăn về chính trị
Theo mô hình do Liên Hiệp Quốc công bố, biến đổi khí hậu do con người tạo ra có thể tàn phá thế giới, và có thể chỉ còn vài năm nữa để hành động. Liên Hiệp Quốc dự đoán rằng những thay đổi căn nguyên về các kiểu thời tiết có thể khiến việc trồng lương thực trở nên khó khăn hơn và có thể làm tăng nhu cầu di cư, điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho sự ổn định tài chính của các quốc gia. Tuy nhiên, sự hoài nghi về những dự báo đáng sợ này đã và đang ngày càng gia tăng, vì nhiều dự đoán trước đây của IPCC đã không thành hiện thực.
Ông Mohammed Al-Jadaan, bộ trưởng tài chính của Saudi Arabia, đồng ý với một số phần trong đề xướng của Tổng thống Shanmugaratnam, đặc biệt là có “Trợ cấp cho những người có nhu cầu.” Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng một loại thuế khác được áp dụng cho công chúng mà vẫn cho phép các công ty làm những gì họ muốn với việc phát thải carbon sẽ khiến nhiều người khó chấp nhận.
“Có rất nhiều sự đối kháng chính trị từ các quốc gia phát triển — về mặt chính trị, trong nội bộ. Ý tôi là, vừa mới đây chúng tôi nghe được một số ý kiến,” ông nói.
“Vì vậy, để nói rằng chúng ta sẽ đánh thuế nhưng sau đó chúng ta sẽ chuyển hướng một số phần thuế đó sang các nước có thu nhập thấp sẽ là rất khó khăn về mặt chính trị, vô cùng khó khăn.”
Thay vào đó, theo quan điểm của ông Al-Jadaan, nên tập trung vào việc giúp các nước nghèo đói tạo ra điều kiện sống tốt hơn cho người dân của họ để họ có thể “thúc đẩy quá trình chuyển đổi của chính mình.” Ông cho biết có hơn 600 triệu người ở châu Phi không được tiếp cận với các tiện ích hiện đại cơ bản, chẳng hạn như điện, trong khi các thành viên diễn đàn đang ngồi trong một tòa nhà được kiểm soát khí hậu.
Ông nói, “Vì vậy, nếu bảo họ rằng, hãy đi ăn bánh ngọt đi, tại sao mọi người lại tìm bánh mì chứ, thì theo tôi là đạo đức giả.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times