Các công ty tiếp tục rời Trung Quốc bất chấp nỗ lực củng cố nền kinh tế của ĐCSTQ
ĐCSTQ đã bắt đầu công bố kế hoạch kích thích kinh tế trong nước sau lễ đón Tết Nguyên Đán kéo dài một tuần. Tuy nhiên, các chuyên gia không lạc quan về các triển vọng kinh tế của Trung Quốc và dự đoán sẽ có một làn sóng các công ty khác rời khỏi Trung Quốc.
Theo truyền thông Hoa lục, chính quyền ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức các cuộc họp cao cấp kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán để đề ra các nhiệm vụ kinh tế quan trọng cho năm 2023. Các quan chức cấp tỉnh đã báo hiệu về những kế hoạch “đấu tranh toàn lực cho nền kinh tế” trong các cuộc họp.
Ông Lưu, một doanh nhân ở Quảng Đông, tỉnh lớn nhất của Trung Quốc tính theo tổng sản phẩm quốc nội, nói với The Epoch Times rằng gần đây, nhiều quan chức hàng đầu cấp tỉnh, thành phố, và quận cũng đã tổ chức các diễn đàn doanh nhân. Nhưng ông cảm thấy những cuộc tụ họp đó là “vô ích, bởi vì uy tín của các chính quyền đã dần giảm sút trong những năm gần đây, và nhiều doanh nhân tham dự chỉ để phô diễn.”
Ông nói: “Thực tế, nhiều chính sách đã không được thực hiện, và những doanh nghiệp có thể nhận được các khoản trợ cấp hoặc sự trợ giúp chỉ giới hạn ở một số doanh nghiệp hàng đầu trong ngành.”
Ông Lưu cho biết các yếu tố chủ chốt của nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn do sản xuất và xuất cảng chi phối. Trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng mà ông tham gia, các đơn đặt hàng của nhà máy đã giảm ít nhất 40% trong năm ngoái mà không có bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào.
Trong những năm gần đây, các công ty sản xuất giày dép, đồ gia dụng, và công nghệ điện tử của Trung Quốc đã đầu tư cho sản xuất tại Việt Nam.
Ví dụ, theo Reuters, nhà sản xuất màn hình hàng đầu Trung Quốc BOE dự kiến sẽ đầu tư 400 triệu USD trong năm nay để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam để cung cấp màn hình TV cho Samsung và LG Electronics.
Chuyển đến Đông Nam Á
Nhà bình luận các vấn đề thời sự cư trú tại Hoa Kỳ Vương Hách (Wang He) nói với The Epoch Times rằng dịch COVID-19 kéo dài ba năm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc.
Một ví dụ điển hình đã xảy ra khi một lượng lớn người lao động tại Foxconn, nhà máy cung cấp iPhone cho Apple, rời khỏi thành phố Trịnh Châu khi COVID-19 bắt đầu lan rộng tại các cơ sở của công ty này. Các nhân viên không thể chịu đựng được chính sách hạn chế “zero COVID” của chính quyền, chẳng hạn như phong tỏa vô thời hạn và nỗi sợ lây nhiễm theo nhóm do chính quyền thiếu minh bạch về thông tin COVID-19.
Sau đó, chính quyền Trung Quốc đột ngột từ bỏ mọi biện pháp kiểm soát COVID-19 vào tháng 12/2022, trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng. Sau đó, virus thậm chí còn lây lan nhanh hơn, với nhiều nơi báo cáo tỷ lệ lây nhiễm lên tới 80% trong vòng 20 ngày, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà máy và việc kinh doanh.
Do sự bất ổn mà cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung tạo ra và sự thay đổi đột ngột trong chính sách COVID-19 của chính quyền Trung Quốc, Apple đã đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng của hãng sang Ấn Độ và Việt Nam vào cuối năm 2022. Bắt đầu từ tháng Năm, các sản phẩm dòng MacBook Pro/Air sẽ được sản xuất tại Việt Nam ở nhà máy Hồng Hải của Foxconn, trong khi các kế hoạch đang kêu gọi chuyển việc sản xuất iPhone sang Ấn Độ.
Ông Lưu nói, “Sau khi các hạn chế về COVID được dỡ bỏ, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước có khách hàng ở ngoại quốc cảm thấy không chắc chắn về tương lai của họ ở Trung Quốc, và họ có thể sẽ lần lượt chuyển nhà máy của mình sang Đông Nam Á — chủ yếu là đến Việt Nam.”
Ông Vương dự đoán rằng năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc, với nhu cầu trong nước trì trệ, đầu tư chạm đáy, và thị trường xuất nhập cảng yếu.
Tại thời điểm này, theo ông Vương, nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tồn tại, thì họ phải nhanh chóng chuyển cơ sở sản xuất ra ngoại quốc, đặc biệt là trước xu hướng “tách rời có chọn lọc” khỏi Trung Quốc của Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm, Lạc Á, và Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times