Các công ty, các nhà đầu tư có nhận thức được rủi ro liên quan đến Trung Quốc không?
Theo các nhà phân tích của Bank of America, thu nhập của các công ty trong Chỉ số S&P 500 hiện đang có tương quan đến 90% với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Năm 2010, mối tương quan đó bằng không.
Đó là một thống kê đáng kinh ngạc.
Điều này không phải là quá khó hiểu một khi quý vị nhìn sâu vào ý nghĩa của nó. S&P 500 bao gồm 500 công ty đại chúng lớn nhất có trụ sở tại Hoa Kỳ. Các công ty ở quy mô này—hãy nghĩ về các công ty đa quốc gia như Intel và Starbucks — chắc chắn phải tạo ra doanh số bán hàng từ khách hàng Trung Quốc. Một công ty không thể trở thành một trong 500 công ty lớn nhất nếu không hoạt động trong nền kinh tế số 2 thế giới.
Tuy nhiên, điều đó đặt ra một câu hỏi: Liệu các công ty có được trang bị để quản lý rủi ro khi hoạt động ở Trung Quốc hay không, và liệu họ có công bố đầy đủ những rủi ro đó cho các nhà đầu tư hay không?
Mười năm trước, thị trường Trung Quốc không quan trọng đối với doanh thu của các công ty. [Nhưng] ngày nay, nó là một động lực chính.
Trung Quốc là một thị trường có những rủi ro riêng biệt. Chúng đặt ra những thách thức thực sự cho các công ty và cổ đông.
Cổ phiếu của nhà điều hành sòng bạc Wynn Resorts giảm 25% từ hôm 10/09 đến 21/09, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung cộng) công bố các hạn chế đối với hoạt động sòng bạc tại trung tâm đánh bạc của Ma Cao. Nike đã chứng kiến cổ phiếu của công ty này giảm 12% trong khoảng thời gian từ hôm 16/03 đến 25/03, do công ty này bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi đưa ra tuyên bố “lo ngại” về việc lao động bị cưỡng bức thu hoạch bông ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Và Nike trong lịch sử đã từng là một công ty ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh.
Đó là những ví dụ về thiệt hại có thể định lượng được gây ra cho các nhà đầu tư.
Cũng có những vấn đề không có mối tương quan trực tiếp đến biến động giá cổ phiếu. Các đợt phong toả hà khắc của Trung Quốc trong đại dịch virus Trung cộng đã gây thiệt hại cho các công ty về nhà hàng như Yum China Holdings và Starbucks, cũng như các hãng quản lý khách sạn như Marriott International. Tác động đó hiện vẫn đang tiếp diễn.
Trong cuộc họp công bố thông tin về thu nhập quý 3 của Marriott hôm 03/11, khi được nhà phân tích Wall Street hỏi về những rủi ro khi hoạt động tại Trung Quốc, Giám đốc điều hành của Marriott, Anthony Capuano, nói: “Chà, chúng ta còn bao nhiêu thời gian nhỉ?”
Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, có công ty con, Vision Fund, sở hữu một số công ty công nghệ khởi nghiệp ở Trung Quốc, bao gồm cả công ty gọi xe Didi Chuxing, đã khuyến nghị vào tháng Chín là nên “thận trọng hơn” khi đầu tư vào Trung Quốc. Cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ đã buộc SoftBank phải ghi giảm giá trị các khoản đầu tư tới hơn 50 tỷ USD.
Không có kiểu rủi ro mang tính đơn lẻ nào ở Trung Quốc. Rõ ràng, các quy định tùy hứng của Trung Cộng là một rủi ro. Sự thiếu độc lập về tư pháp của Trung Quốc là một rủi ro khác. Chưa kể đến tình hình chính trị của Trung Cộng và quan điểm của Trung Cộng đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Các công ty nội địa của Trung Quốc cũng đang ngày càng trở thành các đối thủ cạnh tranh dữ dội với chính các công ty ngoại quốc [đang ở đây]. Cuối cùng, nền kinh tế Trung Quốc có một rủi ro vĩ mô—sự giảm tốc của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến các công ty khai thác mỏ đang xuất cảng tài nguyên thiên nhiên và các hộ nông dân đang xuất cảng sản phẩm nông nghiệp.
Trong số báo phát hành hôm 15/11 của Barron’s, tờ báo chuyên về tài chính đã tổng hợp một danh sách các công ty thuộc S&P 500 “nhạy cảm với Trung Quốc” dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu hàng năm của các công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc.
10 công ty hàng đầu trong danh sách đó, theo thứ tự, là nhà điều hành sòng bạc Wynn Resorts (với 70% doanh thu đến từ Trung Quốc) và Las Vegas Sands, nhà sản xuất vi mạch Qualcomm và Texas Instruments, công ty sợi quang IPG Photonics, nhà sản xuất phần cứng máy tính Western Digital, nhà sản xuất vi mạch NXP Semiconductors, nhà sản xuất công nghệ không dây và vô tuyến Qorvo, công ty bán dẫn Broadcom, và nhà sản xuất thủy tinh Corning (với 33% doanh thu đến từ Trung Quốc).
Tôi không ở đây để mà tranh luận rằng tất cả các công ty cần phải thoát khỏi Trung Quốc. Có lẽ một số nên thoát ra. Những công ty khác, với khung khổ đúng đắn, có thể thấy rằng lợi nhuận của họ lớn hơn rủi ro. Nhưng tất cả các công ty này đều cần phải đặt câu hỏi xem liệu có đủ nguồn lực, bí quyết, và chuyên môn để đánh giá, xác định và giảm thiểu rủi ro một cách phù hợp khi hoạt động ở Trung Quốc hay không. Và các công ty này cần đủ độc lập để đưa ra những đánh giá khách quan.
Ngay cả khi được trang bị với các nguồn lực đó, liệu các công ty có đang công bố thông tin về những vấn đề như vậy cho các nhà đầu tư một cách thích hợp hay không? Trung Quốc là một chủ đề thảo luận nóng tại những cuộc họp công bố lợi nhuận doanh nghiệp (có phát sinh) từ Trung Quốc. Sẽ không còn thuyết phục nữa khi các CEO, CFO và COO của công ty nói, “Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình ở Trung Quốc.”
Một đoạn viết về rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc trong hồ sơ nộp lên SEC của một công ty sẽ là quá chung chung. Các công ty cần cho các nhà đầu tư biết họ đang theo dõi tình hình như thế nào và đâu là những kế hoạch dự phòng và phòng ngừa rủi ro đang được áp dụng để đối phó với những thay đổi về chính trị, quy định, hoặc kinh tế cụ thể đối với Trung Quốc. Việc quản lý hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc nên bao gồm cả các phòng ban chức năng và đội ngũ quản lý cao cấp.
Rủi ro không phải là đường một chiều. Có rủi ro cũng có cơ hội. Nhưng các công ty và cổ đông cần phải thông minh hơn và được cung cấp thông tin tốt hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: