Hoa Kỳ nâng cao cảnh báo về rủi ro kinh doanh ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc
Hôm 13/07, chính phủ Hoa Kỳ đã tăng cường cảnh báo cho các doanh nghiệp về những rủi ro ngày càng gia tăng của việc sở hữu chuỗi cung ứng và đầu tư liên quan tới khu vực Tân Cương của Trung Quốc, với lý do là tình trạng lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền tại đó.
“Với mức độ nghiêm trọng và quy mô của những vi phạm này, các doanh nghiệp và cá nhân nào không thoát ra khỏi chuỗi cung ứng, liên doanh và/hoặc đầu tư có liên quan đến Tân Cương có thể có nguy cơ cao vi phạm luật pháp Hoa Kỳ,” Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố.
Báo hiệu sự phối hợp sâu rộng hơn nữa của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề này, Bộ Lao động và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã cùng đưa ra khuyến cáo cập nhật, được công bố lần đầu tiên vào ngày 01/07/2020 dưới thời chính phủ cựu TT Trump bởi các Bộ Ngoại giao, Thương mại, An ninh Nội địa và Tài chính Hoa Kỳ.
Khuyến cáo mới này tăng cường cảnh báo đến các công ty Hoa Kỳ, lưu ý rằng họ có nguy cơ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ nếu hoạt động của họ thậm chí được liên kết “gián tiếp” với “mạng lưới giám sát rộng lớn và đang phát triển” của Trung Cộng ở Tân Cương. Cảnh báo này cũng áp dụng đối với hoạt động hỗ trợ tài chính từ các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty cổ phần tư nhân.
Khuyến cáo mới cũng tóm tắt các hành động đã được công bố trước đây của chính phủ TT Biden nhằm giải quyết các cáo buộc về lao động cưỡng bức và lạm dụng các quyền ở Tân Cương, bao gồm cả lệnh cấm của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đối với một số sản phẩm năng lượng mặt trời nhập cảng và các lệnh trừng phạt đối với các công ty và tổ chức ở Tân Cương.
Hôm thứ Sáu (09/07), chính phủ Hoa Kỳ đã thêm 14 công ty Trung Quốc cùng các tổ chức khác vào danh sách đen kinh tế vì bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và giám sát công nghệ cao ở Tân Cương.
Khuyến cáo cho biết Trung Cộng đang không ngừng “lạm dụng kinh hoàng” ở Tân Cương và các nơi khác “nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc thiểu số Kazakhstan và người Kyrgyzstan mà chủ yếu là người Hồi giáo và thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác.”
Trung Quốc phủ nhận các hành vi lạm dụng và cho biết họ đã thành lập các trung tâm dạy nghề ở Tân Cương để giải quyết vấn đề chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã ca ngợi Canada, Mexico, các đối tác và đồng minh khác của Hoa Kỳ đã cam kết cấm nhập cảng hàng hóa được sản xuất với sự tham gia của lao động cưỡng bức.
“Tôi muốn khen ngợi các đồng minh của chúng tôi vì đã gửi đi một dấu hiệu rõ ràng rằng không có chỗ cho lao động cưỡng bức trong một hệ thống thương mại quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ,” bà nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Joe Biden đã tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ từ các đồng minh của Hoa Kỳ để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền và những gì Tòa Bạch Ốc nói là ngày càng ép buộc các chính sách ngoại thương và thương mại.
Bộ Tài chính đã từ chối bình luận về một báo cáo của Financial Times rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt trong tuần này nhằm đáp lại những sự đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương và Hồng Kông.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể công bố sẽ một khuyến cáo kinh doanh tương tự sớm nhất vào thứ Sáu (16/07), dựa trên tình hình đang trầm trọng hơn ở Hồng Kông.
Một quan chức cao cấp trong chính phủ nói với Reuters rằng Bắc Kinh đang “tước đi các quyền tự do căn bản và tấn công vào quyền tự chủ và các thể chế và các quy trình dân chủ của Hồng Kông.”
“Chúng tôi cố gắng bảo đảm các doanh nghiệp có thể vận hành trong môi trường pháp lý ổn định, có thể dự đoán được và công bằng trên toàn thế giới – và những ủi ro pháp quyền vốn trước đây chỉ giới hạn ở Trung Quốc đại lục hiện đang ngày càng trở thành mối lo ngại ở Hồng Kông,” quan chức này cho biết.
Do Michael Martina và David Shepardson thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: