Các chuyên gia lên tiếng: Quý vị có nên lo lắng về tiền của mình trong ngân hàng không?
Một số chuyên gia tài chính đã cân nhắc về việc liệu người Mỹ có nên cảm thấy lo lắng về sự an toàn cho tiền của mình hay không trong bối cảnh một số ngân hàng sụp đổ trong những ngày gần đây khi một số người tiêu dùng bày tỏ những lo ngại về các khoản tiền gửi của họ, ngân hàng của họ, và hệ thống ngân hàng Mỹ.
Trong khi Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết hôm thứ Hai (13/03) rằng “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn. Tiền gửi của quý vị sẽ ở đó khi quý vị cần,” thì điều đó không ngăn được mọi người suy đoán trên mạng xã hội và những nơi khác. Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang cho biết họ đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự lây lan sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ trong một nỗ lực giảm bớt khả năng “rút tiền hàng loạt.”
Rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng?
Các ngân hàng, là các tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, không giống như các nghiệp đoàn tín dụng, nhận tiền gửi của khách hàng và đầu tư số tiền đó vào nơi khác — có nghĩa là, nếu mọi khách hàng tại một ngân hàng nhất định muốn rút tất cả tiền của họ cùng một lúc, thì có khả năng ngân hàng đó sẽ không có đủ tiền mặt trong tay để làm như vậy.
Ông Tomas Philipson, một giáo sư nghiên cứu chính sách công tại Đại học Chicago và từng là cố vấn kinh tế tại Tòa Bạch Ốc, nói với hãng truyền thông CBNC rằng, “Khi mọi người muốn rút tiền cùng một lúc, thì ngân hàng không có dự trữ để làm điều đó và về căn bản, họ đi đến sụp đổ.”
Ông Philipson lưu ý rằng trước đây, mọi người phải trực tiếp đến ngân hàng và rút tiền mặt, nhưng giờ đây, việc này được thực hiện bằng điện tử — có nghĩa là việc rút tiền xảy ra với một tốc độ cao hơn.
Cuộc khủng hoảng tài chính?
“Đây dường như không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính,” ông Jude Boudreaux, một CFP (Certified Financial Planner) và là một nhà hoạch định tài chính cao cấp tại Trung tâm Hoạch định ở New Orleans, nói với CNBC. “Hai ngân hàng mà chúng ta đang nói đến ngay lúc này chuyên về các tài sản rủi ro hơn,” ông cho biết, khi đề cập đến các khoản đầu tư của SVB vào các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp cũng như chuyên môn của Signature Bank về các loại mã kim. “Khả năng điều này trở thành một làn sóng trên toàn quốc về các vấn đề của ngân hàng có vẻ thấp.”
Trong một ghi chú, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng nguy cơ lây lan sang ngành ngân hàng sẽ được giảm thiểu nhờ thực tế là bốn ngân hàng lớn — JP Morgan Chase, Wells Fargo, Bank of America, và Morgan Stanley — không có các rủi ro như SVB và Silverbank đã có. Hôm thứ Hai (13/03), Goldman Sachs cũng cho biết họ không kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào cuối tháng Ba nữa.
Bảo hiểm FDIC
Trong trường hợp SVB sụp đổ hồi tuần trước, nhiều khách hàng đã cố gắng rút các khoản tiền gửi của họ do những lo ngại về tình hình sức khỏe của ngân hàng này. Các báo cáo cho thấy rằng có tới 85% số tiền gửi không được bảo hiểm, nghĩa là con số đó đã vượt ngưỡng của FDIC là 250,000 USD.
Bà Stacy Francis, một nhà hoạch định tài chính được chứng nhận, đồng thời là chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Francis Financial ở New York, lưu ý rằng đối với các ngân hàng khác, có “khả năng” xảy ra các tình trạng rút tiền hàng loạt tương tự. Bà Francis nói với CNBC rằng, “Điều này xảy ra một phần là do Cục Dự trữ Liên bang tăng mạnh lãi suất,” khi đề cập đến các hành động của Fed trong khoảng 1 năm qua để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, bà Carolyn McClanahan, một nhà hoạch định tài chính được chứng nhận và là người sáng lập Life Planning Partners ở Florida, nói rằng những khách hàng có ít hơn 250,000 USD trong bất kỳ tài khoản nào cũng không nên lo lắng. Bà nói, nếu họ có nhiều hơn 250,000 USD trong một ngân hàng, thì những người này có thể muốn liên lạc với một nhân viên ngân hàng để chia số tiền đó thành các tài khoản khác nhau tại các ngân hàng khác nhau.
Bà McClanahan nói với CNBC rằng, “Quý vị có thể không có quyền truy cập trong một thời gian ngắn, nhưng chính phủ có các quy trình rất nhanh chóng để giúp quý vị quay lại sử dụng tiền mặt của mình trong thời gian ngắn,” và nói thêm, “Đừng mất thời gian lo lắng.”
620 tỷ USD
Tuy nhiên, tổng thua lỗ chưa thực hiện trong hệ thống của Hoa Kỳ do Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang ước tính gần đây nhất là 620 tỷ USD. Chủ tịch công ty này, ông Martin Gruenberg, đã xác nhận con số đó vài ngày trước khi SVB sụp đổ trong một bài diễn văn.
“Môi trường lãi suất hiện tại đã có những tác động mạnh đến khả năng sinh lời và hồ sơ rủi ro của các chiến lược đầu tư và tài trợ vốn của các ngân hàng,” ông nói, theo một bản ghi lại của FDIC. “Đầu tiên, do lãi suất cao hơn, nên các tài sản có kỳ hạn dài hơn mà các ngân hàng mua khi lãi suất thấp hơn giờ đây có giá trị thấp hơn mệnh giá của chúng. Kết quả là hầu hết các ngân hàng đều có một số khoản lỗ chưa thực hiện đối với chứng khoán. Tổng các khoản lỗ chưa thực hiện này, trong đó có chứng khoán sẵn sàng để bán hoặc giữ đến ngày đáo hạn, là khoảng 620 tỷ USD vào cuối năm 2022. Các khoản lỗ chưa thực hiện đối với chứng khoán đã làm giảm đáng kể vốn chủ sở hữu đã báo cáo của ngành ngân hàng.”
Một số nhà phân tích lưu ý rằng các ngân hàng có thể thấy rằng họ có ít tiền mặt hơn họ nghĩ, vì chứng khoán của họ có giá trị thấp hơn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times