Các chuyên gia: Giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức tại kỳ họp lưỡng hội thường niên
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc (NPC) khai mạc phiên họp toàn thể thường niên vào ngày 05/03, một phiên họp chủ yếu tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ cuộc họp năm nay để dự đoán những diễn biến trong tương lai.
Mặc dù một số mục tiêu và chi tiết về chính sách đã bắt đầu được hé lộ nhưng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về việc thực thi và thời gian thực thi các kế hoạch này.
Các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm kéo dài của thị trường địa ốc lớn, tình trạng giảm phát ngày càng nghiêm trọng, thị trường chứng khoán sụt giảm, và tâm lý tiêu dùng và kinh doanh thấp là một vài trong số những thách thức sẽ được thảo luận trong một loạt các cuộc họp gọi là “lưỡng hội” hay “lianghui” trong tiếng Trung.
“Chúng tôi đang chờ đợi một mục tiêu tăng trưởng ‘khoảng 5%’, giống như năm 2023. [Các cuộc họp] cũng sẽ đưa ra định hướng cho các chính sách tài chính và tiền tệ trong năm nay,” một ghi chú được phát hành hôm 01/03 của công ty tài chính Moody’s cho hay.
“Các thị trường quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng của nước này vào năm 2024 và cách thức khai triển các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ để biến mục tiêu đó thành hiện thực.”
Bốn điểm chính cần theo dõi là biện pháp cứu trợ cho lĩnh vực địa ốc, gói kích thích bổ sung nhắm vào sản xuất, khoản trợ cấp trực tiếp cho các gia đình, và những điều chỉnh thận trọng đối với chính sách tiền tệ.
Theo Moody’s, nhà ở giá rẻ, cải tạo làng đô thị, và xây dựng cơ sở công cộng khẩn cấp được dự đoán là “ba dự án lớn” sẽ nhận được nguồn thanh khoản.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy sự điều chỉnh kéo dài nhiều năm của lĩnh vực địa ốc sắp đạt được mức sàn, mọi thứ sẽ trở nên tệ hơn trước khi chuyển biến tốt lên,” ghi chú cho biết. Công ty xếp hạng toàn cầu này kỳ vọng sẽ có các thông báo về việc mở rộng các chính sách trợ giúp và sự can thiệp rõ ràng vào thị trường.
Ghi chú cho biết thêm, quy định “ba lằn ranh đỏ” — được thực hiện kể từ tháng 08/2020 để áp đặt các giới hạn đối với các nhà phát triển địa ốc — có thể sẽ không được bãi bỏ hoàn toàn. Thông qua việc tăng nguồn vốn cho lĩnh vực địa ốc, các chính sách trợ giúp cho phía cung có thể đẩy nhanh tiến độ thi công những ngôi nhà chưa hoàn thiện. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm tăng nhu cầu mua địa ốc có thể dẫn đến việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với những người mua nhà lần đầu và giảm tỷ lệ phần trăm tiền đặt cọc.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào lĩnh vực địa ốc và hướng tới phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn giữ thái độ thận trọng, và với việc ngành sản xuất chiếm gần 30% GDP của Trung Quốc, Moody’s cho biết họ cần phải tự tin và sẵn sàng tăng sản lượng.
Các lĩnh vực sản xuất chính — bao gồm cả những gì mà chính quyền gọi là “ba dạng” mặt hàng xuất cảng mới là xe hơi điện, pin lithium-ion, và pin quang năng — có thể nhận được sự trợ giúp đáng kể từ “lưỡng hội.” Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp như thiết bị điện và thiết bị công nghệ cao cũng sẽ được nhấn mạnh trong kỳ họp này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tiêu dùng nội địa phải thay thế cho đầu tư để trở thành động lực phát triển chính cho Trung Quốc vào năm 2024. Với việc lĩnh vực địa ốc dự kiến sẽ tiếp tục suy thoái ít nhất là cho đến năm nay, dòng tiền khó có thể chảy ra khỏi nguồn đầu tư để tiếp tế cho lĩnh vực địa ốc.
Moody’s cho biết, cách hiệu quả nhất để Trung Quốc tăng mức tiêu dùng là cải thiện nhu cầu, cách này có thể đạt được thông qua cung cấp trợ giúp trực tiếp cho các gia đình bởi vì, bất chấp các biện pháp và khuyến khích trước đây, các gia đình vẫn ngần ngại chi tiêu.
Mặc dù các khoản thanh toán trực tiếp cho các gia đình không phải là một lựa chọn mà các nhà chức trách từng cân nhắc trong những năm gần đây, nhưng Moody’s cho rằng đó là một biện pháp khuyến khích mà Trung Quốc cần.
Kỳ họp lưỡng hội
Hơn 5,000 đại biểu từ khắp đất nước đang có mặt tại Bắc Kinh để tham dự các cuộc họp thường niên của NPC và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPCC), cơ quan cố vấn hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
ĐCSTQ, do ông Tập Cận Bình đứng đầu, là nhà cầm quyền tối cao ở Trung Quốc, NPC và CPPCC đều phụ thuộc vào Đảng. Cơ quan Quốc hội bù nhìn này chưa bao giờ bác bỏ các quyết định về nhân sự hoặc luật pháp do Đảng đề ra.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn theo dõi chặt chẽ sự kiện thường niên này để đánh giá kế hoạch hành động của Trung Quốc trong năm tới, bởi lẽ sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia đông dân này đều có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4.6% vào năm 2024, chủ yếu do sự sụt giảm diễn ra trong lĩnh vực địa ốc và xu hướng yếu đi của nhu cầu từ bên ngoài.
Nỗi lo đồng nhân dân tệ mất giá
Moody’s cho biết, các nhà hoạch định chính sách sẽ thận trọng khi điều chỉnh lãi suất vì đồng nhân dân tệ đã gặp khó khăn kể từ đầu năm 2023 do chênh lệch lãi suất ngày càng tăng, dòng vốn chảy ra ngoài, và tăng trưởng GDP mờ nhạt.
Tuy nhiên, ông Robert Swift, giám đốc đầu tư của công ty đầu tư Delft Partners có trụ sở tại Sydney, cho biết: “Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng hơn nữa, trước nguy cơ mất giá của đồng nhân dân tệ.”
Ông Swift nói với The Epoch Times: “Theo Chỉ số USD Trọng số Thương mại, đồng nhân dân tệ hiện đang rẻ hơn đồng dollar Mỹ, [và] cho dù đồng nhân dân tệ bị yếu đi hay là bị mất giá thì đều sẽ gây ra một đợt mất giá tiền tệ thứ cấp ở châu Á.”
Theo báo cáo “Theo dõi Đồng nhân dân tệ ở Hải ngoại” (Offshore Renminbi Tracker) được công bố hôm 01/03 của Standard Chartered, mặc dù chỉ bị giảm 2.8% vào cuối năm, nhưng từ tháng 02 đến tháng 10/2023 đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 7% so với đồng USD.
“Các chính sách của ông Tập Cận Bình đã khiến thị trường mất niềm tin vào dòng vốn chảy vào và điều này sẽ mất thời gian để phục hồi lại — trong trường hợp mà phục hồi được. Các biện pháp kiểm soát vốn tiếp theo có thể diễn ra sau đó nhằm ngăn cản người dân địa phương rút vốn. Việc này có thể xảy ra dưới hình thức quy định cấm du lịch ra ngoại quốc, một điều vốn dễ áp dụng,” ông Swift nói.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ thường không liên quan gì đến thanh toán quốc tế trong dòng chảy thương mại toàn cầu vì sự mất giá của đồng nhân dân tệ “chỉ là tin tức và không gây ra hậu quả nghiêm trọng,” ông nói thêm.
Mặc dù đã vượt qua đồng yên Nhật để trở thành đồng tiền thanh toán lớn thứ tư toàn cầu, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ vẫn tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 3.6% thanh toán quốc tế, so với 47% của USD và 23% của euro.
Ông Swift nói: “Nếu muốn có được sự trợ giúp đắc lực cho đồng tiền này, thì sự hào phóng về tài khóa, việc phân bổ vốn tập trung, và cho vay qua các tổ chức tài chính trung gian không phải là ngân hàng đều phải được hạn chế, mà việc hạn chế này sẽ gây tổn hại về mặt xã hội.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times