Các chủ doanh nghiệp nhỏ ở San Francisco kêu gọi giúp đỡ
Ông Mark E. Sackett cho biết, môi trường kinh doanh khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ lâu năm của ông mà còn ảnh hưởng đến những doanh nghiệp khác trong thành phố — và một số đã biến mất.
Công việc kinh doanh của một chủ doanh nghiệp nhỏ lâu năm ở San Francisco đang trên bờ vực phá sản bởi vì theo ông, sẽ không có ngân hàng nào cho ông vay thương mại.
Ông Mark E. Sackett, chủ sở hữu The Box SF, một không gian tổ chức hội nghị và sự kiện trong một tòa nhà lịch sử ở quận South of Market của thành phố, cho biết khoản vay cho hoạt động kinh doanh của ông sẽ đến hạn vào tháng Hai, nhưng hàng chục tổ chức cho vay đang từ chối ông.
Trong một tập phim dài một giờ gần đây thuộc chương trình “California Insider” của EpochTV, ông cho biết, “Sáu người đã nói rằng [họ] thậm chí không sẵn lòng thực hiện một khoản cho vay thương mại ở San Francisco nữa.”
Những người khác nói với ông rằng họ sẽ không cho ông vay ít hơn 30 triệu USD trong khi một số khác đưa ra lời đề nghị nhưng với những điều khoản kém.
Ông nói, “Tôi rất biết ơn khi nhận được lời đề nghị, nhưng tôi sẽ phá sản sau sáu hoặc bảy tháng nữa vì đây là khoản vay chỉ tính lãi và các khoản thanh toán của tôi sẽ… gần gấp ba so với hiện tại.”
Môi trường như vậy không chỉ ảnh hưởng đến ông mà còn ảnh hưởng đến những người khác trong thành phố, chẳng hạn như các chủ cửa hàng nhỏ ở góc phố. Một số cửa hàng như vậy đã biến mất.
Ông nói, “Toàn bộ khu vực đều đã đóng cửa. Đó đều là những doanh nghiệp từng làm ăn tốt.”
Ông Sackett bắt đầu công việc kinh doanh của mình vào năm 1990. Trong nhiều năm, Apple, Intel, các công ty công nghệ lớn khác, và thậm chí cả thống đốc tiểu bang California đã nhiều lần thuê ông tổ chức các sự kiện tại The Box SF.
Ông nói rằng ông có xếp hạng tín nhiệm nợ hoàn hảo và duy trì hoạt động kinh doanh của mình, với hai nhân viên, tồn tại được qua thời kỳ đại dịch bằng cách sử dụng tiền tiết kiệm hưu trí của ông, sau khi nhiều người đã từ bỏ công việc kinh doanh của mình.
Ông nói, “Họ chỉ cứ thế mà từ bỏ San Francisco thôi.”
Giờ đây khi rốt cuộc bắt đầu phục hồi sau đại dịch, ông cho biết công việc kinh doanh của ông đã khởi sắc, giúp hàng trăm nhà cung cấp có việc làm — chẳng hạn như những người phục vụ, nghệ nhân cắm hoa, nhân viên pha chế, và đội ngũ công nghệ.
“Tôi chỉ là một tiếng bíp trên sóng radar,” ông cho biết, ý muốn nói rằng ông không phải là một nhân vật tầm cỡ không thể thay thế. “Nhưng tôi sẽ lập luận rằng tôi là một phần quan trọng của nền kinh tế, đối với hàng trăm người khác mà tôi giúp cho có việc làm.”
Ông Sackett nói rằng các tổ chức cho vay đã trở nên “ích kỷ”, thiếu động lực để giúp đỡ các doanh nhân nhỏ hơn, và họ có thể cho rằng làm việc với ông là quá rủi ro, vì rất nhiều doanh nghiệp gần đây đã tuyên bố thôi hoạt động — hoặc đóng cửa các chi nhánh trong thành phố — có thể kể đến Walgreens, Nordstrom, Old Navy, và Whole Foods.
Ông cho rằng suy nghĩ như vậy là sai lầm.
Ông nói, “Các công ty lớn hiện đang sụp đổ, còn tôi thì vẫn ở đây. Trong suy nghĩ của tôi, nếu tôi là một chủ ngân hàng, thì doanh nghiệp này sẽ là một vụ cá cược khá tốt cho tôi.”
Ông cũng nói rằng sự thiếu thiện chí từ các tổ chức cho vay có thể liên quan đến việc giới truyền thông hiện đang quá tập trung vào những tệ nạn của thành phố.
“Câu chuyện của quốc gia này là San Francisco đang sụp đổ với ma túy, tội phạm, các vụ đột nhập xe, tình trạng vô gia cư, bệnh tâm thần và … những thứ khác,” ông nói. “Tôi tin rằng khi quý vị có một thành phố đẳng cấp thế giới đang gặp khó khăn thì sự chú ý sẽ đổ dồn vào đó.”
Và rồi còn cả những vụ ăn cắp vặt trong cửa hàng.
Ông cho biết, mỗi vấn đề đều có mối liên hệ với nhau và đang góp phần khiến nhiều người và doanh nghiệp rời khỏi thành phố hơn. Ông xếp hạng các vấn đề theo mức độ nghiêm trọng: ma túy và buôn bán ma túy đứng hàng đầu, tiếp theo là những người nghiện trên đường phố, sau đó là các vấn đề về bệnh tâm thần, và cuối cùng là người vô gia cư.
Và trên hết, xen lẫn trong tất cả những thứ này là tình trạng tội phạm.
Ông nói, “Nếu chúng ta không giải quyết được [những vấn đề này], thì chúng ta sẽ còn mất thêm nhiều hoạt động kinh doanh nữa. Sẽ còn có nhiều người rời khỏi California với số lượng lớn hơn.”
Thất vọng vì tiến độ chậm chạp của các tổ chức bất vụ lợi và chính trị gia, ông cho biết ông đã tham gia một liên minh địa phương để cố gắng cải thiện điều kiện ở khu vực lân cận của mình.
Nhóm kể trên trồng cây xanh và lắp đặt đèn mới. Ông cũng vẽ một bức tranh tường cao 300 foot (91.4 mét) bên hông tòa nhà của mình ở số 1069 Howard St., nơi nhà xuất bản quá cố William Randolph Hearst đã in tờ San Francisco Examiner vào những năm 1920.
Nhưng bây giờ, ông nói, ông phải sơn đi sơn lại để tẩy graffiti hàng ngày cho bức tranh tường này, và những cái cây thì bị đánh cắp — bị bứt ra khỏi mặt đất.
Ông cho biết cách đây không lâu ông cũng đã bị tấn công bởi một người đàn ông cầm dao bấm gần cơ sở kinh doanh của ông, và vài ngày sau, có người đã cầm búa tạ đập vào một trong những cửa sổ cơ sở kinh doanh của ông. Ông nói, thường có những người bất tỉnh vì fentanyl trước cửa nhà ông. Và gần đây hơn, ông đã can thiệp — khi nhân viên bảo vệ không làm vậy — để ngăn một phụ nữ ăn trộm hàng hóa từ một cửa hàng thuốc địa phương.
“Cô ấy giận dữ với tôi vì tôi đã can thiệp vào vụ cướp của cô ấy,” ông nói. “Yếu tố tội phạm luôn tồn tại [ở đây], nhưng giờ họ trở nên táo bạo hơn rất nhiều.”
Ông nói, fentanyl là một phần quan trọng của vấn đề và đi đôi với tình trạng vô gia cư.
Họ “về cơ bản đang ‘thách thức’ chính phủ, ‘thách thức’ các nguồn lực được cung cấp, bởi vì họ đang buôn bán ma túy từ những căn lều này,” ông cho biết. “Fentanyl ở khắp Bờ Tây.”
Ông Sackett cho biết, gốc rễ của vấn đề là phán quyết năm 2018 của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9, theo đó không cho phép các thành phố ở miền Tây Hoa Kỳ mà tòa án này giám sát giải tỏa các khu trại dành cho người vô gia cư trừ phi cung cấp được nơi trú ẩn.
Kể từ đó, ông cho biết vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn ngay cả khi thành phố chi hàng tỷ USD.
Ông nói, “Ở San Francisco, về mặt chính trị, chúng tôi đã trở thành một kiểu văn hóa ‘hãy ném tiền vào đó và xem liệu tiền có giải quyết được vấn đề hay không.’”
Tuy nhiên, ông cho rằng cộng đồng doanh nghiệp vốn chịu nhiều ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch đã bị phớt lờ.
“Chúng tôi không nhận được số tiền như vậy cho các doanh nghiệp nhỏ,” ông nói. “Chúng tôi không nhận được sự trợ giúp như vậy.”
Theo ông Sackett, các doanh nghiệp là cơ sở tính thuế, là nền kinh tế của thành phố, và cũng là lý do tại sao — cùng với vẻ đẹp tự nhiên của San Francisco — du khách khắp thế giới ghé thăm nơi đây.
“Tôi thậm chí không biết liệu thành phố có biết đến những doanh nghiệp như doanh nghiệp của tôi hay không,” ông nói. “Họ chưa liên lạc với tôi. Họ chưa hề đề nghị giúp đỡ.”
Ông cho biết ông từng nhớ đến San Francisco và nóng lòng muốn về nhà sau khi đi du lịch đến những nơi như London, New York, hay thậm chí là ghé thăm thành phố Kansas quê hương ông.
Nhưng giờ thì ông không còn cảm giác như vậy nữa.
“Giờ đây tôi không nghĩ như vậy nữa và điều đó làm tôi buồn,” ông nói. “Tôi muốn không phải bận tâm đến việc canh chừng bản thân khi ra ngoài và lo lắng cho sự an nguy của chính mình… nhìn thấy những mảnh kính vỡ trên mặt đất… nhìn thấy một anh chàng không thể đứng vững vì có giấy bạc và một cái ống hút và anh ta đang phê fentanyl. Tôi không muốn thấy tất cả hàng xóm của mình biến mất và mọi thứ đều bị đóng cửa.”
Ông cho biết để thay đổi mọi thứ, mọi người cần tham gia nhiều hơn và cần bỏ phiếu. Ông nói, các chính trị gia cần ngừng nghĩ về đảng, về cánh tả, cánh hữu, hay trung lập.
“Hãy bầu chọn và thuê những người giỏi. Đó là cách tôi tuyển dụng trong công việc kinh doanh của mình,” ông nói. “Mọi người đang đau khổ và chúng ta cần tìm ra cách chấm dứt nỗi đau đó.”
Ông nói vẫn còn có hy vọng.
“Đừng bỏ cuộc. Đừng từ bỏ San Francisco. Đây là một thành phố đẳng cấp thế giới. Sẽ có rất nhiều điều tốt đẹp đến với chúng ta.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times