Tượng Phật mang lại sự bình yên cho một khu dân cư ở Oakland
OAKLAND, California — Chán ghét tệ nạn tội phạm, nhưng thay vì buông xuôi, một người dân Oakland vẫn ấp ủ niềm hy vọng.
OAKLAND, California — Chán ghét tệ nạn tội phạm, nhưng thay vì buông xuôi, một người dân Oakland vẫn ấp ủ niềm hy vọng. Bằng một việc làm nhỏ là đặt một bức tượng Phật ở nơi công cộng, ông đã mang lại sự an tĩnh cho khu phố của mình.
Câu chuyện về Phật điện ở Oakland bắt đầu vào năm 2009, khi ông Dan Stevenson và vợ, bà Lỗ (Lu), cảm thấy mệt mỏi với tệ nạn buôn bán ma túy, mại dâm, và rác thải trong khu phố của họ. Vì muốn thay đổi năng lượng tiêu cực trong khu phố, họ nảy ra ý tưởng đặt một bức tượng Phật ở góc Đại lộ 11 và Đường 19 gần nhà.
Họ mua một bức tượng Phật bằng bê tông từ một cửa hàng Ace Hardware ở địa phương. Để giữ cố định bức tượng Phật, ông Stevenson đã sử dụng một thanh thép và keo epoxy để gắn chặt bức tượng vào một tảng đá trên dải đất ở góc đường này.
Kể từ khi được đặt ở đó, nơi linh thiêng này đã trở nên đặc biệt thu hút sự chú ý.
“Bức tượng đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo của nơi này. Hoạt động mại dâm đã chấm dứt, ma túy biến mất, không còn rác thải,” ông Stevenson nói với The Epoch Times. “Tôi đã rất ngạc nhiên, thật sự đáng kinh ngạc.”
Theo thời gian, từ một bức tượng Phật ban đầu, nơi này đã trở thành một kiến trúc phức tạp với nhiều bức tượng, có người đến thắp hương, đặt nến và vật phẩm cúng dường. Trong số các bức tượng được đặt thêm vào có tượng Quan Âm Bồ Tát và khoảng một năm trước, tượng Thánh Jude đã được đặt vào phía sau ngôi đền. Thánh Jude được biết đến là người bảo trợ trong những tình huống nguy khốn.
Ông Stevenson cho biết một đôi vợ chồng gốc Việt, ông Henry và bà Vina, đã xây dựng ngôi đền này và họ giữ nhiệm vụ chăm nom ngôi đền để mọi người đến tụng kinh và cầu nguyện. Ông cho biết mặc dù họ đã chuyển nhà đi nơi khác nhưng từ đó những người hàng xóm vẫn tiếp tục duy trì ngôi đền đến ngày nay.
Ông Stevenson kể lại rằng hồi năm 2012, thành phố đã cố gắng dỡ bỏ bức tượng Phật này. Ông cho biết đã có người khiếu nại để dỡ bỏ bức tượng với lý do là nơi thờ phụng và chính phủ phải được tách biệt mà bức tượng lại tọa lạc trên khu đất công cộng.
“Mỗi ngày đều có khoảng 50 đến 75 người từ mọi nơi đến đây và có lúc còn đông hơn, bởi vì nếu một chiếc xe buýt du lịch đi qua đây hay đại khái là vậy — mà tôi cũng không biết ai đang điều hành chuyến xe đó — nhưng người ta xuống xe, chụp ảnh … và rồi tất cả đều lên xe và đi tiếp … Thậm chí chúng tôi còn không có ý nghĩ thoáng qua là điều gì đã diễn ra trong suốt 15 năm giống như thế hay mọi chuyện sẽ đi đến đâu. Khu thờ phụng cứ mở mang thêm và còn được quốc tế biết đến,” ông Stevenson nói. “Và dù điều đó có mang lại lợi ích gì cho họ thì xem ra lúc rời đi họ có vẻ hài lòng hơn so với lúc đến. Chuyện này hẳn là một điều gì đó tốt đẹp rồi.”
Hồi năm 2014, phóng viên Chip Johnson của SF Chronicle đã yêu cầu Cảnh sát Oakland kiểm tra số liệu thống kê tội phạm ở khu dân cư Eastlake và nhận thấy tội phạm đã giảm 82% từ năm 2012 đến năm 2014. Cảnh sát lưu ý rằng họ không thể khẳng định chắc chắn rằng tượng Phật chính là nguyên nhân khiến tình hình tội phạm lắng xuống. Kể từ đó, báo cáo của cảnh sát cho thấy tội phạm trong khu vực này liên tục giảm và chỉ tăng nhẹ trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.
Ông Stevenson cho biết kể từ dạo đó “không còn rác… quý vị đã phải phàn nàn về điều gì đó; tại sao chúng ta không chọn [thờ phụng] Đức Phật. … Tôi không nghe thấy ai phàn nàn về rác cả.”
Ông kể lại về một sự việc nghiêm trọng: một nhân viên thành phố đến trước cửa nhà ông và nói rằng họ sẽ đập nát bức tượng.
Vì vậy, ông Stevenson đã lên mạng và thông báo cho những người hàng xóm xung quanh về lời đề nghị phá bỏ tượng Phật. Ông cho biết thành phố đã vấp phải rất nhiều phản ứng dữ dội và những lời phản đối để giữ lại bức tượng nên một quan chức thành phố đã gọi cho ông và yêu cầu ông “làm dịu tình hình.”
Ông Stevenson cho biết cuối cùng thành phố đã đưa tình huống này vào tình trạng “xem xét” và từ đó dường như vấn đề này đã bị quên lãng.
Ông Stevenson không phải là một Phật tử, nhưng ông chọn thờ phụng Đức Phật vì ông nhận thấy Ngài trung lập và không gây tranh cãi.
“Tôi thực sự thích chiêm nghiệm. Sự trầm ngâm tĩnh tại có tác động lớn đối với tôi và Ngài làm điều đó một cách thật tuyệt vời,” ông bày tỏ.
Ông Stevenson từng dạy môn Nghiên cứu Á Châu và cho biết ông cảm thấy đồng điệu với Đạo Giáo và có xu hướng khuyến nho, nhưng ông cho biết những gì diễn ra trong nhiều năm qua là một bất ngờ thú vị.
Ông Jesse là một cư dân của khu phố này, làm nghề đầu tư địa ốc. Vài năm trước, ông đã chuyển đến khu dân cư này vì ông nhìn thấy khu thờ phụng này với những bức tượng khi đang lái xe ngang qua và đi xem xét quanh khu vực. Lúc đó, ông nghĩ rằng mua một căn nhà ở khu vực gần ngôi đền hẳn là một ý tưởng hay. Ông giải thích với The Epoch Times tại sao ông luôn thích ghé qua đây mỗi tuần một lần để cầu nguyện.
Ông Jesse nói: “Tôi cảm thấy duy trì phước lành là điều nên làm, chứ không phải là tìm cách leo lên một đỉnh cao nào đó.”
Một cư dân khác, bà Laura Gerard, nói với The Epoch Times: “Tôi cảm thấy ngôi đền đó mang lại vẻ đẹp và sự bình yên cho khu phố; đó là một nơi thiêng liêng.”
Bà Gerard cho biết bà đã được ông Henry và bà Vina nhờ giúp chăm nom ngôi đền này. Giờ đây, bà cùng với chồng và những người hàng xóm khác chia sẻ nhiệm vụ khóa, mở cổng và trông coi ngôi đền.
Bà nói: “Có rất nhiều người đến thăm khu thờ phụng đó, rất nhiều người chăm sóc Phật đường, tổ chức những sự kiện nhỏ vào những ngày lễ và ngày kỷ niệm khác nhau. Vì vậy, thật tuyệt khi thấy hoạt động như vậy ở khu dân cư này.”
Bức tượng Phật vẫn bình an vô sự và tồn tại đến nay sau hai lần tưởng chừng sẽ bị dỡ bỏ, trước đó một lần do bọn tội phạm nhưng vì [bức tượng được cố định chắc chắn bằng] thanh thép và keo epoxy khiến bọn họ không thực hiện được ý đồ, và một lần khác bởi thành phố.
Mở rộng thành đền thờ
Ông Stevenson cho biết, sự thật là góc Đại lộ 11 và Đường 19 từng trông giống như một bãi rác. Ông nói rằng người ta sẽ vứt ra đó các trường kỷ, nệm, và bất cứ vật gì khác mà họ không dùng nữa.
Ông kể lại rằng ông gọi điện lên thành phố, và sau hai hay ba cuộc gọi, cuối cùng họ cũng đã đến dọn dẹp. Ông cho biết ông đã gọi nhiều lần đến nỗi họ nhớ tên ông.
Ông nói rằng ngay sau khi nơi đó được dọn dẹp xong thì người ta sẽ xả rác ra thêm.
“Sáng nào chúng tôi cũng thức dậy và thấy đống rác này,” ông nói.
Ông cho biết ông đã đặt tượng Phật vào mùa hè, và cố ý đặt bức tượng giữa những tán lá để không ai thực sự trông thấy.
“Bởi vì tôi đang làm việc này với năng lượng [tinh thần],” ông nói.
Khi mùa thu đến, bỗng nhiên bức tượng Phật lộ ra vì lá cây đã rụng hết.
Vì không ai thực sự biết ở đó có bức tượng nên có vẻ như bức tượng Phật đột nhiên xuất hiện, nhưng bức tượng đã ở đó khoảng hai tháng rồi, ông nói.
Rồi một ngày nọ, ông Stevenson thấy có người đến sơn lên bức tượng Phật một lớp màu trắng.
“Tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra,” ông nói. “Không lâu sau đó, những lễ vật nhỏ như thế này bắt đầu xuất hiện, như lê, cam, đậu phộng, một lon nước ngọt, hay những thứ khác. Và tôi nghĩ, ‘À, cũng thật thú vị. Vâng. Tôi đoán rằng có người thích những bức tượng này.”
Ông Stevenson cho biết ngay sau đó một gia đình người Việt, ông Henry và bà Vina, đã đến gõ cửa nhà ông và ngỏ ý được chăm nom nơi này.
“Đó là của ông bà; ông bà hãy chăm sóc nơi đó. … Bức tượng là của chung cho tất cả mọi người; đó là một nơi dành cho cộng đồng,” ông Stevenson nói. “Tôi thậm chí còn chưa nghĩ đến kết quả của việc đặt bức tượng ở đó.”
Ông cho biết ông Henry đã xây dựng tất cả các kết cấu mà quý vị có thể thấy ngày nay và có khoảng 20 gia đình thường xuyên đến thăm nom ngôi đền.
Ông nói, “Ý tôi là, theo nghĩa đen thì đó một tảng đá có Đức Phật đặt trên đó; chính là như vậy; tất cả những gì tôi đã làm chỉ có nhiêu đó thôi. Vâng, tôi nghĩ tất cả những gì chúng ta cần chỉ là như vậy thôi.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times