Các bài hát Giáng Sinh và Thánh ca: Những câu chuyện đằng sau âm nhạc
Mùa Giáng sinh mang đến nhiều truyền thống, lễ hội, và sự kiện giải trí hơn tất cả mùa lễ khác của Mỹ gộp lại.
Các tín đồ sẽ hát những bài hát mừng và thánh ca truyền thống, và thắp nến Mùa Vọng. Trong các thánh đường và tư gia, họ dựng nên khung cảnh Chúa Jesus ra đời, một phong tục do Thánh Phanxico của thành Asissi sáng tạo vào năm 1223.
Mặc khác dịp lễ này còn có những truyền thống mang tính thế tục. Ban đầu được mô phỏng theo một vị giám mục ở thế kỷ thứ tư, Thánh Nicholas của thành Myra, Ông già Noel (Santa Claus) từ lâu đã là một biểu tượng của mùa Lễ Giáng Sinh. Chúng ta dựng và trang trí cây thông trong phòng khách, treo những chiếc vớ lên áo khoác, gửi thiệp chúc mừng Giáng Sinh, mua quà đầy ắp xe trượt tuyết, và kể cho các em nhỏ nghe câu chuyện về những yêu tinh của Ông già Noel và Chú Tuần Lộc Mũi Đỏ Rudolph.
Thế giới nghệ thuật và giải trí cũng hào hứng tham gia các lễ hội này. Chúng ta đọc những quyển sách như “A Christmas Carol” (Giáng Sinh Yêu Thương) của nhà văn Charles Dickens và đọc cho con trẻ những bài thơ như “The Night Before Christmas” (Đêm Trước Lễ Giáng Sinh) của nhà thơ Clement Moore hoặc “How the Grinch Stole Christmas” (Kẻ Cắp Đêm Giáng Sinh) của nhà văn Dr. Seuss. Hollywood đã trình làng rất nhiều phim Giáng Sinh, từ những tác phẩm kinh điển như “It’s a Wonderful Life” (Cuộc Sống Tươi Đẹp) và “Miracle on 34th Street” (Phép Màu Trên Phố 34) cho đến những bộ phim hài, những câu chuyện tôn giáo, và những bộ phim tình cảm của kênh Hallmark.
Cùng lúc đó, các gia đình cũng tổ chức những truyền thống ngày lễ của họ. Cặp vợ chồng son sẽ phải chọn mở quà vào đêm Giáng Sinh hay vào sáng ngày Giáng Sinh. Một số gia đình sẽ cùng nhau xem phim “A Christmas Story” (Câu Chuyện Giáng Sinh) trong khi những gia đình khác sẽ xem phim “National Lampoon’s Christmas Vacation” (Kỳ Nghỉ Giáng Sinh). Có những người sẽ lặp lại thực đơn của Lễ Tạ Ơn gồm gà quay và thịt nhân nhồi cho bữa ăn trong kỳ nghỉ lễ của họ trong khi những người khác sẽ tận hưởng món thịt bò nướng, ngỗng, hoặc các món ăn dân tộc.
Và tất nhiên, sau đó còn có âm nhạc nữa.
Bài hát, bài hát, và nhiều bài hát hơn nữa
Bởi vì có rất nhiều bài hát Giáng Sinh và cũng có nhiều nghệ sĩ thu âm đến nỗi một số đài phát thanh lấp đầy lịch phát sóng tháng Mười Hai của họ bằng những bài hát này mà không gặp khó khăn gì hay là không phải phát lại chương trình. Ngay cả ông già Noel thần kỳ có râu cùng 12 chú tuần lộc của mình có thể cũng sẽ gặp khó khăn để bay lên trời, nếu chúng ta tải bản sao của tất cả các bản thu âm này lên chiếc xe kéo của ông.
Một số ca khúc trong những sáng tác này có tuổi đời hơn 1,000 năm, trong khi những tác phẩm khác mới xuất hiện trong thập niên vừa qua. Có những bài tôn vinh sự giáng lâm của một Đấng Cứu Thế, như bài “Hark! The Herald Angels Sing” (Nghe! Thiên Thần Truyền Tin Hát!) và “Go Tell It on the Mountain” (Hãy Đi Truyền Tin Trên Núi). Những bài hát khác lại tập trung sự chú ý của chúng ta đối với những biểu tượng của mùa Giáng Sinh, như “O Christmas Tree” (Ô Cây Giáng Sinh) và “Here Comes Santa Claus” (Ông Noel Đến Đây). Có những bài mang hơi hướng lãng mạn, như “All I Want for Christmas Is You” (Tất cả Điều Em Muốn Cho Giáng Sinh Là Anh) và “Christmas Every Day” (Mỗi Ngày Đều Là Giáng Sinh). Thậm chí có những ca khúc Giáng Sinh hài hước như “I Saw Mommy Kissing Santa Claus” (Tôi Thấy Mẹ Đang Thơm Ông Già Noel), “All I Want for Christmas Is My Two Front Teeth” (Tất Cả Những Gì Tôi Muốn Cho Giáng Sinh Là Hai Chiếc Răng Cửa Của Tôi) (All I Want for Christmas Is My Two Front Teeth), và “Grandma Got Run Over by a Reindeer” (Bà Nội Bị Tuần Lộc Húc Phải).
Đằng sau nhiều ca khúc trong số các sáng tác này là những câu chuyện thú vị về sự ra đời và ý nghĩa của chúng. Sau đây sẽ là một số những sử tích đó.
Những bài hát cổ xưa
Bài hát “O Come, O Come, Emmanuel” (Chúa Đã Gần Bên) có nguồn gốc từ những tu viện thế kỷ thứ chín. Phiên bản trước đó có ca từ trong tiếng Latinh, và cũng du dương không kém, nếu không nói là hay hơn cả bản tiếng Anh mà chúng ta hát ngày nay. Ban đầu, các nam nữ tu sĩ hát đối đáp các câu thơ và các bài thánh vịnh trong Kinh Cựu Ước, dự đoán sự xuất hiện của một Đấng Cứu Thế. Các Mục Vụ Môn Đệ của Giáo Hội Giám Lý đưa ra quan sát thú vị này đối với bản chuyển soạn gốc. Mỗi điệp khúc bắt đầu bằng những từ dưới đây:
“Hỡi Đấng Trí huệ”
“Hỡi Đấng Toàn năng”
“Hỡi Gốc của Jesse”
“Hỡi Chìa khóa của David”
“Hỡi Sao Mai”
“Hỡi Vua của các Dân tộc”
“Hỡi Đấng Emmanuel”
Đến điệp ca thứ bảy — Hỡi Đấng Emmanuel — chữ cái đầu tiên của những từ này được đọc theo thứ tự ngược lại mang đến cho người nghe một bài thơ theo thể acrostic (là thể thơ mà mỗi dòng bắt đầu bằng 1 chữ cái trong từ) là “Ero Cras,” có nghĩa là “Tôi sẽ có mặt vào ngày mai.”
Một bài hát khác từ thời Trung Cổ, “In Dulci Jubilo,” mà ngày nay chúng ta biết đến với tên là “Good Christian Men, Rejoice” (Những Cơ Đốc Nhân Tốt Lành, Hãy Vui Mừng). Khoa nghiên cứu văn hóa dân gian Đức cho rằng nhạc sĩ Heinrich Seuse đã sáng tác bài hát mừng này vào khoảng năm 1328, sau khi ông nghe các thiên thần hát vang ca khúc này.
Đêm Thánh Vô Cùng
Câu chuyện đằng sau của bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” (Silent Night) cũng tuyệt đẹp như chính bài thánh ca này.
Ngay sau khi Các Cuộc Chiến Tranh của Napoléon kết thúc, một linh mục trẻ người Áo, ông Joseph Mohr, đi dạo vào một buổi tối mùa đông và ấn tượng trước sự yên bình cùng vẻ đẹp của ngôi làng phủ đầy tuyết phía bên dưới ông. Ông đã viết lời cho bài hát “Silent Night,” và hai năm sau, khi cần một bài thánh ca cho đêm Giáng Sinh, ông đã đến thăm người bằng hữu của mình là ông Franz Gruber, một thầy giáo và cũng là chỉ huy dàn đồng ca nhà thờ, rồi nhờ ông sáng tác giai điệu cho ca từ của mình.
Đêm đó, trong Thánh lễ lúc nửa đêm, ông Gruber và Cha Mohr, cùng với cây đàn guitar, đã tặng cho thế giới một trong những bài hát mừng được yêu mến nhất.
Cuối cùng, bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” đã được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ và ngày nay được hát trên khắp thế giới. Một ghi chú lịch sử hấp dẫn là: Trong Hưu chiến đêm Giáng Sinh năm 1914 của Đệ nhất Thế chiến, những người lính từ cả hai phía của vùng đất đang tranh chấp đã tập hợp lại và hát bài thánh ca này bằng tiếng Anh và tiếng Đức.
Các bài hát thế tục của mùa lễ hội
100 năm vừa qua đã chứng kiến một sự bùng nổ của các bài hát Giáng Sinh phi tôn giáo. Trong số này, bài hát “Giáng Sinh Trắng” (White Christmas) vẫn là một trong những bài hát phổ biến nhất, và một lần nữa âm nhạc của bài hát này cũng đi kèm với một câu chuyện đặc biệt.
Ông Irving Berlin sinh ở Nga, người đã sáng tác cho chúng ta những bản hit như “God Bless America” (Chúa Phù Hộ nước Mỹ) và “Puttin’ on the Ritz” (Hãy Ăn Diện Lên) cũng đã viết bài “Giáng Sinh Trắng.” Mặc dù nhà soạn nhạc người Do Thái này không ăn mừng ngày lễ Giáng Sinh, nhưng một số người suy đoán rằng có thể ông đã viết bài hát này để tưởng nhớ cậu con trai 3 tuần tuổi của mình, cậu bé đã qua đời vào ngày Giáng Sinh năm 1928. Trong nhiều năm sau đó, hàng năm ông Berlin và vợ đều đến thăm mộ con trai họ vào ngày này. Chắc chắn, những dòng mở đầu và giai điệu chậm rãi, mà không phải là giai điệu u sầu có thể giãi bày một sự mất mát như vậy:
(“Tôi đang mơ về một đêm Giáng Sinh trắng/ Như những đêm Giáng Sinh tôi từng trải qua/ Khi ngọn cây lấp lánh và trẻ con lắng nghe/ Để nghe tiếng chuông ngân trong đêm tuyết.”)
Năm 1941, ca sĩ Bing Crosby lần đầu tiên đưa bài hát “Giáng Sinh Trắng” mới ra mắt lên sóng chỉ vài ngày sau cuộc tấn công của Nhật Bản tại Trân Châu Cảng. Trong cuộc chiến này, bất cứ khi nào ca sĩ Crosby xuất hiện ở ngoại quốc để biểu diễn cho quân đội, thì những người lính sẽ luôn yêu cầu bài hát này.
“Tôi đã do dự về việc trình diễn bài ‘Giáng Sinh Trắng’ vì bài hát này luôn gây ra nỗi nhớ nhà da diết giữa những người lính, và điều đó khiến họ buồn,” ông Crosby cho hay trong một cuộc phỏng vấn. “Có Chúa mới biết, tôi không hát tới mức khiến họ buồn. Vì vậy, nhiều lần tôi đã cố gắng bỏ bài hát này ra khỏi chương trình, nhưng những chàng trai đó sẽ reo hò yêu cầu tôi hát.”
Những người đàn ông đó muốn được gợi nhớ về quê hương và những gì họ mà đang chiến đấu để bảo vệ cho điều đó.
Mối liên kết văn hóa
Nếu chúng ta khám phá nguồn gốc và lịch sử của những bài hát và bài thánh ca này, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều bài hát trong số đó đi kèm với những câu chuyện đặc biệt này. Chẳng hạn như bài hát “The Twelve Days of Christmas” (12 ngày Giáng Sinh), được một số nhà âm nhạc học tin rằng những món quà được nhắc đến trong bài hát, từ một con gà gô trên một cây lê cho đến 12 nhạc công chơi trống, đề cập đến một số biểu tượng của đức tin Công giáo, trong khi những người khác tranh luận về danh sách những món quà kỳ lạ này bắt nguồn từ trò chơi trí nhớ của một em bé.
Mặc dù việc tìm hiểu những câu chuyện này có thể vui và hữu ích, nhưng âm nhạc đó là điều chúng ta đã biết và yêu thích. Đó là một chút chất keo gắn kết chúng ta lại với nhau với tư cách là một con người. Chúng ta sẽ khó tìm được một em nhỏ, hay một người lớn nào chưa từng nghe nói về chú tuần lộc Rudolph hay nhân vật The Grinch [ở Hoa Kỳ]. Dù niềm tin tôn giáo của chúng ta là gì, thì chúng ta đều quen thuộc với bài hát “Silent Night” (Đêm Thánh Vô Cùng) và “Joy to the World” (Niềm Vui Cho thế giới). Chúng ta có thể không thuộc lời, nhưng chúng ta có thể ngân nga theo những giai điệu “Little Drummer Boy” (Cậu Bé Đánh Trống Nhỏ) và “I’ll Be Home for Christmas” (Anh Sẽ Về Nhà Để Đón Giáng Sinh).
Hoàng Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times