Bút pháp đáng chú ý của danh họa Leonardo da Vinci
Những bức tranh về một thiên thần và hai bức tranh ‘The Last Supper’ (Bữa tối cuối cùng)
Hằng năm, hàng ngàn người yêu nghệ thuật lũ lượt kéo đến Santa Maria delle Grazie (Nhà Thờ Thánh Maria Ban Ơn) ở Milan, nước Ý, để thưởng lãm bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của nghệ thuật gia Leonardo da Vinci. Đó là một bức bích họa kích cỡ lớn, cao xấp xỉ 15 feet (4.57m) và rộng 29 feet (8.84m). Thật là một đặc ân hiếm có khi được ngắm nghía tác phẩm của một tên tuổi quan trọng như vậy thuộc thời kỳ Phục hưng. Đáng buồn thay, chỉ còn khoảng 20% những kiệt tác của danh họa Leonardo còn sót lại. Ngạc nhiên hơn cả là bức tranh này vẫn tồn tại, vì tác phẩm được vẽ bằng một chất liệu mới và chưa được nghiên cứu nhiều thời bấy giờ (dầu trộn với màu keo trên một chế phẩm thạch cao) và bị tác động của chiến tranh và thời gian tàn phá. Khi danh họa Leonardo lần đầu vẽ bức bích họa này thì tác phẩm đó trông như thế nào?
Kỳ thực là, có chút kinh ngạc về con đường họa sĩ Leonardo trở thành một danh họa lỗi lạc và một thiên tài đa năng như thế. Ông là con trai của một công chứng viên pháp lý nổi tiếng tên là Messer Piero Fruosino di Antonio da Vinci và một cô gái thôn quê tên là Caterina di Meo Lippi. Ông Piero không thể kết hôn với cô gái này vì địa vị xã hội của mình; do đó Leonardo không lấy được đầy đủ họ cha. Ông được gọi là Leonardo di ser Piero da Vinci. (Da Vinci đơn giản có nghĩa là “của Vinci,” nơi sinh của ông.)
Nếu ông lấy họ của cha mình, Fruosino, thì đáng lẽ ông đã được kỳ vọng nối nghiệp cha. Quả thật là vậy, chàng trai trẻ nhạy cảm và tinh ý này được tự do trở thành học trò của ông Andrea del Verrocchio, một họa sĩ và nhà điêu khắc thành Florentine.
Trong thời gian học việc với thầy Verrocchio, học trò Leonardo được cho phép vẽ một trong những thiên thần ở tác phẩm “Lễ rửa tội của Đấng Christ.” Thiên thần bên trái thể hiện rõ ràng tài năng của họa sĩ Leonardo. Có một truyền thuyết, dù không có căn cứ, rằng khi thầy Verrocchio nhìn thấy thiên thần của học trò Leonardo, ông đã đặt cọ xuống và không bao giờ vẽ nữa. Điều chắc chắn là họa sĩ Leonardo là bậc thầy của một kỹ thuật pha trộn mượt mà (sfumato) mà từ đó về sau, kỹ thuật này đã luôn luôn [giúp khán giả] nhận diện được tác phẩm từ bàn tay của ông.
‘Bữa tối cuối cùng’ của Milan
Năm 1482, ông Leonardo đặt chân đến Milan, tìm kiếm sự bảo trợ của ngài Ludivico il Moro, Công tước xứ Milan. Năm 1492, ông được ủy nhiệm vẽ họa phẩm “Bữa tối cuối cùng” trên bức tường của phòng ăn ở Tu viện nữ Santa Maria delle Grazie. Một chủ đề phổ biến, Bữa tối cuối cùng của Đấng Christ thường được đề nghị vẽ thành tranh trong một bối cảnh như vậy.
Thông thường, họa sĩ sẽ tập trung vào chủ đề cử hành Bí tích Thánh thể. Tuy nhiên, họa sĩ Leonardo đã chọn khắc họa khoảnh khắc ngay sau khi Chúa Jesus thông báo: “Một trong các ngươi sẽ phản ta” (từ Giăng 13:21). Ông đã nắm bắt một cách tài tình sự căng thẳng của giờ khắc này trong những cử chỉ của các tông đồ. Để tạo nên tác phẩm vĩ đại ấy, đôi khi ông vẽ từ sáng đến tối mịt, thậm chí không dừng lại để ăn. Ông đã làm việc vất vả trong thời gian dài để nắm bắt được khuôn mặt của Đấng Christ và tông đồ Judas.
Cuối cùng, ông đã tạo nên một kiệt tác. Bức tranh này hoàn thành vào năm 1498. Đáng buồn thay, lớp nền mà ông Leonardo chọn cho bức tranh của mình — gesso (lớp sơn lót nền) trên thạch cao — sẽ không bền vững theo thời gian. Chỉ 10 năm sau khi bức tranh này hoàn thành, rõ ràng là tác phẩm đã xuống cấp. Một cánh cửa đã bị cắt xuyên qua bức tranh này vào năm 1652, lấy đi bàn chân của Chúa Jesus. Năm 1796, những đội quân cách mạng Pháp đã sử dụng căn phòng này làm một chuồng ngựa. Trong vụ đánh bom của quân Đồng minh vào năm 1943, bức tranh suýt nữa thì bị phá hủy. Tác phẩm này đã được bảo vệ bằng những bao cát. Đến những năm 1970, một vài phần của bức tranh trên được cho là không thể phục hồi. Một dự án phục chế kéo dài 21 năm, hoàn thành vào năm 1999, đã được thực hiện để cứu vãn những gì còn sót lại. Những phần đó chỉ là một phần nhỏ của bức tranh gốc.
Bức tranh ở Đan phụ viện Tongerlo
Tuy nhiên, chính nơi đây, lịch sử đã rẽ sang một bước ngoặt thú vị. Họa sĩ Leonardo, với rất nhiều sự giúp đỡ từ các học trò của mình, đã tạo nên một bản sao bằng với kích thước thật của bức tranh gốc “Bữa tối cuối cùng” trên vải canvas. Giai thoại về bức tranh thứ hai này bắt đầu vào tháng 07/1499, khi Vua Louis XII mới lên ngôi của Pháp xâm lược Milan. Khi tham quan những kỳ quan của thành phố này, ông đã rất ấn tượng với bức tranh của họa sĩ Leonardo. Là một vị vua chinh phạt, ông muốn mang bức tranh này về Pháp. Ông đã tìm kiếm các kiến trúc sư và thợ thủ công để tạo ra một cách để đóng hộp bức tường (với bức tranh trên đó) và chuyển toàn bộ kho báu này bằng xe ngựa. Do tình trạng của bức tường, nên dự án của nhà vua đã thất bại, bởi quá tốn kém và chưa kể là bất khả thi.
Vua Louis XII đã không nản lòng. Nếu ông không thể mang bức bích họa đó về với mình, thì ông sẽ tìm vị danh họa đã vẽ nó và nhờ vị ấy tạo ra một bản sao. Một bức thư từ nhà vua, đề tháng 01/1507, nói với các quan chức cao cấp ở quê hương Florence của danh họa da Vinci rằng, “Chúng tôi cần ngài Leonardo da Vinci.” Khả năng cao là ông Andrea Solari, người từng làm trong xưởng vẽ của ông da Vinci, đã chỉ dẫn công việc vẽ bức tranh “Bữa tối cuối cùng” thứ hai này.
Về bố cục, đó là một bản sao chép có độ trung thực cao từ bản gốc. Có lẽ ông Da Vinci đã tự mình vẽ Chúa Jesus và Thánh John. Có một vài lý do chính đáng để tin như vậy. Thứ nhất, sự pha trộn mềm mại điêu luyện của bậc thầy này thể hiện rõ ở hai khuôn mặt trên — hơn hẳn ở các tông đồ khác. Vẻ ngoài đặc trưng đó không khác gì gương mặt của thiên thần do ông da Vinci vẽ trong họa phẩm “Lễ rửa tội của Đấng Christ” của thầy Verrocchio. Khi họa phẩm này được chụp X-quang, người ta phát hiện ra rằng hai nhân vật này dường như không bắt nguồn từ các bản phác thảo ban đầu. Các nhân vật trên có vẻ đã được phác thảo và vẽ trực tiếp bởi bậc thầy này — không có những nét phác thảo nặng nề của những người khác.
Không có ghi chép nào về nơi mà bức tranh “Bữa tối cuối cùng” thứ hai này lần đầu tiên được trưng bày, mặc dù chúng ta biết rằng họa phẩm hẳn đã nằm trong khối tài sản quý giá của nhà vua trong nhiều năm. Bức tranh này được ghi chép lại là đã được trưng bày sau đó trong lâu đài của thống đốc các vùng bị chiếm đóng ở Galion, Pháp. Một bản kiểm kê tài sản của thống đốc vào năm 1540 đã liệt kê họa phẩm này.
Năm 1545, cha trưởng tu viện Arnold Streyters đã mua bức tranh này cho Đan phụ viện Tongerlo ở Westerlo, gần Antwerp, nước Bỉ. Ông đã trả cái giá đắt đỏ khi đó là 450 gulden cho tác phẩm này. (Vào thế kỷ 17, 450 gulden tương đương gần 55,000 USD ngày nay.) Một vài người suy đoán rằng điều này được thực hiện bất chấp những lệnh cấm của người theo chủ nghĩa Calvin đối với nghệ thuật tôn giáo. Ngày nay, bức tranh đó vẫn thuộc sở hữu của đan phụ viện này, và mang đến cho những người yêu nghệ thuật một cơ hội hiếm có để biết được bức bích họa gốc ở Milan trông như thế nào khi được vẽ lần đầu tiên.
Nhiều màu sắc và chi tiết, mà hiện đã không còn trong bức tranh tại Milan, lại rất sắc nét và có thể được nhìn thấy trên bức tranh canvas này ở Đan phụ viện Tongerlo. Tác phẩm đó đã không được biết đến rộng rãi cho đến khi giáo sư Jean-Pierre Isbouts và Christopher Heath Brown nghiên cứu cho cuốn sách năm 2017 của họ “The Young Leonardo: The Evolution of a Revolutionary Artist, 1472–1499” (Leonardo Trẻ Tuổi: Sự Phát Triển Của Một Họa Sĩ Cách mạng, 1472–1499). Các học giả đã nghe nói về bức tranh tại Đan phụ viện Tongerlo từ các đồng nghiệp, và nghiên cứu sau đó của họ tiếp tục khởi tác dụng nhấn mạnh thêm khả năng rằng tác phẩm này thực sự thuộc về danh họa Leonardo.
Bức tranh “Bữa tối cuối cùng” thứ hai này gần như bị phá hủy hoặc thất lạc nhiều lần. Có một thời điểm, các tu sĩ đã giấu tác phẩm đó trong một kho thóc. Năm 1929, bức tranh đã tồn tại qua một trận hỏa hoạn lớn làm hư hại nghiêm trọng đan phụ viện này. Bây giờ bức tranh trên vải canvas này, đã hơn 500 năm tuổi, cũng đang cần được phục hồi. Vì ngày nay chỉ một số ít tác phẩm của danh họa da Vinci còn tồn tại trên thế giới, nên cơ hội để bảo tồn một trong những họa phẩm đáng kính nhất của ông là một công việc đáng được quan tâm nhất.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times