Bốn thượng nghị sĩ lưỡng đảng đưa ra dự luật thành lập cơ quan giám sát liên bang đối với việc Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine
bộ tứ gồm các thượng nghị sĩ thuộc lưỡng đảng muốn Quốc hội thành lập một Tổng Thanh tra có thẩm quyền rộng rãi để tiến hành các cuộc điều tra giám sát toàn diện về cách thức Hoa Kỳ trợ giúp về quân sự và dân sự dành cho Ukraine và liệu sự viện trợ này có phục vụ mục đích được đề ra hay không.
Hôm 28/02, Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Lahabama) cho biết trong một tuyên bố thông báo về đề nghị này, “Người Mỹ đang ủng hộ hành động dũng cảm của Ukraine nhằm đánh trả Nga bằng cách cung cấp ít nhất 113 tỷ USD viện trợ và thiết bị quân sự. Đây không phải là một hành động cứu tế. Điều đó đang củng cố an ninh quốc gia của chính chúng ta.”
Nhan đề của dự luật này là Đạo luật Giám sát Độc lập và Khách quan về Trợ giúp Ukraine. Hồi tháng 05/2022, ông Kennedy đã đưa ra đề nghị tương tự tại Quốc hội nhiệm kỳ 117, nhưng dự luật đó không được chuyển tiếp tại Thượng viện. Dân biểu Robert J. Wittman (Cộng Hòa-Virginia) đã giới thiệu một dự luật đồng hành tại Hạ viện, nhưng giống như phiên bản của ông Kennedy tại Thượng viện, đề nghị đó đã không đi đến đâu tại Hạ viện của Quốc hội.
Trong những tháng kể từ tháng 05/2022, viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine đã tăng lên tới 113 tỷ USD, cung cấp các hệ thống vũ khí quân sự và đạn dược phong phú, cũng như các biện pháp với mục đích duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine, chẳng hạn như trợ cấp lương hưu cho Ukraine. Nga đã xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022 và, mặc dù quốc gia nhỏ hơn nhiều ở biên giới phía tây nam của Nga này đã phải chịu thiệt hại nặng nề và hàng ngàn người thương vong, nhưng cuộc xâm lược này phần lớn đã bị cản trở.
Thượng nghị sĩ Kennedy nói, “Những người nộp thuế Mỹ xứng đáng được biết rằng tiền của họ đang giúp Ukraine đánh bại ông Putin một cách hiệu quả, và Quốc hội cần bảo đảm sự giám sát đó. Khoản đầu tư này quá lớn nên không thể giao cho các đường lối quan liêu thông thường. Khoản tiền này đòi hỏi một tổng thanh tra tập trung vào lợi tức đầu tư của Mỹ ở Ukraine.”
Tham gia cùng ông Kennedy với tư cách là những người ủng hộ chính còn có các Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona), Kevin Cramer (Cộng Hòa-North Dakota) và Cindy Hyde-Smith (Cộng Hòa-Mississippi).
Bà Sinema nói trong một tuyên bố với ông Kennedy, “Hoa Kỳ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine, và bằng cách thành lập Tổng Thanh tra Đặc biệt về Trợ giúp Ukraine, chúng tôi bảo đảm trách nhiệm giải trình đối với người dân Mỹ và người dân Ukraine khi họ bảo vệ quê hương và quyền tự do của mình khỏi cuộc chiến bất hợp pháp và vô cớ của Nga.”
Ông Cramer cho biết, “Người nộp thuế Hoa Kỳ cần biết chắc chắn về việc Ukraine đang sử dụng khoản viện trợ của chúng ta cho một mục đích: đánh bại Nga. Việc thành lập Tổng Thanh tra Đặc biệt sẽ buộc Ukraine phải chịu trách nhiệm sử dụng viện trợ mà chúng ta cung cấp cho họ một cách có hiệu suất và hiệu quả nhất.”
Bà Hyde-Smith nói, “Người dân Mỹ cần và xứng đáng được bảo đảm rằng tiền thuế của họ đang được sử dụng một cách có trách nhiệm để bảo vệ Ukraine và các đồng minh của chúng ta. Một tổng thanh tra đặc biệt sẽ có nhiệm vụ giải thích cho hàng tỷ dollar mà chúng ta đang chi tiêu trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược xấu xa rành rành của Nga đối với Ukraine và an ninh toàn cầu.”
Đề nghị thành lập Văn phòng Tổng Thanh tra về Viện trợ Ukraine được mô phỏng theo Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) do Quốc hội và Tổng thống George W. Bush thành lập năm 2008. Hồi năm 2012, ông John Sopko, một nhà điều tra kiêm cố vấn kỳ cựu của Quốc hội, đã được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào vị trí này. Khi ông Sopko trở thành người đứng đầu Văn phòng SIGAR, ông đã phục vụ trong các đội của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, Ủy ban Đặc biệt về An ninh Nội địa, và Tiểu ban Thường trực của Thượng viện về Điều tra.
Với tư cách là người đứng đầu Văn phòng SIGAR, ông Sopko đã đưa ra vô số báo cáo điều tra và kiểm toán ghi lại hàng tỷ dollar bị thất thoát do lãng phí, gian lận, và lạm dụng trong cả các hoạt động của Hoa Kỳ cũng như chính phủ và quân đội Afghanistan trước đây. Khi Tổng thống Joe Biden chỉ thị cho Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan hồi năm 2021, hơn 80 tỷ USD thiết bị quân sự, bao gồm súng, đạn dược, đồng phục, kính nhìn ban đêm, phi cơ có cánh và trực thăng, cùng các loại vũ khí hạng nặng vẫn còn được để lại.
Dự luật hiện đang trình trước Quốc hội này dành 20 triệu USD từ số tiền mà Quốc hội đã cung cấp trong gói viện trợ Ukraine để tài trợ cho cơ quan giám sát mới của Ukraine. Số tiền 20 triệu USD này chiếm chưa đến 0.02% trong số 113 tỷ USD viện trợ bổ sung đã được dành cho Ukraine kể từ tháng 01/2022.
Tổng số 113 tỷ USD mà Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine là bằng 76% số tiền 146.8 tỷ USD viện trợ cứu trợ và tái thiết của Hoa Kỳ dành cho Afghanistan, bắt đầu từ năm 2002.
Trong báo cáo mới đây nhất của SIGAR, cơ quan giám sát viện trợ Afghanistan đã đưa ra sáu lý do dẫn đến sự sụp đổ đột ngột của chính phủ do Hoa Kỳ hậu thuẫn này, bao gồm một “mức độ tập trung hóa cao, tham nhũng lan tràn, và khó đạt được tính hợp pháp,” được mô tả là “những yếu tố góp phần lâu dài vào sự sụp đổ cuối cùng của chính phủ này.”
Báo cáo này tiếp tục, cho biết rằng “Hội nghị Bonn, được triệu tập hồi cuối năm 2001, đã thiết lập một quy trình nhằm xây dựng một trật tự chính trị mới ở Afghanistan vốn liên quan đến việc thông qua một Hiến Pháp mới và các cuộc bầu cử dân chủ. Được đưa ra giữa các phe phái khác nhau của chính thể Afghanistan, thỏa thuận này bắt nguồn từ quyền lực tập trung hóa của [Hội nghị] Bonn trong nhiệm kỳ tổng thống Afghanistan.
“Qua việc đầu tư quá nhiều quyền lực vào nhánh hành pháp, hệ thống chính trị của Afghanistan đã nâng cao khả năng cạnh tranh chính trị và khơi lại những căng thẳng kéo dài giữa tầng lớp tinh hoa thành thị mong muốn hiện đại hóa và những người dân nông thôn bảo tồn truyền thống không tin tưởng vào chính quyền trung ương.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times