Bốn nước Bắc Âu đạt được thỏa thuận vận hành lực lượng phòng không hợp nhất
Lực lượng không quân của Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển đã đồng ý vận hành các phi đội gồm hơn 200 tiêm kích cơ như một lực lượng phòng không hợp nhất của Bắc Âu nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga.
Hôm 23/03, bốn quốc gia Bắc Âu này đã công bố thỏa thuận chung trong các tuyên bố riêng của từng nước.
Đánh dấu sự hợp tác đầu tiên theo mô hình này giữa các quốc gia Bắc Âu, bản tuyên bố về ý định chung (JDI), đã được các chỉ huy lực lượng không quân đại diện cho các nước ký kết vào ngày 16/03 tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.
Các quan chức cho biết, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không lực NATO, Tướng James Hecker, người cũng đang giám sát Không lực Hoa Kỳ trong khu vực, đã có mặt tại lễ ký kết này.
Theo một tuyên bố từ Không lực Đan Mạch, mục đích của JDI là thúc đẩy sự hợp tác lâu đời và tốt đẹp giữa các quốc gia Bắc Âu đồng thời củng cố lực lượng không quân Bắc Âu.
“Mục tiêu tối hậu là có thể hoạt động trơn tru cùng nhau như một lực lượng bằng cách phát triển một khái niệm về hoạt động không quân chung của Bắc Âu dựa trên phương pháp nổi tiếng của NATO,” Không lực Đan Mạch cho biết trong tuyên bố, theo bản chuyển ngữ của Bloomberg.
Quy mô phi đội của ‘Đại Quốc Âu Châu’
Theo Bloomberg, các quốc gia nói trên sẽ theo đuổi bốn lĩnh vực hành động: chỉ huy và kiểm soát tích hợp, lập kế hoạch và thực hiện hoạt động, khai triển linh hoạt các lực lượng, cuối cùng là giám sát không phận và diễn tập huấn luyện chung.
Hiện tại, Na Uy có 57 tiêm kích cơ F-16, 37 tiêm kích cơ F-35 và đã đặt mua thêm 15 chiếc F-35. Trong khi đó, Phần Lan đặt hàng 62 tiêm kích cơ F/A-18 Hornet và 64 chiếc F-35, còn Đan Mạch đặt thêm 58 chiếc F-16 và 27 chiếc F-35. Thụy Điển có hơn 90 tiêm kích cơ Gripens.
Hiện vẫn chưa rõ số lượng chính xác của những phi cơ đang hoạt động.
Thiếu tướng Jan Dam, Tư lệnh Không lực Đan Mạch, cho biết hành động đoàn kết này bắt nguồn từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu hồi tháng Hai năm ngoái.
“Phi đội kết hợp của chúng tôi có thể được so sánh với một đại quốc Âu Châu,” ông Dam nói. “Chúng tôi muốn xem liệu chúng tôi có thể tích hợp giám sát không phận thêm nữa hay không, để chúng tôi có thể sử dụng dữ liệu radar từ các hệ thống giám sát của nhau và sử dụng chung những dữ liệu này. Hiện nay chúng tôi không làm điều đó.”
Trong khi cả bốn quốc gia đã cam kết hợp tác theo hướng dẫn của NATO, Phần Lan và Thụy Điển vẫn chưa gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này, và trước tiên phải được sự chấp thuận của 30 thành viên hiện có của NATO.
Thụy Điển, Phần Lan xin gia nhập NATO
Cả hai quốc gia này đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái nhưng hồ sơ của họ đã bị Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại, cùng với Hungary vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên của hai nước này.
Ankara đã cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu nói trên từ chối dẫn độ các thành viên của Đảng Công Nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, và Liên minh Âu Châu đưa vào danh sách tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu này lan truyền “những lời dối trá trắng trợn” về Hungary, vì vậy các nhà lập pháp trong đảng của ông đã dấy lên nghi vấn về việc có nên phê chuẩn các đơn xin gia nhập này hay không.
Bất chấp sự chậm trễ ban đầu, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đều tuyên bố vào đầu tháng này rằng họ sẽ chấp thuận tư cách thành viên NATO của Phần Lan, bỏ lại Thụy Điển đối mặt với một trò chơi chờ đợi, mặc dù nhiều người cho rằng nước này sẽ được kết nạp vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Trình bày về lực lượng chung mới, Thiếu tướng Rolf Folland, Tư lệnh Không lực Hoàng gia Na Uy, nói với Defense News, “Rõ ràng có sự quan tâm đến sáng kiến khu vực về một bộ chỉ huy không lực chung ở sườn phía bắc của NATO. Chúng tôi biết rõ các điều kiện ở High North, và chúng tôi có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau.”
“Với tổng số gần 250 chiến đấu cơ hiện đại, đây sẽ là một lực lượng chiến đấu lớn phải được phối hợp chặt chẽ,” ông Folland nói thêm.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times