Bộ trưởng Quốc phòng Úc: Các đảo Thái Bình Dương lo ngại biến đổi khí hậu hơn là Trung Quốc
Chính phủ Đảng Lao Động Úc đang đặt hy vọng vào chính sách biến đổi khí hậu như là chìa khóa để giành được hảo cảm của các quốc gia Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng với Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu đã nhấn mạnh sự hỗ trợ của chính phủ ông Albanese đối với hành động về biến đổi khí hậu, bao gồm cả mục tiêu giảm phát thải cao hơn, như một điểm khác biệt chính so với chính phủ tiền nhiệm.
Hôm 12/07, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết mối quan tâm lớn nhất mà ông được biết từ khu vực Thái Bình Dương là mối đe dọa do biến đổi khí hậu.
Ông nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong chuyến công du bốn ngày tới Hoa Kỳ rằng, “Chính phủ Thủ tướng Albanese muốn biến vấn đề biến đổi khí hậu trở thành trụ cột của liên minh [Hoa Kỳ-Úc]. Vì rõ ràng biến đổi khí hậu là một vấn đề an ninh quốc gia.”
Ông nói, “Khi quý vị đứng trên bờ biển của những quốc gia láng giềng Thái Bình Dương của chúng ta, như tôi đã nói, quý vị hiểu được tính dễ bị tổn thương của những người sống trên những hòn đảo nhỏ này. Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương mà Úc là thành viên, đã nhất quán tuyên bố biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sinh kế ở khu vực lân cận của chúng ta — đó là một mối đe dọa sống còn.”
“Người dân Thái Bình Dương đã nói rõ ràng rằng cạnh tranh địa chính trị ít được họ quan tâm hơn là mối đe dọa do mực nước biển dâng cao, mất an ninh kinh tế, và tội phạm xuyên quốc gia. Úc tôn trọng và hiểu rõ quan điểm này. Và chúng tôi đang lắng nghe.”
Nhận xét của ông lặp lại ý kiến của Ngoại trưởng Penny Wong và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Pat Conroy, người đã tham dự cuộc họp của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Suva, Fiji.
Bà nói với các phóng viên hôm 12/07: “Chính phủ mới của Úc cam kết mang lại năng lượng mới và các nguồn tài nguyên mới cho Thái Bình Dương, và chúng tôi đặc biệt công nhận tầm quan trọng của biến đổi khí hậu.”
Những lời kêu gọi hiệp lực trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương
Bà Wong cũng kêu gọi sự đồng lòng sau quyết định rút khỏi Diễn đàn gần đây của Kiribati.
Ngoại trưởng nói: “Tôi có thể lưu ý rằng chúng tôi đang tiếp tục làm việc hướng tới sự đồng lòng lớn hơn, và tôi lưu ý lập trường mà Tổng thống của Kiribati đã nêu rõ, và tôi nói, cùng với tất cả các thành viên khác của Diễn đàn, rằng chúng tôi tìm kiếm sự hòa giải, và cánh cửa vẫn mở, và chúng tôi hy vọng rằng có thể đạt được tiến bộ ở đó.”
Quyết định của các quốc đảo Thái Bình Dương có ý nghĩa to lớn đối với hiệu quả của cơ quan này, vốn được coi là một lực lượng bảo vệ chính chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Chuyên gia về Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal cho biết một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, như Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia, đã nỗ lực hết mình để cố gắng cải cách Diễn đàn để nó có thể chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc một cách hiệu quả hơn. Diễn đàn đã phải vật lộn để đối phó với sự bất mãn đang diễn ra từ các nhà lãnh đạo Micronesia khi họ cảm thấy lợi ích của họ đang bị gạt sang một bên.
Bà Paskal cho biết “không có gì đáng ngạc nhiên” khi Kiribati quyết định rút khỏi Diễn đàn.
Bà từng nói với The Epoch Times, “Rõ ràng, Kiribati hoàn toàn ổn thỏa với mối bang giao của họ với Trung Quốc và họ không thấy có lợi ích gì khi trở thành một phần của một tổ chức mà họ bị gạt sang bên lề hoặc cảm thấy rằng họ bị gạt sang bên lề.”
Bà Paskal cũng nói rằng trong ba năm qua, Diễn đàn đóng một vai trò rất nhỏ trong việc giải quyết bốn cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực, bao gồm đại dịch COVID-19, vụ phun trào núi lửa và sóng thần ở Tonga, bạo loạn ở Quần đảo Solomon, và cuộc khủng hoảng thể chế xung quanh Đại học Nam Thái Bình Dương.
“Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương chỉ đưa ra thông cáo báo chí nhưng không phải là nhân tố chính trong việc giải quyết bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Vậy thì nó dùng để làm gì?”
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tăng cường phản ứng với sự tham gia yếu ớt của các quốc gia dân chủ bằng một cuộc tấn công ngoại giao toàn lực.
Hôm 12/07, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thông báo chính phủ Tổng thống Biden sẽ điều động Peace Corps (Tổ chức Hòa bình) đến khu vực, thành lập các đại sứ quán mới ở Kiribati và Tonga, bổ nhiệm Đặc phái viên Hoa Kỳ đầu tiên tại Diễn đàn, đồng thời đang xem xét tái thành lập một Cơ quan Hoa Kỳ về Phái bộ Phát triển Quốc tế Khu vực Thái Bình Dương để đối phó với thiên tai và viện trợ nhân đạo.
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và bang giao Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].