Bí ẩn: Bức tranh vẽ trẻ sơ sinh hay Chúa Giêsu?
“The Newborn Child” (Chúa Hài đồng) là một bức họa đầy tính khai sáng và nhân từ của họa sĩ người Pháp thế kỷ 17 Georges de La Tour.
Mỗi lần nhìn thấy bức họa “The Newborn Child” (tạm dịch: Chúa Hài đồng) của danh họa Georges de La Tour, tôi lại xúc động khôn tả. Mọi suy nghĩ tan biến, và tôi cảm thấy thanh thản.
Họa sĩ người Pháp La Tour (1593—1652) sử dụng ánh nến để làm nổi bật cảnh người mẹ và đứa con sơ sinh, và có lẽ, cũng là nhằm gợi lên một sự kiện thần thánh — Chúa Giê-su giáng sinh.
Các chuyên gia tranh luận liệu họa sĩ La Tour vẽ một người mẹ, đứa bé sơ sinh và một người hầu gái vô danh hay các nhân vật đó chính là Đức Mẹ Maria, Chúa Giê-su, và mẹ của bà, Thánh Anne, hoặc một người hầu gái. Điểm mơ hồ này có thể là điều khiến bức họa vừa trường tồn với thời gian, lại vừa hấp dẫn.
Bố cục gần gũi của danh họa La Tour bao gồm những hình khối đơn giản với màu đỏ đất, màu tím, và màu nâu đã cùng nhau tạo nên một khung cảnh ấm áp và dịu dàng. Tạm thời chúng ta giả định bức họa này là một tác phẩm tôn giáo. Họa sĩ La Tour vẽ Đức Mẹ Maria trong một khối hình chữ nhật, đôi tay dang rộng và phần thân trên của bà tạo thành các cạnh của hình khối khiến bố cục trở nên hài hòa nhất. Thánh Anne, nhìn nghiêng, nằm gọn trong một tam giác hẹp hơn. Theo một video của Christian Art Today, màu đỏ của trang phục Đức Mẹ Maria tượng trưng cho những khổ hình của Chúa Giê-su, gợi lên sự hy sinh tương lai của Ngài để cứu rỗi chúng ta.
Mọi thứ La Tour vẽ đều hướng chúng ta đến Hài nhi Giê-su. Hai người phụ nữ đều nhìn Ngài với vẻ trìu mến, thu hút sự chú ý của ta đến em bé. Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy một luồng sáng vàng tỏa ra từ Chúa Giê-su. Nhìn kỹ hơn, ta thấy nguồn sáng đó đến từ Thánh Anne, người đang dùng bàn tay che ngọn nến với một cử chỉ dường như là hành động ban phước lành và vầng hào quang cho Chúa Giê-su.
Bất kể tôi có xem bức họa này bao lần đi nữa, luôn có một sự tĩnh lặng kỳ lạ bao bọc lấy tôi, như thể tôi cần phải đi thật khẽ để không làm cho Chúa Hài đồng thức giấc, hoặc như thể tôi đang chứng kiến một sự kiện phi thường vượt quá sự hiểu biết của mình. Đó là điều mà một bức họa tuyệt vời có thể tạo nên — sử dụng những thứ thân thuộc để biểu thị hoặc nhắc nhở bạn về một sự thật khác.
Về họa sĩ
Vào thế kỷ 17, giới thượng lưu danh giá nhất như công tước Henry II xứ Lorraine, Công tước de La Ferté và Hồng y Richelieu, đã sưu tập các bức tranh theo thể loại và tôn giáo của họa sĩ người Pháp La Tour. Khoảng năm 1639, ông được Vua Louis XIII phong tước “họa sĩ hàng ngày” (họa sĩ của nhà vua).
Vua Louis XIII nổi tiếng vì hành động dỡ bỏ tất cả bức họa khỏi một căn phòng chỉ để cho ông có thể ngắm riêng bức họa “Cảnh đêm với Thánh Sebastian” của La Tour. Hiện nay chưa rõ bức họa này đang ở đâu.
Tác phẩm của La Tour rơi vào quên lãng cho đến năm 1915, khi nhà sử học nghệ thuật người Đức Hermann Voss xác nhận các tác phẩm của ông. Thứ tự thời gian của các tác phẩm của họa sĩ vẫn đang được tranh luận, chủ yếu là do nhiều tác phẩm không được ký tên và thực tế là hầu hết các bức tranh của ông đều bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn.
Các chuyên gia thường chia tác phẩm của La Tour thành hai giai đoạn: cảnh theo thể loại ánh sáng ban ngày được vẽ vào khoảng năm 1630 và các cảnh ánh nến thân mật được ông vẽ vào cuối sự nghiệp, khoảng năm 1645. Phong cách sử dụng ánh nến và đuốc sáng của La Tour chắc chắn chịu ảnh hưởng của họa sĩ Caravaggio. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông đã xem trực tiếp tác phẩm của họa sĩ người Ý ở Rome hay gián tiếp qua những người theo đuổi phong cách Caravaggio ở phía bắc như Gerrit van Honthorst (1592–1656) và Dirck van Baburen (khoảng 1595–1624). Cả Honthorst và van Baburen đều sống ở Utrecht, Hà Lan, và họ phát triển phiên bản riêng theo phong cách Caravaggio. Điểm khác biệt giữa La Tour và Caravaggio nằm ở kỹ thuật ánh sáng ấn tượng. La Tour sử dụng các hình khối tròn trịa đơn giản hơn và hiệu ứng ánh sáng tinh tế, mang đến cho tác phẩm của ông chiều sâu nội tâm.
Theo cuốn “Người bạn đồng hành Oxford về Nghệ thuật” do Harold Osborne biên tập, “Theo cách riêng của mình, [La Tour] được xem là đại diện cho tinh thần của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ 17, không kém gì Phillip de Champaigne và Poussin trong các lĩnh vực khác nhau của họ.”
Trong họa phẩm “The Newborn Child” (Chúa Hài đồng), chúng ta thấy tuyệt phẩm khung cảnh ánh nến của La Tour, tình mẫu tử thiêng liêng phổ quát và sự trang nghiêm của tình yêu vô điều kiện — và có lẽ thậm chí là cả tình yêu thiêng liêng.
Văn Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times