Blogger chống Mỹ bị mạng xã hội Trung Quốc cấm sau khi thừa nhận đã mua bất động sản tại Hoa Kỳ
Blogger chống Mỹ bị mạng xã hội Trung Quốc cấm sau khi thừa nhận đã mua bất động sản tại Hoa Kỳ
Hôm 20/08, một blogger Trung Quốc nổi tiếng với những luận điệu ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chống Mỹ đã bị cấm trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ông Tư Mã Nam (Sima Nan), tên thật là Vu Lực (Yu Li), đã nổi lên vì chỉ trích Hoa Kỳ. Những ngôn luận quá khích của ông đã giúp ông giành được danh hiệu trực tuyến “chiến binh chống Mỹ” và hơn 30 triệu người theo dõi trên Weibo, Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), Toutiao, cùng các nền tảng trực tuyến khác.
Lệnh cấm này được đưa ra sau khi gần đây ông thừa nhận rằng ông sở hữu “một ngôi nhà nhỏ” ở Hoa Kỳ. Các nền tảng trực tuyến nhấn mạnh rằng ông Tư Mã đã “vi phạm luật và quy định có liên quan,” nhưng không nói chi tiết ông đã vi phạm quy định hoặc luật nào.
Ông Tư Mã đã ủng hộ cảm tình chống Mỹ, tuy nhiên lại bị cáo buộc là cho người nhà định cư tại Hoa Kỳ, khiến ông trở thành một nhân vật gây tranh cãi và làm bùng lên nhiều cuộc tranh luận trong cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc.
Bất động sản ở Hoa Kỳ gây ra phản ứng dữ dội trên mạng
Theo một bài báo trên cổng thông tin Trung Quốc Sohu, ông Tư Mã thừa nhận trên tài khoản Weibo của mình rằng hồi năm 2012 ông đã mua “một ngôi nhà nhỏ” với giá 257,000 USD.
Ông viết trong một bài đăng hôm 14/08, “Tôi cảm thấy vô cùng hối hận vì đã phạm một tội nghiêm trọng không thể tha thứ và không đáp ứng được kỳ vọng của những người theo dõi tôi trực tuyến.”
Lời thú nhận của ông đã gây ra phản ứng dữ dội trong cộng đồng cư dân mạng.
Một cư dân mạng có tên Ma Yanming đã viết trong bài đăng của mình: “Ông Tư Mã Nam diễn kịch tốt quá nhỉ! Ông ấy có cảm thấy tội lỗi khi làm như vậy không?”
Một người tên Laoyao Brothers trả lời: “Đúng là ác giả ác báo.”
Một số cư dân mạng băn khoăn làm thế nào mà ông Tư Mã xoay sở để đưa được nhiều tiền ra ngoài Trung Quốc như thế, vì chế độ Trung Quốc giới hạn các giao dịch ngoại hối cá nhân ở mức 50,000 USD.
Theo ấn bản Hoa ngữ của Radio France Internationale (RFI), một cư dân mạng đã tính toán rằng số tiền 257,000 USD bằng tổng thu nhập hàng năm của 137 công dân Trung Quốc bình thường vào năm 2012, nguyền rủa ông Tư Mã Nam vì đã kiếm tiền thông qua việc chỉ trích Hoa Kỳ.
Người không xa lạ gì với những vụ gây tranh cãi
Những bài viết dài chống Mỹ của ông Tư Mã Nam đã giúp ông trở nên giàu có. Nhưng ông đã từng vấp phải những vụ việc gây tranh cãi trước đây, đáng chú ý nhất là vào năm 2012, một tai nạn trong chuyến đi đến Hoa Kỳ đã khiến ông trở thành trò cười.
Vào ngày 20/01/2012, ngay trước Tết Nguyên Đán, ông Tư Mã đã viết một bài đăng trên tài khoản Weibo của mình, tuyên bố rằng Hoa Kỳ là “kẻ thù của người dân trên toàn thế giới” vì nước này “bóc lột tất cả các nước trên thế giới” và “giống như một khối ung bướu khổng lồ”. Sau đó ông lên phi cơ để đến Hoa Thịnh Đốn.
Tại Phi trường Quốc tế Dulles, đầu của ông Tư Mã bị kẹp giữa tay vịn của thang cuốn và một đoạn tường, sau đó ông được đưa đến bệnh viện. Một bức ảnh chụp ông Tư Mã với khung nẹp cổ đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Các cư dân mạng châm biếm đặt cho ông biệt danh “Tư Mã bị kẹp đầu”. “Đầu bị kẹp” là một từ ngữ xúc phạm trong tiếng Trung, có nghĩa là “một kẻ ngốc.”
Ông Tư Mã tự nhận là ông đã đến Hoa Kỳ để tham dự một hội nghị, tuy nhiên Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc lại đưa tin rằng ông đến thăm vợ và con trai của mình đang sống ở Hoa Kỳ để cùng đón Tết Nguyên đán.
Vào thời điểm đó, Đài Á Châu Tự do (RFA) dẫn lời cư dân mạng You Jingyou nói rằng ông Tư Mã mắc chứng “rối loạn đa nhân cách nghiêm trọng”.
Người họ You nói với RFA: “Ông nguyền rủa Hoa Kỳ từ Trung Quốc nơi đây, thế mà người nhà của ông ấy lại đến sống ở Hoa Kỳ. Đây chính là biểu hiện của bệnh rối loạn đa nhân cách.”
Cư dân mạng chế nhạo
Cư dân mạng Thượng Hải Gulichunsheng nói trong một bài đăng rằng ông Tư Mã là “kẻ giả nhân giả nghĩa, kẻ sống hai mặt,” công khai quảng bá cho Nga và Bắc Hàn, nhưng đánh giá cao cuộc sống ở Hoa Kỳ.
Một cư dân mạng khác, Wandering ở Bangkok, viết: “Phản đối Chú Sam [Hoa Kỳ] là công việc, còn việc sống ở Hoa Kỳ là đời thực,” chế giễu ông Tư Mã bằng cách trích dẫn lời nói của chính ông ấy.
Một bài báo của một cư dân mạng có tên Jianghuxiaowu, trên cổng thông tin Trung Quốc Sohu, nói rằng những lời lẽ chống Mỹ và yêu nước của ông Tư Mã là hoàn toàn chỉ để theo đuổi sức ảnh hưởng và tích lũy tài sản cá nhân. Giá trị của ông Tư Mã — dựa trên lưu lượng truy cập trực tuyến trước khi các tài khoản của ông ấy bị kiểm duyệt — được một số nguồn tin đánh giá là trị giá 29 triệu USD.
Think China, một phiên bản tạp chí điện tử tiếng Anh của tờ báo thân Bắc Kinh là Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) có trụ sở tại Singapore, đưa tin hôm 22/08, “Lòng yêu nước đối với ông Tư Mã là một công việc kinh doanh, ông ấy sẽ thích nghi một cách mù quáng với người hâm mộ và khuấy động cảm xúc của cư dân mạng.”
Kiềm chế chủ nghĩa dân tộc bị kích động quá mức
Đài Á châu Tự do đưa tin hôm 22/08 rằng ông Khổng Khánh Đông (Kong Qingdong), một nhân vật nổi tiếng trên mạng thân ĐCSTQ khác, cũng bị cấm trên mạng xã hội Trung Quốc.
RFA trích lời học giả chính trị Trung Quốc Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) nói rằng phản ứng của “các tiểu phấn hồng” Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) tới Đài Loan đã khiến chính quyền Trung Quốc phải cảnh giác. “Các tiểu phấn hồng” là những thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc vô cùng cuồng nhiệt của Trung Quốc, ủng hộ ĐCSTQ.
“Cần phải có chủ nghĩa dân tộc, nhưng không thể quá cực đoan,” ông Trần nói, “Trong chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, một số công dân Trung Quốc đã biểu tình bên ngoài Chính quyền thành phố Hạ Môn, ném trứng và cầm biểu ngữ. Nếu loại tình cảm này tiếp tục sục sôi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”