Bình phẩm sách: ‘Năm lá thư từ sau song sắt đã thay đổi thế giới’
Những lá thư khiến cả thế giới thay đổi đều thuộc về những người vĩ đại nhất và đôi khi lại đến từ những kẻ xấu ác nhất. Cả hai nhóm người này đều được đề cập đến trong cuốn sách “Năm lá thư từ sau song sắt đã thay đổi thế giới” của Rodney Walker, một giáo viên lịch sử của Hoa Kỳ.
Tác giả Walker bắt đầu quan tâm về cách thức thay đổi thế giới của những lá thư gửi từ nhà tù, bởi vì một vài lá thư đã gợi cho anh nhớ về khả năng hùng biện của những lời độc thoại. Một đoạn tự thoại thường biểu thị tiếng lòng đơn côi thốt lên từ nơi sâu thẳm nhất của một diễn viên kịch nói. Anh Walker chia sẻ rằng, “Mặc dù nhà tù được thiết kế với mục đích trừng phạt, nhưng có thể là nơi khởi nguồn của sự hướng nội, tự khai phá bản thân, soi rọi và thậm chí là cải biến tâm hồn bất tịnh của một cá nhân.”
Martin Luther King Jr.
Martin Luther King Jr. là một mục sư Baptist người Mỹ gốc Phi cũng là một nhà lãnh đạo nổi bật nhất trong phong trào dân quyền trong suốt những năm 1960. Ông bị bắt giam trong suốt cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Birmingham, Alabama.
Trong thời gian bị giam giữ, ông đã viết “Bức thư từ nhà ngục Birmingham” nổi tiếng, tuyên bố về trách nhiệm đạo đức của các cá nhân trong việc không tuân thủ những luật lệ bất công. Bức thư chính là phản ứng của ông trước những tuyên bố công khai về mối quan ngại và [những điều cần] cẩn trọng do tám lãnh đạo tôn giáo da trắng ở miền Nam ban bố. Bức thư này được xem là một văn kiện đánh dấu cho phong trào dân quyền.
Bốn tháng sau khi Martin Luther King bị bắt giam trong nhà ngục Birmingham, ông đã cùng với nhà lãnh đạo dân quyền khác tổ chức sự kiện Tháng Ba ở Washington, trở thành một trong những sự kiện dân quyền lớn nhất lịch sử. Tổng thống John F. Kennedy đã miễn cưỡng ủng hộ cuộc tuần hành, mặc dù ông lo ngại có thể làm gia tăng căng thẳng về chủng tộc. Nhưng mọi việc không diễn ra như vậy. Cuộc tuần hành lịch sử Tháng Ba ở Washington đã đạt được thành công phi thường trong việc gây áp lực rất lớn buộc chính quyền của John F. Kennedy ban hành một Đạo luật dân quyền liên bang tại Quốc hội.
Tông đồ Paul xứ Tarsus
Tông đồ Paul là người Do Thái và một công dân của Đế quốc La Mã. Ban đầu ông được biết đến là người đã bức hại những tín hữu Kito, nhưng sau khi cải đạo, ông trở thành một “Tông đồ của những người không phải Do Thái giáo”.
Tông đồ Paul đã vào ngục để phòng vệ trước sự truy sát của những tín đồ Do Thái. Trong nhà ngục, Paul cảm thấy cần phải cảnh báo người khác trước những nhà truyền đạo sai lạc và chỉ dẫn họ những điều cơ bản về lối sống tin kính. Ông nhận thấy bổn phận của mình trong việc đưa những kẻ tà giáo ra khỏi điện đường của Chúa, vốn dĩ những kẻ này đang đe dọa đến những hệ thống đức tin nơi trần thế đang lan rộng.
Mặc dù chính phủ La Mã đã hết sức nỗ lực trong việc chấm dứt sự truyền bá của Kito Giáo nhưng không thành công. Bất cứ nơi nào sự bức hại đối với người Kito gia tăng, thì tôn giáo này thậm chí còn lan nhanh hơn nữa. Những lá thư của Tông đồ Paul đã động viên các tín đồ giữ vững đức tin trong cuộc bức hại, và đã góp phần xây dựng nên những nhà thờ Kito Giáo đầu tiên.
Nelson Mandela
Nelson Mandela là một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo chính trị và nhà hoạt động từ thiện người Nam Phi. Khi chế độ Apartheid – một chế độ phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về kinh tế – được thành lập, ông đã dành trọn cuộc đời của mình để đấu tranh xóa bỏ nó.
Ông Mandela đã bị bắt giam vào năm 1962, và bị kết án tù chung thân vì những âm mưu lật đổ chính quyền sở tại. Trong tù, Mandela đã tìm cách truyền ra những lời tuyên bố và thư tay của mình ra bên ngoài để thúc đẩy phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn đang tiếp diễn. Nhiều năm trôi qua, áp lực của cộng đồng quốc tế yêu cầu phóng thích Mandela ngày càng gia tăng. Ông Mandela nhận được yêu cầu rằng nếu muốn được thả tự do thì phải tuyên bố từ bỏ việc sử dụng bạo lực. Nhưng ông chọn vẫn ở trong tù vì mong muốn chính phủ cam kết chấm dứt chế độ hà khắc apartheid.
Vào Chủ nhật ngày 11/02/1990, Mandela đã được thả vô điều kiện sau 27 năm giam cầm. Sau khi tự do, Mandela đã thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cho chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Sau đó ông trở thành tổng thống dân chủ đầu tiên của Nam Phi.
Mahatma Gandhi
Là một nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của Ấn Độ, Gandhi đã cống hiến cả cuộc đời để lan tỏa nguyên lý cá nhân Chấp trì chân lý (Satyagraha) và thực hành đấu tranh bất bạo lực khắp Ấn Độ. Thánh Mohandas Gandhi đã đưa đất nước ông thoát khỏi sự đô hộ của Anh, vì nền tự do của người dân Ấn Độ. Nhưng ông không đấu tranh bằng vũ khí. Vị Thánh này tin rằng hành động và lời nói có sức mạnh hơn bạo lực. Người ta gọi ông là Mahatma, có nghĩa là “tâm hồn vĩ đại.”
Tác giả Walker kể về thời điểm Gandhi bị bắt giam vì đã chống đối hiến pháp mới của Ấn Độ. Hiến pháp ghi nhận rằng những tầng lớp thấp kém nhất của quốc gia có quyền đại diện chính trị riêng biệt trong vòng 70 năm. Nhà lãnh tụ tối cao Gandhi tin rằng điều này sẽ vĩnh viễn chia rẽ các tầng lớp xã hội của Ấn Độ theo cách rất bất công.
Mặc dù là một thành viên thuộc tầng lớp cao và có quyền lực, nhưng Gandhi lại ủng hộ việc giải phóng những người ở tầng lớp thấp nhất, mà ở Ấn Độ thời đó dùng thuật ngữ “untouchable” để chỉ về họ, những người mà ông gọi là Harijans, hay “những người con của Chúa”. Ông không muốn chứng kiến sự suy thoái mà người Anh đã tính toán trước để áp đặt lên tầng lớp thấp, kéo dài hàng thế kỷ.
Ông Walker nhấn mạnh sự kiện này trong cuốn sách của mình bằng cách lá thư mà Thánh Gandhi đã viết, nói rằng vị ấy sẽ tuyệt thực đến chết nếu như một hệ thống bầu cử mới được thành lập.
Tôn Nghị̣
Tình đến thời điểm hiện tại, Walker đã đưa vào cuốn sách của mình lá thư thứ sáu – đó là một câu chuyện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ông Tôn Nghị. Vào tháng 02 năm 2008, ngay trước thềm Olympics Bắc Kinh, Tôn Nghị đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) bắt giữ trong một cuộc truy quét. Cái tội của Tôn Nghị chính là đức tin vào môn tu luyện tinh thần có tên là Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, dựa trên các nguyên lý phổ quát về chân, thiện và nhẫn và năm bài công pháp thiền định. Qua hình thức khẩu truyền pháp môn này nhanh chóng đạt tới 100 triệu học viên vào năm 1999. Chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ như vậy Trung cộng đã gán nhãn “mối nguy hại” cho pháp môn này và bắt đầu thực hiện bắt giữ, tra tấn và giết hại các học viên.
Tôn Nghị bị kết án hai năm rưỡi trong một trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc, ông đã bị tra tấn tàn bạo cùng áp lực tinh thần to lớn nhằm bắt ông từ bỏ đức tin của mình.
Trong trại lao động, Tôn Nghị đã được giao nhiệm vụ gắn các vật phẩm trang trí Halloween để xuất khẩu và bán tại khắp các cửa hàng ở Hoa Kỳ. Trong điều kiện tồi tệ, bị đối xử như nô lệ ở trại giam, ông đã nảy ra một ý tưởng. Ông đã viết một lá thư với những ký tự cầu cứu “SOS” bằng tiếng Anh và giấu nó bên trong một sản phẩm mà ông đã làm để nói với thế giới về những hành vi ngược đãi diễn ra trong tù.
Lá thư đầy chua xót của ông kể về sự tra tấn mà ông phải trải qua và cảnh các tù nhân Pháp Luân Công phải chịu đựng nhiều hình phạt hơn người khác.
Mảnh giấy viết vội ấy đã vượt qua hàng ngàn dặm và được cô Julie Keith mua ở siêu thị Kmart tại thành phố Damascus, tiểu bang Oregon, Mỹ. Hộp quà trang trí chứa đựng lá thư đã mòn mỏi chờ đợi ở nhà cô trong hai năm, thế rồi cô con gái bốn tuổi của cô đã xin mẹ tổ chức sinh nhật theo chủ đề Halloween. Lúc Keith nhớ ra gói đồ trang trí Halloween ấy và tìm lại cho cô con gái của mình, cô đã thấy được mảnh giấy.
Cô Keith đã chụp ảnh lá thư đó và liên hệ với các tổ chức nhân quyền. Sau khi nhận được chút ít phản hồi từ họ, cô đã tham dự các cuộc phỏng vấn của một tờ địa phương, và như thế, câu chuyện cuối cùng đã lên được trang nhất của tờ báo. Sau đó, một tạp chí Trung Quốc đăng bài giới thiệu về tình trạng bên trong các nhà tù ở đại lục cũng được đăng tải trên mạng.
Năm 2010, Tôn Nghị được trả tự do ra khỏi trại lao động và đến Indonesia, tại đây, ông đã gặp được Keith, và hai người trao đổi quà cho nhau. Tuy nhiên, sau chuyến thăm của cô Keith, Tôn Nghị đã bị một người tình nghi là đặc vụ của Trung cộng tìm gặp, hai tháng sau Tôn Nghị qua đời một cách đáng ngờ với lý do bị suy thận cấp. Mặc cho mọi yêu cầu từ vợ cũ và các chị gái của ông, không có cuộc điều tra nào về nguyên nhân cái chết của ông Tôn được tiến hành. Ông Tôn Nghị đã sống một cuộc đời mẫu mực và ra đi vĩnh viễn sau khi nói lên chân tướng sự việc.
Hiện nay, độc giả có thể tìm thấy phim tài liệu về câu chuyện của Tôn Nghị với tên “Bức thư từ Mã Tam Gia.” Bộ phim hiện đã được công chiếu miễn phí trên nền tảng trực tuyến và trên một vài kênh truyền hình.
Điều đáng nói là, cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung cộng vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Adolf Hitler
Hitler và đảng Quốc xã đã dẫn đầu một nhóm liên minh nhằm lật đổ chính phủ Đức quốc. Cuộc nổi dậy này đã thất bại thảm hại và ông ta bị bắt giam. Trong suốt thời gian xét xử sau đó, danh tiếng của Hitler gia tăng khi những bài biện hộ đầy nhiệt huyết của ông ta được đăng trên báo. Hitler đã bị buộc tội và kết án tù giam, nhưng đã được thả chỉ chín tháng sau đó. Thời gian trong tù, Hitler đã cho ra đời tập sách đầu tiên của “Cuộc đấu tranh của tôi.”
Trong cuốn sách của Rodney Walker, anh đã đăng lại một vài đoạn của “Cuộc đấu tranh của tôi” với nội dung báng bổ người Do Thái là phản nhân loại, và chúng được dùng như một chiến dịch tuyên truyền phân biệt chủng tộc. Hitler đã nhấn mạnh rằng chủng tộc thuần chủng là một điều tối cần thiết cho một nước Đức đang tái sinh.
Đọc các trích đoạn của “Cuộc đấu tranh của tôi” khiến ta đau đớn tột cùng. Oán hận và thù hằn hiển hiện rõ trước độc giả. Những ai ủng hộ Hitler và những lời lẽ của ông ta chắc chắn đã biến đổi thế giới: Chúng được dùng để biện minh cho cuộc thảm sát sáu triệu người Do Thái.
Triết gia George Santayana nổi tiếng với câu cách ngôn, “Những ai không nhớ đến quá khứ thì ắt sẽ lặp lại quá khứ.”
Sách “Năm lá thư từ sau song sắt đã thay đổi thế giới”
Tác giả : Rodney Walker
Amazon Pro Hub phát hành, ngày 06/04/2022
Độ dày: 92 trang
Mai Thi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times